Thanh Hóa:

Hồn quê trong những căn nhà cổ hàng trăm năm tuổi

(Dân trí) - Nằm nép mình bên Khu Kinh tế Nghi Sơn đồ sộ, sôi động, xen lẫn những ngôi nhà cao tầng khang trang, mái bằng kiên cố, hàng chục ngôi nhà gỗ cổ hàng trăm năm tuổi vẫn trường tồn với thời gian.

Hàng chục căn nhà có độ tuổi trăm năm

Đi qua những con đường ngoằn ngoèo ở thôn Trung Sơn (xã Tĩnh Hải, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) không khó để nhận ra hàng chục căn nhà cổ nằm rải rác khắp thôn.

Cán bộ văn hóa xã Tĩnh Hải dẫn chúng tôi đến ngôi nhà cổ gần 200 tuổi của gia đình ông Lê Ngọc Hùng (62 tuổi), chủ sở hữu căn nhà gỗ cổ 3 gian, 2 chái. Ông Hùng cho biết căn nhà ông được các cụ để lại đến nay cũng đã được 4 đời.

Hồn quê trong những căn nhà cổ hàng trăm năm tuổi - 1
Những căn nhà cổ với những nét hoa văn được trạm trổ tinh vi, nghệ thuật.
Những căn nhà cổ với những nét hoa văn được trạm trổ tinh vi, nghệ thuật.

“Tôi cũng không biết được nó làm từ khi nào, chỉ biết khi các cụ mua về nhà cũng đã cũ. Những năm vừa qua, có nhiều người đến hỏi mua nhưng gia đình nhất quyết không bán. Bởi ngôi nhà là nơi để các thế hệ con cháu nhớ về nguồn cội, nhớ đến công đức của ông cha, cũng như truyền thống văn hóa dân tộc Việt” – ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, toàn bộ căn nhà từ hệ thống cột kèo, xà, quá giang, rui, mè, cửa, bốn vách nhà đến những hiện vật trong gia đình như trường kỉ cổ, kệ, sập, tủ... đều làm bằng gỗ lim hoặc gụ, cũng đã được vài chục năm đến hàng trăm năm tuổi.

Hầu hết, những du khách khi đến thăm nhà ông Hùng đều cho rằng ngôi nhà có sự tương đồng kiến trúc rất lớn so với nhà cổ ở TP Hội An, tỉnh Quảng Nam. Trải qua hàng trăm năm, ngôi nhà gỗ này vẫn là nơi sinh sống, gắn bó của các thế hệ trong gia đình. Dù ngôi nhà đã được cải tạo nhưng tất cả đều lưu giữ khá nguyên bản nhà gỗ xưa.

Dừng chân tại ngôi nhà 3 gian, 2 chái của gia đình cụ Lê Ngọc Giáp (78 tuổi), đập vào mắt chúng tôi là sự độc đáo trong nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc của ngôi nhà hàng trăm năm tuổi.

Nằm giữa thôn Trung Sơn, ngôi nhà còn khá nguyên vẹn, duy nhất còn lợp ngói âm dương và được đánh giá là một trong những ngôi nhà cổ nhất trong số 35 ngôi nhà còn lại của xã. Từ ngạch cửa, chắn mái, các bức xiên hoa... đến bức tường gỗ ngăn phòng giữa 3 gian nhà ngoài với 2 chái cũng được chạm khắc hoa văn nổi hết sức tinh xảo.

Tất cả những chi tiết như cột, kèo, xà... trải qua hàng trăm năm vẫn còn nguyên sơ.
Tất cả những chi tiết như cột, kèo, xà... trải qua hàng trăm năm vẫn còn nguyên sơ.

Theo cụ Giáp, điểm nhấn của các ngôi nhà cổ là gian thờ tự, tiếp khách. Dù là nhà được làm cả trăm năm, song không vì thế mà những ngôi nhà cổ hạn chế việc sinh hoạt của các thành viên trong gia đình. Tại các ngôi nhà cổ này, chủ nhân rất biết cách sắp xếp, trang trí nội thất phù hợp với không gian sinh hoạt và hạn chế sự bất tiện, lạc lõng với thế giới hiện đại.

Trò chuyện với chúng tôi, cụ Giáp bộc bạch: “Tôi không biết nhà có từ khi nào, nhưng chắc cũng phải trên dưới 200 năm tuổi. Bố tôi là người thích sưu tầm đồ cổ, nên ngôi nhà này được ông mua từ nơi khác về, khi lớn lên tôi cũng đã thấy nó cũ lắm rồi.

Ở trong những ngôi nhà như thế này mùa hè thì mát, mùa đông thì ấm, mỗi lần đi làm về, mệt mỏi, vào đến nhà là tôi cảm thấy tinh thần rất khoan khoái. Ngôi nhà đã gắn với biết bao kỷ niệm của mỗi thành viên trong gia đình, chính vì vậy, bao nhiêu năm qua tôi vẫn cố gắng gìn giữ”.

