Không được lấy nhau vì tình!

Không như những đôi vợ chồng mới cưới khác, Nadia và Shahzad Khan không dám nghĩ đến việc đi nghỉ tuần trăng mật. Điều duy nhất mà đôi uyên ương Pakistan này bận tâm ngay sau khi cưới là: Trốn ở đâu?

Cuộc hôn nhân bắt nguồn từ tình yêu của họ đã bị gia đình cô dâu ngăn cản. Nadia Same, 18 tuổi, mang quốc tịch Đức và có mẹ Đức bố Pakistan, kết hôn cùng chàng trai Pakistan 26 tuổi Shahzad Khan mà không được sự đồng ý của cha mẹ.

Đôi tình nhân này đang trong cuộc chạy trốn điên cuồng kể từ sau khi cưới hôm 2/6. Họ nhận được những lời dọa giết từ gia đình cô gái. Cha của Shahzad đang bị nhốt tại đồn cảnh sát sau khi gia đình Nadia khiếu nại; ngôi nhà của gia đình anh ở thành phố Lahore bị bỏ hoang sau những cuộc lục soát của cảnh sát.

Nadia và Shahzad sợ rằng họ sẽ bị họ hàng của Nadia bắn chết bởi cái cớ vì danh dự của gia đình. Hai người đã xin chính phủ Pakistan và Đức bảo vệ và giúp đỡ song đều cảm thấy không ai thèm lắng ghe họ.

Hầu hết các đôi uyên ương ở Pakistan đến với nhau bằng tình yêu đều lâm vào tình cảnh khó khăn hoặc phải đưa ra những sự lựa chọn không dễ dàng.

Hôn nhân tại một xã hội bảo thủ như Pakistan không chỉ là vấn đề của hai cá nhân mà còn là đại sự của cả gia đình; sự đồng ý của cha mẹ là yếu tố quyết định. Hầu hết các cuộc hôn nhân ở đây là sắp đặt và trong nhiều trường hợp là ép buộc.

Hôn nhân bắt nguồn từ tình yêu thì bị nhạo báng và bị cho là bất đắc dĩ. Trên thực tế, các mối tình đó đều không được tán thành.

Những đôi tình nhân trẻ chống lại ý kiến của cha mẹ sẽ bị đe dọa hoặc thậm chí đối mặt với cái chết. Tuy nhiên, số các đôi đấu tranh cho tình yêu ngày càng cao ở Pakistan.

"Riêng năm ngoái, chúng tôi ghi nhận có 1.000 đôi lấy nhau vì tình yêu", Shahnaz Bokhari, một nhà hoạt động xã hội vì nữ quyền ở Islamabad, cho hay. "Đây chỉ là bề nổi của tảng băng và số liệu này được thu thập chỉ từ các tờ báo lớn".

Bokhari, người điều hành Hội phụ nữ cấp tiến, biết đến trường hợp của Nadia và Shahzad Khan và quyết định giúp đôi tình nhân này. "Tôi sợ rằng cả hai người sẽ bị giết vì cái cớ danh dự gia đình", Bokhari cho hay.

Mỗi năm, hàng trăm phụ nữ Pakistan bị họ hàng giết vì bị cho là làm ô danh gia đình. Nạn nhân thường là những người bị nghi ngờ ngoại tình hoặc kết hôn mà không được gia đình chấp nhận. Theo thống kê của chính phủ Pakistan, khoảng 1.3000 phụ nữ thiệt mạng năm 2003 vì lý do đó.

Theo Ngọc Sơn 
Vnexpress/IHT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm