Quảng Nam:

Khởi động mạng lưới dệt thổ cẩm miền Trung - Tây Nguyên

(Dân trí) - Với mục đích kết nối, bảo tồn và quảng bá các giá trị tiêu biểu của nghề dệt truyền thống thổ cẩm khu vực miền Trung - Tây Nguyên, sáng 11/10, tại TP Hội An (Quảng Nam) đã diễn ra hội thảo “Khởi động mạng lưới dệt thổ cẩm” do tổ chức cứu trợ và phát triển FIDR của Nhật Bản hỗ trợ.

Theo bà Nobuko Otsuki (Trưởng đại diện Tổ chức FIDR tại Việt Nam), sự ra đời của Mạng lưới dệt thổ cẩm miền Trung-Tây Nguyên (dải thổ cẩm) nhằm kết nối các nhóm dệt thổ cẩm khắp các khu vực miền Trung-Tây Nguyên, góp phần bảo tồn, quảng bá và phát triển hơn nữa ngành dệt thổ cẩm quý báu của đồng bào các dân tộc nơi đây.

Khởi động mạng lưới dệt thổ cẩm miền Trung - Tây Nguyên

Ra mắt ban quản lý mạng lưới dệt thổ cẩm - những nghệ nhân đại diện cho các nhóm dân tộc có các nhóm, tổ hợp tác dệt thổ cẩm

Đồng thời, tạo động lực phát triển kinh tế, phát triển du lịch cộng đồng tại các địa phương có nghề dệt truyền thống. Qua đó, nâng cao chất lượng đời sống cho chị em phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số, là nhóm yếu thế trong xã hội.

Khởi động mạng lưới dệt thổ cẩm miền Trung - Tây Nguyên

Đại diện 17 nhóm ký cam kết, quy định khi tham gia “Dải thổ cẩm”

“Khó khăn lớn nhất của dự án là về sự kết nối, do mỗi dân tộc có một bản sắc riêng, chúng ta phải kết nối họ lại với nhau, cùng bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa quý giá của dân tộc mình. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng rất mong có được sự ủng hộ của các cấp chính quyền, doanh nghiệp lữ hành du lịch, đặc biệt là chính quyền nơi có làng dệt… cùng nhau chung tay bảo tồn nghề dệt thổ cẩm độc đáo này, phát triển sinh kế và du lịch địa phương”, bà Otsuki nói.

Hiện nay, dự án “Dải thổ cẩm” đang triển khai với sự tham gia của 17 nhóm dệt thổ cẩm thuộc 7 nhóm dân tộc chủ yếu đến từ nhóm dệt Zơ Ra (Nam Giang, Quảng Nam), HTX dệt Zèng A Đới (A Lưới, TT-Huế), nhóm dệt xã Hòa Bắc (Đà Nẵng), tổ hợp tác dệt Thắng Lợi (Kon Tum), dệt Ê-đê (Đăk-Nông)…

Khởi động mạng lưới dệt thổ cẩm miền Trung - Tây Nguyên
Khởi động mạng lưới dệt thổ cẩm miền Trung - Tây Nguyên
Khởi động mạng lưới dệt thổ cẩm miền Trung - Tây Nguyên
Khởi động mạng lưới dệt thổ cẩm miền Trung - Tây Nguyên

Sự đặc sắc, độc đáo của các làng nghề dệt thổ cẩm được thể hiện trên những tấm dệt thổ cẩm đầy màu sắc của các dân tộc

Theo đại diện FIDR, sở dĩ tổ chức FIDR lựa chọn ngành dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào các dân tộc miền Trung-Tây Nguyên vì nhận thấy được những giá trị về văn hóa, sự độc đáo trong kỹ thuật dệt, cũng như tiềm năng trong phát triển du lịch cộng đồng gắn với nghề thủ công truyền thống tại đây…

Mọi người xưa nay khi nhắc đến thổ cẩm Việt Nam chủ yếu đều nhắc đến khu vực miền Bắc, rất ít du khách biết đến nghề dệt thổ cẩm miền Trung-Tây Nguyên. Chúng tôi mong muốn bảo tồn, quảng bá nghề dệt đến du khách, và cũng giới thiệu một điểm tham quan, dịch vụ du lịch mới đến du khách khắp nơi.

