Đắk Nông:
Kiếm tiền triệu mỗi ngày nhờ… “lộc của rừng”
(Dân trí) - Nếu may mắn, một người đi rừng có thể kiếm được cả triệu đồng nhờ săn chuối hột, nấm linh chi đỏ hay bông đót. Từ nhiều năm nay, đi rừng không chỉ là thú vui mà còn trở thành nghề của nhiều người dân Đắk Nông.
Vào mùa khô, đồng bào các dân tộc tại Đắk Nông lại rủ nhau vào rừng săn sản vật. Với những gia đình quanh năm sống bằng nghề này, bất cứ thứ gì của rừng cũng đều có giá trị, nhưng mang lại một cuộc sống đủ đầy nhất phải kể đến chuối rừng và bông đót, những loài cây mọc tự nhiên, hoang dại.
Mặc dù được thu hái quanh năm, nhưng thời điểm thuận lợi nhất để đi săn sản vật rừng là trước Tết hoặc tháng giêng. Chiều chiều, con đường chính dẫn từ Quốc lộ 28 vào xã Đắk P’Lao (huyện Đắk G’Long), đâu đâu cũng thấy cảnh những chiếc xe máy chở đầy sản vật rừng đứng chờ thương lái. Người ít cũng vài ba buồng chuối, một bó đót lớn trong khi người nhiều, hơn chục buồng chuối lỉnh kỉnh, được chất đầy hai chiếc sọt sắt bên thành xe.
Đang đứng nói chuyện với mấy người bạn trong lúc chờ cân hàng, một người đàn ông dân tộc M’Nông nói bằng thứ tiếng Kinh lơ lớ nhưng đầy hào sảng: “Cây đót là thứ cây dại, mọc ven các khe suối, triền núi đặc biệt là những nơi có đất sét bạc màu. Vào mùa hoa đót nở, đồng bào chúng tôi lại hái lá đót về gói bánh, lấy hoa bán làm chổi và bắt sâu đót về ngâm rượu làm thuốc bổ. Mấy năm gần đây, mỗi bó đót (1kg) cũng có giá từ 7.000- 12.000 đồng nên nhiều người trong xã có thu nhập cao từ loại cây dại này”.
Từ trước đó cả tháng, đi từ TX. Gia Nghĩa về các huyện lân cận, không khó để bắt gặp những cây đót màu xanh thẫm, hơi tím được phơi dọc hai bên đường, chỉ cần một vài ngày nắng, đót đã chuyển sang màu vàng óng, có thể dùng để bện chổi.
Chỉ cần 2- 3 tạ chuối xanh, người dân có thể bỏ túi khoảng 500.000 – 600.000 đồng
Theo chị Lê Thị Nga (thôn 6, xã Đắk R’Măng, huyện Đắk G’Long), một tư thương chuyên thu mua bông đót cho biết, thường thì người dân sẽ bán đót tươi nhưng cũng có nhiều hộ tự phơi đót rồi mới đem bán lại cho tư thương từ thành phố lên mua về làm chổi. Cây đót đã phơi khô nếu không bán hết vẫn có thể để dành, bán dần dần. Năm nay mưa nhiều, bông đót dài và to hơn mọi năm nên bán được giá. Gặp những hôm trời âm u hoặc mưa, giá đót có thể lên đến 15.000 đồng/kg.
Cũng theo đầu mối thu mua cây rừng này, trung bình mỗi ngày đi rừng, người dân có thể kiếm được 30- 40 kg đót tươi, cho thu nhập gần nửa triệu đồng. Chính vì vậy, cứ vào màu hoa đót, học sinh được nghỉ Tết cũng rủ nhau theo cha mẹ đi rừng hái “lộc xuân” về bán. Đến mùa mưa, việc đi rừng khó khăn hơn, đót gặp mưa sẽ không được đẹp nên nghề hái đót tập trung chủ yếu từ đầu mùa khô cho đến hết tháng Giêng năm sau.
Ngoài bông đót, đồng bào Mông tại Đắk Nông còn đi kiếm bộn tiền nhờ chuối hột rừng. Từ lâu loại quả này đã được đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Nông sử dụng như một bài thuốc để chữa bệnh. Khác với các loại chuối thông thường, chuối hột rừng có thân, buồng và quả nhỏ hơn chuối nhà, thường mọc hoang ở trong rừng, núi cao, nhất là những nơi ẩm ướt, mỗi buồng có từ 6-9 nải.
Chị Hoàng Thị Nhậy (Bon PhiLơTe 1, xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức) cho biết, những lúc không làm nương rẫy, người dân trong xã thường đi tìm chuối hột rừng mang về bán. Để kiếm được chuối, phải đi lên tận các vùng núi cao, mỗi ngày kiếm được từ 2- 3 tạ chuối xanh, bán cũng được khoảng 500.000 – 600.000 đồng. Đối với thanh niên trai tráng, có người mỗi ngày bỏ túi được hơn 1 triệu đồng.
Phần lớn chuối rừng thu hái về đều được bán xanh cho thương lái, sau khi được ủ chín, chuối sẽ được lột sạch vỏ và đem phơi dưới nắng ba ngày trước khi đưa vào lò sấy. Chuối sấy khô có mùi thơm đặc trưng, ngâm với rượu cao độ, cho ra một loại rượu có màu vàng tươi, giống màu rượu ngoại, uống thơm và có thể trị bệnh đau lưng nhức mỏi. Loại nông sản này được các cửa hàng từ TX. Gia Nghĩa thu mua và đem đi tiêu thụ ở các địa phương khác, với giá bán 70.000- 80.000/kg.
Những người đi rừng hái chuối hột có một nguyên tắc, sau khi hái xong chuối phải chặt bỏ luôn cây mẹ, đồng thời lấy giống trồng vào vị trí bên cạnh để nhân giống. Mặc dù không phân chia khu vực hái chuối nhưng người đi rừng tự giao ước với nhau “lãnh địa” của riêng mình, người lạ hiếm khi xâm phạm.
Dương Phong