Kỳ lạ giếng cổ hình bàn chân khổng lồ tại ngoại thành Hà Nội

(Dân trí) - Theo người dân ở xóm Mát, thôn Yên Duyệt, xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, giếng cổ hình bàn chân có từ xa xưa, không biết từ thời nào. Giờ giếng nước vẫn trong vắt, dưới lòng giếng là lớp đá ong.

Kỳ lạ giếng cổ hình bàn chân khổng lồ tại Chương Mỹ

Kỳ lạ giếng cổ hình bàn chân khổng lồ tại ngoại thành Hà Nội - 1

Xóm Mát, xóm Tròn xã Tốt Động (Chương Mỹ - Hà Nội) đang giữ trong mình một "báu vật" lộ thiên  đó là hai giếng cổ. Một trong hai giếng này có hình tựa như bàn chân người nếu quan sát từ trên cao. Có nhiều câu truyền ký bí truyền tai nhau từ đời này qua đời khác về sự tích hình thành nên giếng này. Tuy nhiên các cụ cao niên trong làng vẫn luôn truyền tai nhau rằng từ khi họ sinh ra đã thấy cái giếng và nó tồn tại đến tận ngày nay.

Kỳ lạ giếng cổ hình bàn chân khổng lồ tại ngoại thành Hà Nội - 2

Quan sát từ trên cao có thể dễ nhận thấy giếng có hình giống một bàn chân khổng lồ. Đây là giếng đá ong, có độ sâu khoảng 6 - 7m. Theo các cụ cao niên trong làng, suốt cả trăm năm nay qua truyền miệng từ nhiều đời, nước luôn trong vắt ngay cả mùa khô cũng không bao giờ cạn.

Kỳ lạ giếng cổ hình bàn chân khổng lồ tại ngoại thành Hà Nội - 3

Bà Trịnh Thị Hải (71 tuổi, xóm Mát xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết: "71 tuổi đời của tôi gắn liền với cái giếng này, từ thủa nhỏ đã phải ra giếng gánh nước về dùng. Ngày xưa gánh bằng thúng quét sơn đen chứ không phải thùng tôn như bây giờ. Nước ở giếng này ăn thì miễn chê, nhất là nấu nước chè xanh thì không có nước gì "địch" được. Bây giờ giếng khoan có nhiều nhưng nhiều gia đình vẫn lấy nước ở đây đế dùng nấu nước chè mỗi lần gia đình có đám".

Kỳ lạ giếng cổ hình bàn chân khổng lồ tại ngoại thành Hà Nội - 4

Ngày trước giếng chưa được lát gạch phía trên mặt, xung quang vẫn là đá ong tự nhiên. Nhiều năm về trước để bảo vệ cảnh quan, người dân đã lát gạch, kè đá ong xung quanh miệng giếng.

Kỳ lạ giếng cổ hình bàn chân khổng lồ tại ngoại thành Hà Nội - 5

Ở Tốt Động vẫn giữ được một nét quê thuần tuý, bên cạnh giếng làng có một cây si cổ thụ cũng ngót nghét trăm tuổi toả bóng mát. Đây là điểm nghỉ chân của người dân mỗi khi đi làm đồng về, cũng là sân chơi của trẻ con trong làng mỗi khi trưa hè oi ả.

Kỳ lạ giếng cổ hình bàn chân khổng lồ tại ngoại thành Hà Nội - 6

"Giếng tuy sâu vậy nhưng mỗi năm chúng tôi đều tát cạn để vệ sinh một lần, bây giờ có máy bơm chỉ cần hai máy bơm vài tiếng là cạn. Ngày trước mỗi lần tát giếng phải huy động cả dân làng, tát bằng khau dây, có hai khau mỗi bên 6 người thay nhau tát từ sáng đến tối khuya mới cạn", bà Hải nhớ lại.

Kỳ lạ giếng cổ hình bàn chân khổng lồ tại ngoại thành Hà Nội - 7

"Đá ong được kè xung quanh là do nhiều gia đình tháo rỡ nhà cửa họ không dùng đến nên mang ra kè giếng. Cá vàng là mỗi đợt Tết ông Công ông Táo dân làng lại mang ra thả nhưng nó chẳng bao giờ lớn chắc do nước trong quá, chẳng có gì ăn. Mỗi lần tát nước vệ sinh ao xong lại thả chúng xuống".

Kỳ lạ giếng cổ hình bàn chân khổng lồ tại ngoại thành Hà Nội - 8

"Tôi năm nay 79 tuổi, cái tuổi gần đất xa trời rồi nhưng không thể nào quên cái giếng làng ấy, thời còn con gái nửa đêm còn ra giếng tắm rồi gánh nước về dùng, cả làng đều dùng chung cái giếng này", bà Nguyễn Thị Thành chia sẻ.

Kỳ lạ giếng cổ hình bàn chân khổng lồ tại ngoại thành Hà Nội - 9

Bên xóm Tròn cách đó không xa cũng có một cái giếng cổ tồn tại bao đời nay. Tuy nhiên bây giờ thành giếng chỉ còn một góc nhưng đáy giếng thì vẫn còn nguyên. Nhiều năm trước dân làng làm đường bê tông nhưng không dám lấp giếng, một phần của miệng giếng đã được bê tông hoá.

Kỳ lạ giếng cổ hình bàn chân khổng lồ tại ngoại thành Hà Nội - 10

Cụ bà Trịnh Thị Thành ngồi nghỉ trưa dưới gốc si già sau buổi làm đồng. Cụ hồi tưởng lại những ngày tháng dân làng nườm nượm ra gánh nước về ăn uống, sinh hoạt, kể lại với phóng viên.

Trọng Trinh - Đỗ Quân