Khởi động mạng lưới dệt thổ cẩm miền Trung - Tây Nguyên
Khởi động mạng lưới dệt thổ cẩm miền Trung - Tây Nguyên
Khởi động mạng lưới dệt thổ cẩm miền Trung - Tây Nguyên

Các nguyên liệu, dụng cụ hoàn toàn tự nhiên, truyền thống

Hiện nay, thị trường du lịch tìm về với thiên nhiên - những giá trị truyền thống đang mở rộng. Nếu biết nắm bắt thời cơ này, thì không những phát triển và giữ được nghề dệt thổ cẩm truyền thống mà còn là cơ hội quảng bá thêm nhiều về những giá trị đặc trưng của địa phương.

Một ví dụ điển hình về du lịch dựa vào cộng đồng kết hợp trải nghiệm, phát triển dệt thổ cẩm, đó là cách làm của đồng bào dân tộc Cơtu (Nam Giang, Quảng Nam) do FIDR tài trợ. Và mô hình du lịch dựa vào cộng đồng của dân tộc Cơtu nơi đây cũng đã mang lại doanh thu hàng trăm triệu đồng/năm, HTX dệt Zơ Ra bình quân bán hàng cho khách dao động từ 5 đến hơn 10 triệu đồng. Được thành lập từ năm 2001, đến nay HTX dệt Zơ Ra đã có 40 thành viên, nhiều đơn đặt hàng xuất sang nước ngoài và kết nối được với du lịch dịch vụ cộng đồng, cửa hàng sản xuất với nhiều đơn đặt hàng lớn…

“Muốn phát triển bền vững hơn nữa đối với mạng lưới và có sức ảnh hưởng, uy tín hơn thì rất cần sự chung tay của chính quyền các cấp. Chúng tôi hy vọng qua sự khởi xướng, hỗ trợ của FIDR “Dải thổ cẩm” miền Trung-Tây Nguyên sẽ phát huy được sứ mệnh của nó, mang dệt thổ cẩm truyền thống nơi đây vươn xa hơn, bảo tồn các giá trị vô giá của dân tộc thiểu số tại đây. Đồng thời phát triển kinh tế, du lịch địa phương nơi có làng dệt thổ cẩm. Một cây làm chẳng nên non, chúng tôi hy vọng sẽ có sự chung tay từ các cấp, các doanh nghiệp lữ hành, công ty may mặc… để “Dãi thổ cẩm” này sẽ vững bền”, đại diện FIDR chia sẻ thêm.

Đại diện đến từ nhóm dệt thổ cẩm Ê-đê (Đăk Nông) chia sẻ, hiện nay điều khó với nhóm dệt thổ cẩm Ê-đê chính là nguồn nguyên liệu và đầu ra. Hy vọng khi tham gia vào “Dải thổ cẩm” này họ sẽ được hỗ trợ hơn nữa về kỹ thuật, cũng như thị trường sản phẩm giúp bảo tồn, phát huy ngành nghề truyền thống cha ông, quảng bá đến mọi người. Học hỏi và giao lưu cùng nhiều nhóm thổ cẩm trên khắp tỉnh thành để có được những bài học quý báu cho mình, để giữ gìn, bảo vệ di sản quý báu này của dân tộc.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang (Trưởng phòng quản lý Di sản phi vật thể - Cục di sản) chia sẻ: “Qua quá trình trao đổi và tìm hiểu về dự án mạng lưới dệt thổ cẩm miền Trung-Tây Nguyên, tôi nhận thấy đây là một dự án hết sức ý nghĩa và đặc biệt khi nó được hỗ trợ từ những người bạn Nhật Bản”.

Theo bà Trang, chúng ta nên mở rộng mạng lưới này ra nhiều tỉnh thành hơn nữa và cần sự tham gia của chính quyền địa phương nơi phát triển mạng lưới để nó được đi xa hơn và vững bền. Hiện nay, nhà nước ta đã có các nghị định liên quan đến hỗ trợ nghệ nhân và di sản nên hy vọng các nghệ nhân làng nghề cố gắng phát huy hơn, bảo tồn các giá trị di sản dân tộc mình, làm phong phú hơn bản sắc dân tộc Việt Nam. Chúng ta cần sự ngồi lại các các nhà: nhà quản lý, doanh nghiệp lữ hành, công ty may mặt… để dự án này được phát triển hơn trong tương lai.

C.Bính-N.Linh