Hy hữu chuyện dân nghèo từ chối bạc tỷ để giữ gìn cây cổ ngàn tuổi

Dù được rất nhiều đại gia chơi cảnh ra giá hàng tỷ đồng nhưng dân làng nơi đây nhất định không bán. Với họ, sây sanh ngàn tuổi là báu vật vô giá của dân làng.

Toàn bộ phần rễ chính của cây sanh ôm trọn hai khối đá khổng lồ, xung quanh là 4 rễ phụ cắm xuyên xuống lòng đất tựa như 4 chân của một con vật. Các chuyên gia về cây cảnh khi được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cây đều khẳng định đây là cây sanh tự nhiên đẹp nhất Việt Nam. Và dù được rất nhiều đại gia chơi cảnh ra giá hàng tỷ đồng nhưng dân làng nơi đây nhất định không bán. Với họ, sây sanh ngàn tuổi là báu vật vô giá của dân làng.

Cây sanh quý hàng ngàn năm tuổi ở bản Kẻ Mui
Cây sanh quý hàng ngàn năm tuổi ở bản Kẻ Mui

Kiệt tác của thiên nhiên

Cây sanh mà chúng tôi muốn nhắc đến nằm trên địa phận bản Kẻ Mui, xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ (Nghệ An). Giữa núi rừng rộng lớn, cây sanh cổ thụ hàng ngàn năm tuổi đứng sừng sừng càng khiến những người chứng kiến trầm trồ, thán phục. Theo quan sát, cây sanh có chiều cao gần 30m, tán rộng khoảng 60 m2. Thân cây rộng lớn tỏa bóng ôm trọn trên hai khối đá quý chồng lên nhau. Khối đá phía trên hình tròn được hàng trăm rễ cây bao bọc, còn tảng đá phía dưới hình vuông nứt làm đôi. 4 rễ cây được thả từ trên cành xuống đất giống với hình tượng 4 chân đế của ngai vàng giữ cho thân cây đứng vững trong hàng ngàn năm qua. Xung quanh các mặt của gốc cây được bộ rễ tạo ra rất nhiều hình thù đặc sắc. Nhìn tổng thể, cây sanh rất giống hình ảnh một chú gà trống dùng chân ôm trọn một đĩa xôi được đặt trên một chiếc mâm. Điều đặc biệt, rễ cây và đá bám chặt lấy nhau cuộn như một con rồng đang ngậm ngọc, các rễ từ trên cây thả xuống xung quanh nhìn như phượng múa rồng bay rất đẹp mắt.

Được biết, khối đá cây sanh bao bọc là đá hoa cương (garanít), tảng đá phía dưới nặng khoảng 160 tấn và hòn đá phía trên giống như một viên ngọc lớn có trọng lượng khoảng 25 tấn. Chính những người dân sống lâu năm ở đây cũng không lý giải được tại sao, hai tảng đá này có thể xếp chồng lên nhau vững chắc như vậy được. Chắc chắn, không ai có thể bê tảng đá hàng chục tấn đặt lên nhau trong khu rừng hoang vắng này. Những cụ cao niên trong làng quan niệm rằng, hai tảng đá đó là biểu tượng của trời và đất trong quan niệm của người Việt cổ. Hòn đá tròn phía trên tượng trưng cho trời còn tảng đá hình vuông phía dưới là biểu tượng của đất.

Ông Nguyễn Văn Hạnh, Trưởng ban văn hóa xã Giai Xuân cho hay, cây sanh này đã có từ lâu đời. Những người dân nơi đây cũng không biết cây cổ thụ đó có từ bao giờ, chỉ biết từ nhỏ đã thấy “cụ” cây sừng sững như vậy giữa núi rừng. Các già làng ở bản Kẻ Mui cho biết, từ đời này qua đời khác những người già trong bản luôn dặn dò con cháu rằng, cây sanh cổ thụ gắn với huyền thoại bà “Da Kheét”, một nhân vật linh thiêng luôn phù hộ cho dân bản.

Bà là tiên nữ trên trời đầu thai xuống hạ giới. Bà “Da Kheét” rất xinh đẹp, mái tóc của bà óng mượt và dài đến sát chân, có tiếng hát trong hơn nước suối, vang xa hơn tiếng cồng, tiếng chiêng. Bà rất tốt bụng, thường dạy cho dân bản cách phát nương làm rẫy, trồng ngô, trồng khoai. Cây sanh cổ thụ bà trồng trên đá ẩn chứa lời dạy của bà đến cháu con: “Nếu con người cần cù chịu thương, chịu khó thì đất đá chẳng phụ công người”.

