Kiểm soát thuốc lá thế hệ mới: Chỉ đạo sớm, thực thi chậm?
(Dân trí) - Sớm thấy sự tác động của các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới lên sức khỏe, Chính phủ đã đưa ra chỉ đạo kiểm soát từ năm 2017. Từ đó, nhiều hội thảo được tổ chức nhằm lấy ý kiến về hướng xử lý đối với thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng nói chung.
Gần đây nhất, tháng 10.2020 Văn phòng Chính phủ cũng đã nhắc lại yêu cầu của Thủ tướng đến các bộ ngành cần khẩn trương đề xuất chính sách quản lý đối với các sản phẩm này trước cuối năm 2020. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy tín hiệu tích cực cho thấy việc áp dụng luật cho sản phẩm này sẽ đi vào thực tiễn. Câu hỏi đặt ra liệu vấn đề cấp thiết này có đang bị "đánh trống bỏ dùi" bất chấp tình trạng buôn lậu các sản phẩm này đang ngày càng leo thang?
Bộ ngành cùng đồng thuận cần có khung quản lý thuốc lá thế hệ mới
Thực tế nhiều năm nay vấn nạn buôn lậu thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng tăng dần theo thời gian kể cả khi dịch bệnh diễn ra 2 năm nay. Do vậy, trong năm 2020, Chính phủ đã nhắc lại một lần nữa cần sớm khung quản lý đối với những sản phẩm này. Điều này được nêu chi tiết trong công văn 8750 phát hành vào tháng 10/2020 và yêu cầu bộ ngành cần trình dự thảo cho chính phủ hạn chót vào cuối tháng 12 cùng năm.
Chỉ sau 1 tháng chỉ đạo của Chính phủ, tháng 11 năm ngoái hội thảo về Khung pháp lý cho thuốc lá thế hệ mới đã được diễn ra. Hội thảo đã nhận được sự quan tâm, ý kiến nhiều bộ ban ngành. Tựu trung, phần lớn các bên đều chỉ ra những khó khăn khi phải xử lý các sản phẩm buôn lậu thuốc lá thế hệ mới và nhận định cần phải có áp dụng khung pháp lý với cơ chế kiểm soát rõ ràng, cụ thể thì mới có thể đặt kỳ vọng ngăn chặn được nạn buôn lậu mặt hàng này.
Để có thể đẩy nhanh tiến độ kiểm soát thuốc lá thế hệ mới, phía đại diện Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính thuộc Bộ Tư Pháp nhận định cần xem xét Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) hiện tại vào các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hiện nay. Theo đó, nếu sản phẩm thuốc lá thế hệ mới nào đáp ứng đủ điều kiện của luật thì cần được cân nhắc áp dụng ngay để giảm gánh nặng về quản lý.
Đồng thuận trên ý kiến cần áp dụng khung quản lý thuốc lá thế hệ mới, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường thuộc Bộ Công thương khẳng định việc có một khung pháp lý phù hợp cho mặt hàng liên quan đến sức khỏe này là cần được thực hiện. Điều này giúp cho các cơ quan chức năng liên ngành tránh khỏi lúng túng, thiếu sự nhất quán trong việc thu và xử lý các sản phẩm nhập lậu phạm pháp.
Cũng trong thời gian gần đây, đại diện Bộ Công thương đã trao đổi với báo chí về việc cập nhật tiến độ, theo đó cụ thể là cơ quan này đã tổ chức nhiều cuộc họp với các bộ ngành, trong đó có đại diện Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính… để thống nhất việc đề xuất xây dựng chính sách quản lý đối với sản phẩm thuốc lá thế hệ mới.
Đại diện Bộ Công thương cũng nhấn mạnh, chính sách được xây dựng phải đảm bảo chặt chẽ và phù hợp với quy định của pháp luật, đặc biệt là chiến lược Quốc gia về giảm thiểu tác hại của thuốc lá; an toàn sức khỏe người sử dụng; cân đối quyền lợi của các chủ thể liên quan gồm Nhà nước, nhà sản xuất thuốc lá, nông dân trồng cây thuốc lá; đồng thời cũng phải phù hợp với thông lệ quốc tế hiện hành.
