Hoạt động an sinh xã hội và văn hóa doanh nghiệp
Dù là một tổ chức phi lợi nhuận, hay một doanh nghiệp kinh doanh điển hình, thì các hoạt động an sinh xã hội, các chương trình từ thiện sẽ là những nhân tố giúp doanh nghiệp xây dựng một văn hóa lành mạnh, giúp kết nối các thành viên trong doanh nghiệp ngày càng gắn bó và bền chặt. Bên cạnh đó, điều này cũng giúp doanh nghiệp nâng cao hình ảnh, uy tín của thương hiệu.
Văn hóa và sự gắn kết thành viên
Các chương trình từ thiện, các hoạt động an sinh xã hội mà các doanh nghiệp lớn tổ chức không chỉ để lại ấn tượng tốt đẹp với những người được trao tặng, mà qua đó, chính các nhân viên trong doanh nghiệp cũng cảm nhận được ý nghĩa, mục tiêu trong công việc của bản thân. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ tạo nên những văn hóa tốt đẹp, các nhân viên có ý thức chung tay xây dựng và giữ gìn văn hóa đó.
Trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã ý thức được rất rõ ý nghĩa, mục tiêu của các chương trình an sinh xã hội và từ thiện. Họ duy trì, triển khai hàng năm, coi đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng bên cạnh hoạt động kinh doanh. Điều này có thể thấy rõ ở những doanh nghiệp lớn như Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk), tập doàn Hoa Sen, FPT, Viettel, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB), Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank),…
Nhắc đến Vinamilk, 3 chương trình nổi bật của doanh nghiệp này phải kể đến là Quỹ sữa “vươn cao Việt Nam”; quỹ “1 triệu cây xanh cho Việt Nam” và quỹ học bổng “vinamilk – ươm mầm tài năng trẻ Việt Nam” với tổng số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. Bên cạnh việc đánh giá chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp, người tiêu dùng còn cảm nhận được một “văn hóa Vinamilk”.
Còn nhắc đến MB, chúng ta không chỉ ấn tượng về một ngân hàng có điểm khác biệt riêng là ở cái gốc Quân Đội. Sinh ra từ Quân đội, nhiều cổ đông góp vốn là các doanh nghiệp Quân đội. Thế nhưng, người MB cũng chính vì thế, có giá trị cốt lõi là tính tận tâm, đoàn kết. Chính cái gốc từ con người ấy khiến MB luôn thường trực ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng và xã hội. Toàn hệ thống MB cùng các công ty thành viên đã nỗ lực xây dựng một môi trường văn hóa doanh nghiệp hướng tới cộng đồng thông qua các tổ chức đoàn thể như: Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ …với nhiều chương trình phát triển cộng đồng được thực hiện chủ yếu trên các lĩnh vực: Phát triển sự nghiệp giáo dục, các hoạt động an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa và được thực hiện thường xuyên tại các đơn vị.
Nâng cao uy tín doanh nghiệp từ việc làm từ thiện
Không chỉ xuất phát từ truyền thống nhân ái, hướng đến những giá trị sống tốt đẹp, các doanh nghiệp tại Việt Nam ngày càng chú trọng nhiều hơn đến công tác thiện nguyện. Những đóng góp dù nhỏ bé nhưng xuất phát từ những tấm lòng cao cả, dần tạo nên một sức mạnh tinh thần, một hoạt động giàu nhân văn, lan tỏa trong văn hóa mỗi doanh nghiệp.
Đã trở thành truyền thống tại MB, cứ vào mỗi dịp 27/7 hàng năm, Ngân hàng này lại duy trì hoạt động tổ chức hành trình về nguồn cho các CBNV trên toàn hệ thống, đồng thời tổ chức thăm hỏi và tặng quà các thương bệnh binh tại các Trung tâm điều dưỡng thương, bệnh binh trên cả nước. Theo Ban lãnh đạo MB, ngay từ những ngày đầu thành lập vào năm 1994, MB đã luôn xác định việc hỗ trợ cộng đồng nói chung, tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa nói riêng vừa mang tính trách nhiệm của Ngân hàng đối với cộng đồng, nhưng cũng đồng thời nhằm giáo dục truyền thống đạo đức, thắt chặt tình đoàn kết, giáo dục thế hệ trẻ ngày nay cần nỗ lực, cống hiến xây dựng đất nước, xứng đáng với những công lao hi sinh to lớn của các thế hệ đi trước.
Bên cạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, trong các năm gần đây, MB triển khai nhiều hoạt động an sinh xã hội như tài trợ xây trường học, tài trợ cho lĩnh vực y tế góp phần chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; xây “nhà tình nghĩa”; “nhà đồng đội”; “nhà đại đoàn kết”; tài trợ “ngôi nhà 100 đồng”; “tổ ấm đồng đội”…và nhiều hoạt động ý nghĩa khác với tổng số tiền từ năm 2010 đến nay là trên 200 tỷ đồng.
Còn tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), với truyền thống sẻ chia cùng cộng đồng, mỗi năm, cứ đến Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), gần 4 vạn viên chức của Ngân hàng lại tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, đầy tình nghĩa chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” ấy đã được các thế hệ người Agribank xây dựng, gìn giữ theo suốt chiều dài 30 năm trưởng thành và phát triển. Tính từ khi thành lập (1988) đến nay, Agribank dành hàng ngàn tỷ đồng với các hoạt động chủ yếu dành hỗ trợ an sinh xã hội trong lĩnh vực giáo dục, y tế, xây nhà tình nghĩa cho người nghèo, hỗ trợ các em nhỏ đồng bào dân tộc miền núi, trao tặng sổ tiết kiệm cho các hoàn cảnh khó khăn…
Từ thiện là việc làm chứa đựng đầy những điều tốt đẹp, bởi từ thiện được thực hiện xuất phát từ những tấm lòng cao cả. Những doanh nghiệp có uy tín là doanh nghiệp không chỉ có những chiến lược phát triển đúng đắn, có hoạt động kinh doanh tốt mà còn là doanh nghiệp có trách nhiệm và tận tâm vì cộng đồng. Trong thời kỳ hội nhập nền kinh tế thế giới, hoạt động an sinh xã hội và các chương trình từ thiện càng trở nên quan trong hơn bao giờ hết. Nó không chỉ giúp các doanh nghiệp chứng tỏ được uy tín cũng như văn hóa tốt đẹp của mình mà còn giúp nâng cao và phát triển thị trường tiềm năng, góp phần làm cho doanh nghiệp bước thêm một bước tiến mới.