Từ chối bạc tỷ không bán cây sanh cổ

Vùng đất xung quanh cây sanh quý từ xưa được dân làng gọi là đất “Đáu”, tức là vùng đất linh thiêng nơi bà Da Kheét sống. Hiện nay, người dân nơi đây vẫn còn giữ sự kính cẩn đó đối với cây cổ thụ. Điều này được thể hiện ở chỗ, cứ mỗi lần dân bản bắt đầu vào mùa sản xuất trồng trọt, họ đều đến cây sanh làm lễ, cầu mong bà Da Kheét phù hộ mùa màng bội thu, và mỗi khi thu hoạch, họ cũng không quên mang lễ vật đến tạ ơn. Vị trí “cụ” cây tọa lạc nằm ngay trên con đường hành quân Nam chinh làm nên chiến thắng “trúc chẻ tro bay” của Lê Lợi và cuộc thần tốc hành quân ra bắc của vua Quang Trung. Ở Thế kỉ thứ XVIII, đây là nơi cứ điểm của nghĩa quân Lê Duy Mật và cũng là căn cứ hậu cần kháng chiến thời chống Pháp và chống Mỹ của quân khu 4.

Cây sanh ở bản Kẻ Mui được nhiều người biết giá trị khổng lồ nhờ một vị thương lái trong một lần tình cờ lên đây mua bò, bất ngờ được chứng kiến vẻ đẹp tuyệt mỹ của cây sanh này. Sau khi tận mắt mục sở thị sự hùng vĩ có một không hai của cây này, ông này thấy cây sanh 6 triệu đô của ông Nguyễn Trung Thành ở tỉnh Phú Thọ mà các phương tiện truyền thông đăng tải, so với cây sanh này chẳng thấm vào đâu cả. Một đồn mười, mười đồn trăm, khi thông tin về cây sanh tuyệt đẹp này lan truyền đã có nhiều đại gia cây cảnh khắp cả nước tìm về. Tất cả đều thừa nhận cây sanh có tuổi đời lên đến hàng nghìn năm này là tài sản vô giá.

Với mong muốn sở hữu cho được cây sanh có thế long phượng ở xóm Kẻ Mui, nhiều đại gia, chuyên gia cây cảnh tìm về tận nơi để được nhìn thấy và không ngại bày tỏ sẵn sàng bỏ triệu đô để được sở hữu cây sanh này. Có người còn đề nghị mua lại mảnh đất xung quanh đó để chiếm lấy cây sanh. Tuy nhiên, dân làng nơi đây quyết định không bán, mặc dù số tiền đó đối với họ là cực lớn. Đối với họ, cây sanh này là tải sản vô giá, là nét văn hóa gắn liền với đời sống bà con từ xa xưa nên không thể bán được.

Ông Nguyễn Văn Việt, người sở hữu mảnh đất có cây sanh, cũng là người trực tiếp trông coi cây cho biết: “Rất nhiều người từ khắp nơi đánh xe ô tô về tận nơi đều bày tỏ sự ngưỡng mộ trước vẻ đẹp tuyệt mỹ của cây sanh do thiên nhiên ban tặng. Cũng từng có nhiều người chặt phá cây sanh nhưng tôi đã bảo quản một cách nghiêm ngặt”. Hiện, cây sanh kiệt tác thiên nhiên ban tặng này đang được ngành văn hóa huyện Tân Kỳ triển khai biện pháp bảo vệ. Ông Việt cũng khẳng định, không thể có một cây cảnh nào sánh nổi vẻ đẹp tự nhiên tuyệt tác như của cây sanh “mâm xôi con gà” ở Giai Xuân được. Cây cổ thụ này đạt được tiêu chí “cổ, kỳ, mỹ” có một không hai trên đất nước ta. Đây là quà tặng mà tự nhiên ban tặng, giá trị của nó thể lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Việc từ chối cả khối tiền lớn để giữ lại một cây sanh, đối với nhiều người đó là việc không bình thường, nhưng đối với bà con xã miền núi này, sẽ không có số tiền nào mua được giá trị văn hóa mà ông cha tổ tiên đã để lại cho họ.

Theo Gia đình & Xã hội