Hóa đơn điện tăng đột biến: Gia đình Hà Nội chỉ cách giảm 60% tiền điện

Minh Nhân

(Dân trí) - Gia đình anh Nguyễn Tùng (huyện Thanh Trì, Hà Nội) giảm gần 60% tiền điện hàng tháng, từ 1,7 triệu đồng xuống còn 700.000 đồng.

Hóa đơn tiền điện tăng "đột biến"

Giữa tháng 6, nhận hóa đơn tiền điện 2,3 triệu đồng, anh Trần Minh (41 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) "sốc" khi khoản tiền tăng gần gấp đôi. Tháng trước, hóa đơn 1,2 triệu đồng đã khiến anh choáng váng, đặt mục tiêu tiết kiệm điện, song không thể thực hiện do cao điểm nắng nóng.

"Gia đình bật điều hòa "thả ga" cả ngày lẫn đêm, cũng dự đoán tiền điện sẽ nhảy vọt, nhưng không ngờ lên đến 2,3 triệu đồng", người đàn ông nhớ lại.

Ngay tối hôm đó, anh tổ chức cuộc họp gia đình, yêu cầu vợ và hai con lên kế hoạch tiết kiệm điện. Thay vì sử dụng hai điều hòa tại hai phòng ngủ, gia đình chuyển ngủ phòng khách, dùng chung một điều hòa tổng.

Hóa đơn điện tăng đột biến: Gia đình Hà Nội chỉ cách giảm 60% tiền điện - 1

Hóa đơn tiền điện nhà anh Trần Minh tăng đột biến lên 2,3 triệu đồng (Ảnh: NVCC).

Anh Minh quy định giờ bật thiết bị từ 22h và cài đặt ngắt tự động vào 5h hôm sau. Có lần bất chợt tỉnh dậy vì quá nóng, con gái phàn nàn bố tắt điều hòa sớm, nhưng anh kiên định "phải tiết kiệm điện bằng mọi giá".

Không riêng điều hòa, với các thiết bị "ngốn" điện còn lại trong gia đình, anh Minh cũng đề ra quy định sử dụng riêng.

Anh yêu cầu hai con không tùy tiện mở cửa tủ lạnh quá nhiều lần, tránh mất hơi lạnh gây tốn điện. Anh cũng dặn vợ đi chợ mỗi ngày thay vì chất đầy đồ trong tủ lạnh. Buổi tối, anh thường đi một vòng quanh nhà, tắt các thiết bị điện không sử dụng ở phòng khách, đèn ban công,…

"Dù ban đầu các thành viên cảm thấy bức bối với những biện pháp tiết kiệm điện, nhưng giờ đã quen và đi vào quy củ", anh nói.

Hóa đơn điện tăng đột biến: Gia đình Hà Nội chỉ cách giảm 60% tiền điện - 2

Trên một số điều khiển điều hòa có chế độ "Sleep" và "Timer" để cài đặt giờ tắt (Ảnh: M.N.).

Sau lần đi làm quên tắt điều hòa phòng ngủ, Ngọc Linh (27 tuổi, quận Hà Đông) bị chồng mắng xối xả. Từ đó, anh Thắng (30 tuổi), chồng Linh, là người đảm nhận tắt hết các thiết bị điện trước khi hai vợ chồng ra khỏi nhà.

Căn chung cư của vợ chồng Linh có hai phòng ngủ, gồm nhiều thiết bị điện như quạt trần, tủ lạnh, máy rửa bát, bếp từ, 2 điều hòa, 2 bình nóng lạnh và máy lọc không khí cỡ nhỏ.

Những ngày nắng đỉnh điểm, anh Thắng hạn chế bật điều hòa, thay vào đó mở cửa chính, cửa ban công, kết hợp bật quạt trần để tạo sự thông gió, mang theo hơi mát tự nhiên.

Buổi tối, gia đình 3 người chỉ bật một điều hòa tại phòng khách, mở cửa hai phòng ngủ và bật quạt để mang hơi mát vào từng phòng.

"Chúng tôi quy định bật điều hòa từ 22h đến 6h hôm sau. Khi mua, tôi cũng đã chọn loại điều hòa giảm từ 10 đến 20% điện năng", anh Thắng cho hay.

Không riêng chồng, Ngọc Linh cũng áp dụng "chiến lược" tiết kiệm điện bằng cách sau hai bữa cơm mới dùng máy rửa bát một lần, mỗi tuần giặt quần áo một lần, không sử dụng máy sấy.

Buổi tối, thay vì ngồi nhà bật quạt, xem ti vi, cô rủ chồng xuống sân chung cư tập thể dục. "Hoạt động này vừa giúp nâng cao sức khỏe, vừa tiết kiệm điện", Linh tấm tắc.