Nhà gỗ truyền thống thường làm bằng nhiều loại gỗ, nhưng thông thường bằng gỗ lim. Vì gỗ lim có độ bền cao, có sức chống chịu trước những khắc nghiệt của thiên nhiên, mưa, nắng.

Những căn nhà gỗ truyền thống thường được xây dựng kiểu kiến trúc nhà 5 gian hay 3 gian 2 chái đặc trưng của vùng Bắc Trung bộ xưa. Thường gian giữa được gia chủ dùng làm phòng khách, 2 bên còn lại kê giường, tủ. Hai chái được xem như là phần kín của ngôi nhà để gia chủ dùng làm phòng ngủ hay cất giữ những thứ quan trọng trong gia đình.

Bàn ghế, kệ, sập cũng đều trải qua cả trăm năm cùng với căn nhà.
Bàn ghế, kệ, sập cũng đều trải qua cả trăm năm cùng với căn nhà.

Các gian nhà được phân chia bằng các cột, 3 gian thông nhau, nơi giáp ranh giữa 3 gian chính và 2 chái được ngăn cách bởi bức tường gỗ. Nhà gỗ truyền thống được thiết kế kiên cố với hệ thống xà, rường, cột, kèo bằng gỗ...

Thời kỳ đầu, những nhà gỗ cổ đều là nhà của những gia đình quyền quý, quan lại giàu có. Ngày đó, những gia đình giàu sang xây dựng nhà gỗ thường để tiếp khách hay là nơi thờ cúng tổ tiên. Vào những năm chiến tranh, những ngày đầu đất nước mới giành lại độc lập, đời sống kinh tế người dân còn nhiều khó khăn, những ngôi nhà gỗ cũng bị mai một.

Nguy cơ mai một

Theo ông Lê Trọng Hùng, cán bộ văn hóa xã Tĩnh Hải, hiện xã có khoảng 35 ngôi nhà cổ bằng gỗ, tập trung trên 80% ở thôn Trung Sơn, có tuổi thọ khoảng trên dưới 200 năm tuổi.

Những căn nhà gỗ với diện tích lớn nhỏ khác nhau, song điểm chung đều được thiết kế theo kiểu truyền thống: 3 gian, 2 chái, ở giữa là bàn thờ gia tiên và bộ sập gụ tiếp khách. Ngoại trừ ngói lợp và nền nhà đã được các gia đình nâng cấp, sửa chữa thì về căn bản, nhà gỗ ở đây vẫn giữ được những nét kiến trúc tinh tế cổ xưa. Khi nhiều nơi không còn dấu vết “nhà xưa” thì hàng chục hộ gia đình ở xã Tĩnh Hải vẫn đang sinh sống dưới những mái nhà cổ hàng trăm năm tuổi.

Những năm qua, “dân chơi” không ngừng săn lùng, tìm mua nhà cổ ở các làng quê, nhưng hầu như chủ nhân của các ngôi nhà này đều không ai muốn bán, bởi với họ gìn giữ nhà cổ còn là trách nhiệm của con cháu đối với cha ông, tổ tiên.

Nhà cổ đã gắn liền với làng quê tự bao đời, bên trong những ngôi nhà này, một số gia đình vẫn còn lưu giữ gần như nguyên vẹn đồ thờ, đồ gia dụng thân thuộc, bàn, sập, cơi trầu... Điều đáng quý hơn là trải qua hàng trăm năm tồn tại, các ngôi nhà cổ vẫn tiếp tục là những mái ấm chở che, sinh sống của các gia đình.

Xã Tĩnh Hải có hàng chục ngôi nhà cổ có độ tuổi hàng trăm năm.
Xã Tĩnh Hải có hàng chục ngôi nhà cổ có độ tuổi hàng trăm năm.

“Để bảo tồn những giá trị văn hóa của cha ông để lại, chính quyền cũng đã tuyên truyền, vận động nhân dân bảo tồn, tu sửa những giá trị nhà cổ. Mặt khác, chúng tôi cũng vận động bà con trồng cây xanh ở tường rào, cũng như trồng hoa, cây cảnh... nhằm phát huy những giá trị văn hóa vốn có. Tuy nhiên, một số hộ do điều kiện kinh tế khó khăn nên dù nhà đã xuống cấp nhưng không có điều kiện để duy tu, bảo dưỡng” – ông Hùng chia sẻ.

Ông Phạm Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Thanh Hóa, cho biết: “Hiện chúng tôi đã kiểm kê hệ thống nhà cổ ở Tĩnh Hải. Nếu không nhanh chóng bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa vốn có thì nó sẽ dần dần bị mai một theo thời gian.

Ngoài chính sách tuyên truyền, vận động bà con nhân dân gìn giữ “nếp xưa” thì Nhà nước cũng phải có những chính sách cụ thể trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của cha ông để lại. Nếu không, mai kia mất đi sẽ không bao giờ lấy lại được nữa”.

Nguyễn Thùy