Về phía Bộ Y tế, đại diện cơ quan cho biết trước khi đề xuất chính sách và các biện pháp quản lý thuốc lá thế hệ mới, cần phải đánh giá toàn diện tác động sức khỏe, kinh tế xã hội của những sản phẩm này.
Thuốc lá thế hệ mới: Dễ mất kiểm soát nếu vẫn "làm ngơ" với nạn buôn lậu
Một thực tế khó chối bỏ Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ buôn lậu cao trong khu vực. Điều này đã được đại diện Hiệp hội Bảo vệ Người Tiêu dùng Việt Nam phản ánh và chia sẻ. Theo số liệu ghi nhận, Việt Nam là một trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới, đứng thứ ba ASEAN, nên buôn lậu thuốc lá là một hoạt động siêu lợi nhuận.
Số liệu gần nhất trong năm 2020, các cơ quan chức năng đã kiểm tra, thu giữ và xử lý các vụ vi phạm thuốc lá thế hệ mới, cigar, thuốc lá điếu, với tổng số là 3.422 vụ, số vụ xử lý là 2.662 vụ, tịch thu, xử lý 181.898 đơn vị gồm máy vape (thuốc lá điện tử), thiết bị hút (thuốc lá làm nóng), điếu hút, chai tinh dầu,…
Có thể thấy, đây là con số không hề nhỏ và mang tính quy mô, có tổ chức bài bản. Lợi nhuận ước tính được từ những lô hàng này lên tới hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỉ đồng. Trong khi đó, nếu bị bắt giữ các tổ chức, cá nhân buôn lậu chỉ bị tiêu hủy sản phẩm theo điều lệ hàng không có hóa đơn, chứng từ. Do vậy, mức phạt hành chính từ vài triệu đến vài chục triệu.
Do vậy, Hiệp hội Người tiêu dùng bày tỏ quan điểm ở góc độ sức khỏe người dùng cần phải có chính sách xử lý mạnh tay, tăng chế tài xử phạt. Có như vậy thì mới đủ sức răn đe và đủ điều kiện để bảo vệ sức khỏe người dùng, cũng như ngăn chặn hành vi tiếp cận đến giới trẻ.
Từ những hội thảo, ý kiến bộ ngành cho thấy các bộ ban ngành đều nhận ra sự hiện diện của thuốc lá thế hệ mới và những tác động của sản phẩm này lên cộng đồng, cũng như kinh tế của quốc gia. Thực tế cho thấy, nhiều năm qua ngân sách nhà nước đã chi ra không nhỏ cho việc xử lý buôn lậu mặt hàng này, nhưng đổi lại không một đồng thuế. Mặt khác, cũng vì thiếu những chế tài có tính chất răn đe nên các vụ việc buôn lậu thuốc lá thế hệ mới như "căn bệnh mạn tính", tái phát không điểm dừng.
Do vậy, việc đưa vào quản lý được xem là cấp bách và cần thiết không chỉ vì lợi ích kinh tế của nhà nước mà còn vì sức khỏe cộng đồng. Điều này không chỉ giúp cho những nỗ lực của truyền thông trong việc đưa ra những quan ngại trước tình trạng thuốc lá thế hệ mới mà còn tạo sự an tâm, tín nhiệm vào chính phủ trong công chúng khi mà sự chờ đợi này đã được xem là quá lâu. Hiện, không chỉ xã hội và mà cơ quan ban ngành liên quan cũng đang chờ đợi quyết định sớm của Chính phủ đề có đường hướng xử lý, kiểm soát thuốc lá thế hệ mới đủ sức răn đe và phù hợp với quy định của pháp luật.
(*) Nghị định số 106/2017/NĐ-CP phát hành vào tháng 9 năm 2017, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, tổ chức có liên quan nghiên cứu xây dựng quy định phù hợp để quản lý các sản phẩm thuốc lá điện tử, trình Thủ tướng chính phủ.