Hóa đơn điện tăng đột biến: Gia đình Hà Nội chỉ cách giảm 60% tiền điện - 3

Nắng nóng gay gắt khiến lượng điện tiêu thụ trên địa bàn TP Hà Nội liên tục tăng cao (Ảnh: EVN Hà Nội).

Theo Tổng Công ty điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội), trong tháng 5 và 6, thành phố liên tục xuất hiện những đợt nắng nóng cực đoan trên diện rộng khiến nhu cầu sử dụng các thiết bị điện làm mát, đặc biệt là điều hòa tăng cao. Điều này dẫn đến kỳ thanh toán hóa đơn tháng 6 cao "đột biến".

EVN Hà Nội cho biết, theo nghiên cứu, tiêu thụ điện của điều hòa nhiệt độ chiếm từ 28 - 64%, có khi đến 80% tổng lượng điện tiêu thụ của gia đình. 

Cứ nhiệt độ ngoài trời tăng lên 1 độ C thì tiêu thụ điện của điều hòa tăng từ 2 đến 3% tùy loại. Nếu nhiệt độ tăng lên 5 độ C thì lượng điện tiêu thụ tăng 10%.

"Chính bởi nguyên lý vận hành trời càng nóng thì máy điều hòa càng tốn điện, do đó, có thể cùng mức sử dụng 8 - 10 tiếng/ngày, nhưng điều hòa chạy trong nền thời tiết 35 - 40 độ C sẽ tốn điện hơn hẳn dịp đầu hè", EVN Hà Nội lý giải.

Bí quyết giảm 60% tiền điện

Gia đình 4 người của anh Nguyễn Tùng sống tại một căn chung cư 3 phòng ngủ ở huyện Thanh Trì.

Ngoài 3 điều hòa dòng tiết kiệm điện, căn nhà còn được trang bị 2 ti vi, tủ lạnh 400 lít, bình nóng lạnh, bếp từ đơn và đôi, máy rửa bát, máy giặt, máy sấy quần áo, robot hút bụi, máy lọc không khí, máy phun sương, máy massage, camera an ninh,…

Cầm trên tay hóa đơn tiền điện 1,7 triệu đồng, anh Tùng quyết tâm cắt giảm sử dụng các thiết bị điện. Anh bắt tay nghiên cứu, nêu ra 9 cách tiết kiệm điện.

Hóa đơn điện tăng đột biến: Gia đình Hà Nội chỉ cách giảm 60% tiền điện - 4

Căn bếp nhà anh Tùng sử dụng nhiều thiết bị "ngốn" điện như tủ lạnh, máy rửa bát, bếp từ đơn và đôi (Ảnh: NVCC).

Điều đầu tiên và quan trọng nhất, theo anh, là cần tắt các thiết bị điện khi không sử dụng. Anh cũng rút các phích cắm của thiết bị điện nếu không sử dụng trong thời gian dài.

Về mua sắm, anh thường chọn các thiết bị điện có dán "nhãn năng lượng" 5 sao, các sản phẩm công nghệ Inverter (tiết kiệm điện) như 3 chiếc điều hòa hiện sử dụng.

Anh thường xuyên bảo dưỡng các thiết bị (như điều hòa, máy giặt, lồng quạt điện, máy hút bụi,…) để vận hành được trơn tru, đỡ tốn năng lượng.

Hóa đơn điện tăng đột biến: Gia đình Hà Nội chỉ cách giảm 60% tiền điện - 5

Anh Tùng thường chọn các thiết bị điện có dán "nhãn năng lượng" 5 sao (Ảnh: NVCC).

Theo anh, sử dụng tủ lạnh đúng cách cũng giúp tiết kiệm điện khá nhiều, như: bật chế độ Eco (tiết kiệm điện năng tối ưu) nếu tủ lạnh có tính năng này, kiểm tra các độ hở gioăng cao su ở cửa tủ lạnh tránh việc cao su lâu ngày lão hóa khiến cửa hở gây thất thoát hơi lạnh.

Vị trí đặt tủ lạnh nên tránh những nơi có nguồn nhiệt cao như ánh nắng chiếu vào hoặc cạnh bếp gas, chỉ cho thức ăn vào tủ lạnh khi đã nguội,…

Với máy giặt, anh khuyên chọn chế độ giặt tiết kiệm, không sử dụng chế độ giặt nước nóng nếu không cần thiết.

Vào mùa lạnh, gia đình anh Tùng bật bình nóng lạnh khi cần thiết, không bật 24/24 giờ, vừa dễ gây cháy nổ, hỏa hoạn, vừa lãng phí điện. Trong nhà, anh thay các bóng đèn sợi đốt thành dạng đèn led giúp sáng hơn, tiết kiệm khá nhiều điện. 

