Bình Định:
Kỳ công nghề làm bún Song Thằn tiến Vua ở đất võ Bình Định
(Dân trí) - Làng An Thái là một trong những làng nghề truyền thống cổ ở Bình Định - nơi đây không chỉ là cái nôi của võ thuật mà còn là nơi sản sinh ra một món ăn truyền thống nức tiếng là bún Song Thằn.
Làng An Thái (xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn) được biết đến là vùng đất võ nổi tiếng, lưu truyền như: Roi Thuận Truyền, quyền An Thái… Không chỉ có vậy, vùng quê này còn được biết đến bởi sản vật trứ danh bún Song Thằn mà hiếm nơi nào có được.
Bún Song Thằn nổi tiếng vì có hương vị thơm ngon đặc biệt và giá trị dinh dưỡng cao. Người làng An Thái kể rằng, sở dĩ có tên gọi bún Song Thằn, người thợ thường bắt dây bún từng đôi một, nhiều người đọc thành bún “song thằn”.
Còn có nhiều thông tin rằng, đây là loại bún thượng hạng, rất bổ dưỡng nên thời phong kiến, các quan lại địa phương đều mang theo bún Song Thằn tiến lên vua nên còn được gọi là “bún Tiến Vua”.
Gia đình ông Võ Văn Tâm (66 tuổi, làng An Thái) là một trong số ít hộ còn lại ở làng An Thái còn duy trì làm bún Song Thằn, song chính vẫn là làm bún và bánh phục vụ thị trường. Những ngày cuối năm, bún làm ra bán thường xuyên “cháy hàng”, ông Tâm phải huy động con cháu, thậm chí thuê nhân công làm mới đáp ứng kịp nhu cầu khách hàng dịp tết.
Theo ông Tâm, để làm ra bún, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn rất kỳ công và phức tạp. Nguyên liệu chính chủ yếu làm bằng bột đậu xanh.
“Bước đầu, đậu phải lựa cho thật đều, phơi nắng thật khô rồi đem ngâm vào nước, rồi đem xay. Lưu ý thường xay bột vào ban đêm, bởi nếu xay vào ban ngày giữa tiết trời nắng nóng, bột sẽ bị hỏng ngay. Bột khi xay xong phải qua khâu gạn lọc và phân loại bột nhất, bột nhì. Tinh bột đem phơi nắng cho thật khô mới đem làm bún. Thông thường, khoảng 5 kg đậu xanh hạt làm ra 1 kg bún thành phẩm”, ông Tâm cho biết.
Cũng theo ông Tâm, từ xưa đến nay, bún Song Thằn đều mang lại dinh dưỡng và hiệu quả kinh tế rất cao. Bây giờ, mỗi kg bún Song Thằn thành phẩm bán giá trên 200 ngàn đồng. Tuy nhiên, do làm bún nhiều công đoạn công phu, trong khi nguyên liệu là đậu xanh đắt đỏ nên rất ít người đeo đuổi làm loại bún này. Gia đình ông đã có 3 đời làm bún Song Thằn, hiện trong xóm chỉ còn khoảng 3 hộ còn theo làm nghề này.
Ngoài sản xuất bún Song Thằn, người dân làng An Thái còn tập trung mở rộng làm các loại bún khô, bún gạo bột mì, các loại bánh phở, bánh tráng… Sản phẩm tiêu thụ trên toàn quốc, trong đó tiêu thụ mạnh là thị trường các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.
Doãn Công