Khu ổ chuột giữa Hà Nội: 11 người phụ nữ sống trong phòng 9m2

11 người trong căn phòng trọ tồi tàn, xệp xệ diện tích 9m2 là cuộc sống củanhững người bán hàng rong, thu mua phế liệu tại khu ổ chuột nằm sâu trong ngõNguyễn Phúc Lai (Ô Chợ Dừa, Đống Đa).

Bước chân trên con đường dẫn tới xóm trọ nghèo như bước vào mê cung tranh tối tranh sáng bởi những tấm bạt che đầu. Thấp thoáng là dãy nhà với tường dựng tạm bợ vài phên nứa, bìa carton hoặc xây cẩu thả bằng gạch vụn trát nham nhở.

Bên trong căn phòng trọ 9m2 của 11 người phụ nữ ngoại tỉnh lên Hà Nội mưu sinh.
Bên trong căn phòng trọ 9m2 của 11 người phụ nữ ngoại tỉnh lên Hà Nội mưu sinh.

Thế nhưng, trong căn nhà ấy lại là nơi trú ngụ của biết bao con người với những gánh mưu sinh đè nặng trên vai.

Cư dân trong xóm ổ chuột ngõ Nguyễn Phúc Lai này làm đủ thứ nghề. Phần lớn người trong xóm đều đi làm từ sáng đến tận tối mịt. Đó là những người bán hàng rong với vài thứ đồ lặt vặt như bông tai, búi rửa bát,… hay những người nhặt rác, đi thu mua phế liệu.

Không có ấm pha chè, các chị pha chè bằng... xô nhựa.
Không có ấm pha chè, các chị pha chè bằng... xô nhựa.
Bếp ăn của 20 con người cùng cảnh ngộ.
"Bếp ăn" của 20 con người cùng cảnh ngộ.

Họ sống quây quần dưới những mái bro, tường vá chằng chịt. Cuộc sống khó khăn, chật vật là thế, nhưng với họ, “không phải sống cảnh màn trời chiếu đất đã là may mắn lắm rồi”!

Một phòng trọ như thế giá thuê 1,5 triệu đồng/ tháng. Hàng chục người sống quây tụ trong một căn phòng “chỉ ngủ thôi đã khó” với mong muốn giảm chi phí ăn ở hết mức.

“Chiếc giường” cũng đơn giản là một tấm chiếu trên nền lạnh ngắt, buổi tối được trải tấm chăn cũ sơ sài nhuốm màu đất, hôi xình, cũ rích. Người lớn ngủ đã khó. Vậy mà những đứa trẻ con theo mẹ lên Hà Nội mưu sinh từ thuở lọt lòng cũng chưa khi nào được hưởng giấc ngủ trọn vẹn. Cái mùi nồng nồng, ngai ngái ở nơi thiếu ánh sáng, thừa ẩm mốc này theo các em cả vào giấc mơ.

Ngôi nhà trọ nhìn từ bên ngoài.
Ngôi nhà trọ nhìn từ bên ngoài.
Công trình phụ của hàng chục con người vỏn vẹn như thế này.
"Công trình phụ" của hàng chục con người vỏn vẹn như thế này.
Lối ra vào, nếu hai người cùng đi chắc cũng không lọt được.
Lối ra vào, nếu hai người cùng đi chắc cũng không lọt được.

Chị Hồ Thi Liên (Quảng Xương – Thanh Hóa) tâm sự: “Mùa màng xong lại lên Hà Nội kiếm thêm chứ ở nhà thì làm gì ra. Đi thu mua phế liệu còn được 3 triệu/ tháng, tích góp gửi về cho các cháu. Tết nhất đến nơi rồi, chẳng mong gì hơn là nhặt được thật nhiều phế liệu”.

Nhìn gương mặt khắc khổ, chân tay đen đúa, đầu óc rối bời của chị, không ai nghĩ rằng, người phụ nữ ấy chưa đến tuổi tứ tuần.

Chị kể tiếp: “Dãy trọ này toàn người Thanh Hóa, Nam Định. Chúng tôi rủ nhau thuê chung cho rẻ, chứ kiếm được bao nhiêu đâu. Như mấy ngày trước mưa rét, không đi làm được, tiền ăn còn chả đủ. Thôi mình thì sống thế nào cũng được, chỉ mong con cái được ăn học đàng hoàng”.

Thuê chung những ngôi nhà giá rẻ để tiết kiệm chi phí. Hơn 20 nhân khẩu cùng sinh hoạt trong một nhà tắm và nhà vệ sinh. “Gần 20 người cùng tắm trong nhà tắm này, cửa không kiên cố phải lấy gạch chèn. Mùi hôi khó chịu nhưng vẫn phải dùng chứ biết làm sao” – Chị Liên cho hay.

Cũng vì diện tích hẹp, hàng chục con người phải chung nhau một khoảng góc sân để nấu nướng.

Bà Bích, người phụ nữ có “thâm niên” bán hàng rong tại xóm trọ kể: “Có những ngày đi bán hàng về muộn, muốn ăn một bát cơm rang. Nhưng họ (những người chủ quán ăn – PV) không muốn bán cho, bởi giá một đĩa cũng đã 35.000 đồng. Còn mình thì chỉ dám tiêu cùng lắm 10.000 – 15.000 đồng. Đành phải mua tạm cái bánh mì ăn cho xong bữa”.

Với bà Bích - người phụ nữ không con, bỏ quê tha hương cầu thực đã mưu sinh tại Hà Nội đằng đẵng qua 2 thập kỉ. Có những khoảng thời gian bà phải trôi dạt nay đây mai đó, “màn trời, chiếu đất”. Mấy tháng trước gặp các chị cũng đi bán hàng rong nên “nhập bọn”.

Trong bà luôn thường trực nỗi niềm đau đáu: “Mai này khi chết, sẽ chôn ở đâu? Có khi chết rũ trong cái xóm nghèo này cũng chẳng ai để ý”.

Theo Vietnamnet