"Cuối cùng, tôi cố gắng giảm sự phụ thuộc vào các thiết bị điện. Như vào mùa hè hoặc khi trời hanh khô, tôi chịu khó phơi quần áo khô tự nhiên thay vì sử dụng máy sấy. Nếu lượng bát đĩa sau bữa ăn không nhiều (khoảng vài cái) thì nên rửa tay thay vì sử dụng máy rửa bát", anh Tùng nói.

Hóa đơn điện tăng đột biến: Gia đình Hà Nội chỉ cách giảm 60% tiền điện - 6

Nhiều gia đình hiện đại sử dụng máy rửa bát - đây cũng là thiết bị tiêu thụ nhiều điện năng (Ảnh minh họa: M.N.).

TS Phạm Thế Vũ, Trưởng Bộ môn Kỹ thuật nhiệt, Khoa Điện, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, cho biết điều hòa là "thủ phạm" gây tốn điện trong hộ gia đình. 

Chuyên gia khuyên để tiết kiệm điện, các gia đình cần chọn thiết bị nhãn tiết kiệm điện năng, phù hợp với diện tích phòng. Khi dùng điều hòa, người tiêu dùng nên để nhiệt độ từ 26 - 27 độ C trở lên.

"Ngoài ra, không bật/tắt thiết bị, tăng/giảm nhiệt độ liên tục, nên vệ sinh điều hòa định kỳ trung bình 6 tháng đến một năm một lần", ông Vũ cho hay.

Được phát động từ năm 2010, phong trào "Hộ gia đình tiết kiệm điện" của EVN Hà Nội khuyến cáo người dân nhận biết và sử dụng các trang thiết bị gia dụng hiệu suất cao, dán nhãn "tiết kiệm năng lượng", chia sẻ kỹ năng sử dụng thiết bị tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng.

Theo đó, nhằm giải quyết về nỗi lo "ngốn điện" của không chỉ điều hòa mà còn tất cả các thiết bị điện khác, EVN Hà Nội khuyến nghị khách hàng tắt các thiết bị điện không cần thiết và hạn chế sử dụng các thiết bị công suất lớn vào khung giờ cao điểm tiêu thụ điện: từ 10h đến 14h và từ 19h đến 23h hàng ngày.

Người dân không sử dụng nhiều đồ dùng điện cùng một lúc để tránh quá tải cục bộ lưới điện, đồng thời đề phòng các nguy cơ gây cháy nổ lưới điện, trạm điện và khu dân cư. 

Bên cạnh đó, người tiêu dùng nên thường xuyên vệ sinh bảo dưỡng để các thiết bị hoạt động ổn định, tiết kiệm cũng như nâng cao tuổi thọ.

Theo EVN Hà Nội, một điều rất quan trọng với hầu hết các thiết bị điện trong gia đình là hãy rút phích cắm khi không sử dụng, bởi mặc dù không dùng nhưng chúng vẫn góp phần làm cho hóa đơn tiền điện tăng lên.

Theo Viện nghiên cứu Berkeley (California, Mỹ), những thiết bị chưa rút phích, dù không sử dụng, cũng sẽ tiêu thụ khoảng 5% - 10% lượng điện năng tiêu thụ trong gia đình.

Ngoài ra, để chủ động quản lý lượng điện năng tiêu thụ của các thiết bị điện trong gia đình, khách hàng có thể sử dụng tính năng "Ước tính điện năng tiêu thụ của thiết bị"; "Theo dõi lượng điện hàng ngày".

Hóa đơn điện tăng đột biến: Gia đình Hà Nội chỉ cách giảm 60% tiền điện - 7

Một số gia đình sử dụng ứng dụng đo lượng điện tiêu thụ trong gia đình (Ảnh: M.N.).

Sau 3 năm áp dụng 9 nguyên tắc tiết kiệm điện, hóa đơn tiền điện nhà anh Nguyễn Tùng trong nhiều tháng giảm từ 1,7 triệu đồng xuống duy trì 700.000 đồng, tháng mát trời còn 600.000 đồng.

"Tôi nhận ra lợi ích của việc sử dụng điện hợp lý không chỉ giúp giảm tiền điện của từng gia đình mà còn góp phần vào việc tiết kiệm điện cho quốc gia, bảo vệ môi trường", anh nói.

Anh Trần Minh cũng kỳ vọng, với "chiến lược" tiết kiệm điện bài bản, hóa đơn tiền điện trong tháng tới sẽ giảm đáng kể.

"Tiền điện giảm sẽ giúp tôi có thêm động lực để tiếp tục tiết kiệm trong các tháng sau", người đàn ông chia sẻ.