Đắk Nông:

Kiếm trăm triệu nhờ gói 10.000 chiếc bánh chưng dịp Tết

(Dân trí) - Mỗi ngày, bảy người thợ phải làm việc liên tục từ lúc gà gáy đến khi trời tối mịt mới gói kịp số bánh trên, đáp ứng đủ nhu cầu thị trường Đắk Nông và các tỉnh lân cận.

Những ngày cuối năm, “lò” bánh chưng của gia đình anh Ngô Sĩ Nam (phường Nghĩa Trung, TX.Gia Nghĩa, Đắk Nông) lúc nào cũng đỏ lửa, ai cũng tất bật, hối hả để chuẩn bị bánh cho dịp Tết Nguyên đán. Hơn 10 năm nay, lò bánh của người đàn ông quê Bắc Giang này là nơi cung cấp bánh chưng lớn nhất của tỉnh Đắk Nông. Ngày thường, gia đình chỉ làm khoảng hơn 200 chiếc bánh chưng, bánh tét để bỏ mối nhưng vào dịp Tết, mỗi ngày gia đình anh Nam nhận gói 700- 800 chiếc, đặc biệt hai ngày giáp Tết số lượng vượt trên 1000 chiếc

Đậu xanh, nếp Bắc được chuẩn bị từ nhiều ngày trước để gói bánh
Đậu xanh, nếp Bắc được chuẩn bị từ nhiều ngày trước để gói bánh

Theo lời anh Nam, năm 2006 anh bắt đầu kinh doanh bánh chưng dịp Tết, ban đầu số lượng chỉ có vài trăm chiếc nhưng dần dà, số lượng càng tăng lên nhờ hương vị đặc trưng Bắc bộ của bánh. “Đơn hàng mỗi ngày một nhiều, có người đặt vài ba chục cái bánh, có mối đặt cả trăm chiếc, tổng cộng Tết năm nay chúng tôi nhận đặt hàng trên 1 vạn chiếc. Với số bánh này, ngoài những người trong gia đình, chúng tôi phải thuê thêm 5 - 6 người nữa, chia công đoạn làm mới xuể”, anh Nam cho hay.

Để bánh chưng có hương vị truyền thống nhất, từ đầu tháng chạp, anh Nam phải cất công về tận quê để tìm mua nguyên vật liệu. Đến khoảng 23 tháng chạp, lá dong, gạo nếp, đậu xanh, thảo quả… lần lượt được vận chuyển bằng xe tải vào tận Đắk Nông.


Toàn bộ bánh chưng được gói bộ, nhưng tất cả bánh đều như một

Toàn bộ bánh chưng được gói bộ, nhưng tất cả bánh đều như một

Gắn bó với nghề gói bánh chưng từ ngày còn là thiếu nữ, tính đến nay bà Nguyễn Thị Lan (mẹ anh Nam) đã có thâm niên 50 năm gói bánh chưng Tết. Đôi tay vẫn còn thoăn thoắt, đầu óc vẫn còn minh mẫn, bà Lan cho biết, năm nay gia đình bà nhập về khoảng 5 tấn nếp, riêng cuối năm là 3 tấn cùng hơn 4 vạn tàu lá dong, 35 vạn lạt và 3 tấn đậu xanh…để gói hơn 10000 chiếc bánh.

Hơn nửa cuộc đời gắn bó với công việc này, bà lão tự hào: “Bánh chưng ở lò nhà tôi nổi tiếng thơm ngon. Toàn bộ nguyên liệu sử dụng trong bánh như gạo, đậu xanh đều được chọn lọc kỹ càng. Lá dong được rửa sạch, cắt sống lá để khi gói không bị gẫy, bánh sẽ vuông đầu sắc cạnh, đẹp mắt, gạo nếp phải là thứ gạo thơm, hạt căng tròn, bóng bẩy, thịt lợn phải là thịt ba chỉ, mỡ nạc cân đối… Mỗi chiếc bánh trải qua khâu chế biến cầu kỳ, luộc kỹ từ 8-10 tiếng để khi thưởng thức, miếng bánh là sự hòa quyện vị ngọt bùi của đậu xanh, vị béo ngậy của thịt và mùi thơm của gạo nếp, lá dong”.

Bánh chưng được cho vào nồi lớn, luộc từ 8-10 giờ
Bánh chưng được cho vào nồi lớn, luộc từ 8-10 giờ

Đôi mắt nặng trĩu vì thức trắng đêm xếp lá vo gạo, chị Ngô Thị Phượng (chị gái anh Nam) cho biết: “Bánh chưng ở đây gói quanh năm nhưng cuối năm mới tất bật như thế này, cả năm cũng chỉ trông chờ vào mấy ngày Tết nên ai cũng tranh thủ làm hết sức. Hôm nay còn chưa ăn thua gì, chứ đến tối 28 Tết, ai cũng phải căng mắt ra để gói bánh, lỡ thất hứa với khách thì sang năm mất mối”.

Chị Phượng chia sẻ thêm, toàn bộ nguyên liệu gói bánh đều ở dạng sống, phải luộc sau khi gói khoảng một tiếng đồng hồ nên ai cũng phải luôn tay, luôn chân. Để gói bánh nhanh, người thợ gói bộ chứ không dùng khuôn, nhưng vì đã thành thói quen nên tất cả bánh đều như một, trọng lượng từ 1,1-1,2 kg. Với giá bán thị trường hiện nay là 35.000- 40.000 đồng/ chiếc, ước tính Tết này gia đình chị lãi khoảng 200 triệu đồng.

Từ người lớn đến trẻ nhỏ đều được huy động để gói bánh chưng phục vụ Tết
Từ người lớn đến trẻ nhỏ đều được huy động để gói bánh chưng phục vụ Tết

Vừa trông nồi bánh đang luộc, vừa tranh thủ gói bánh chưng, anh Nam tâm sự, làm bánh chưng không giàu nhưng đủ nuôi sống cả gia đình. Cái nghề này làm vài ngày Tết nhưng đủ ăn cả năm nên từ người lớn đến trẻ nhỏ đều được huy động để chạy đua với bánh chưng. “Dù hơi vất vả nhưng năm nay giá bán ổn định, lại có cả khách Lâm Đồng, Đắk Lắk, Bình Phước tới đặt nên ai cũng phấn khởi, quên hết mệt nhọc”, chủ lò bánh chưng lớn nhất Đắk Nông cho hay.

Dương Phong