Hai cây me tây thời vua Bảo Đại được bảo vệ như báu vật ở vùng biên

Đặng Dương

(Dân trí) - Hai cây me tây được người Pháp trồng tặng vua Bảo Đại khoảng 100 năm trước. Hiện cả 2 cây đều phát triển tốt và được cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 726 quản lý, bảo vệ.

Cây me tây hay còn gọi là cây muồng ngủ, cây còng được người Pháp trồng tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông.

Hai cây me tây thời vua Bảo Đại được bảo vệ như "báu vật" ở vùng biên (Video: Đặng Dương).

Theo các nhà khoa học, đây là thực vật ngoại lai, được trồng ngay nhà nghỉ dành cho vua Bảo Đại khi đến Quảng Trực để săn bắn.

Hai cây me tây thời vua Bảo Đại được bảo vệ như báu vật ở vùng biên - 1

Hai cây me tây thuộc quản lý của Trung đoàn 726 (Ảnh: Hồng Thắm).

Trung tá Nguyễn Văn Huệ, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 726 (Binh đoàn 16) cho biết cả 2 cây me tây được trồng cuối những năm 20 của thế kỷ 20, cùng thời điểm xây dựng nhà nghỉ và chuồng ngựa của vua Bảo Đại.

Chính vì điều này, 2 cây me tây không chỉ có giá trị về thẩm mỹ, nghiên cứu khoa học mà còn có giá trị văn hóa, lịch sử gắn với Khu di tích Sở Trà.

Hai cây me tây thời vua Bảo Đại được bảo vệ như báu vật ở vùng biên - 2

Cây me tây được trồng ngay cạnh nhà nghỉ của vua Bảo Đại tại xã Quảng Trực (Ảnh: Đặng Dương).

Sau này khi vua Bảo Đại thoái vị, kết thúc thời kỳ phong kiến thì khu vực này cũng ít người lui tới.

Đặc biệt, khi đất nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, đây là nơi cứu chữa những chiến sĩ bị thương trong quá trình chiến đấu. Trải qua mưa bom, bão đạn, cả 2 cây me tây cùng căn nhà nghỉ của vua Bảo Đại vẫn nguyên vẹn cho đến ngày nay.

Hai cây me tây thời vua Bảo Đại được bảo vệ như báu vật ở vùng biên - 3

Cây me tây có tán rộng.

Hai cây me tây thời vua Bảo Đại được bảo vệ như báu vật ở vùng biên - 4

Cây ít bị tác động bởi sâu bệnh, các công trình xây dựng (Ảnh: Đặng Dương).

Điểm nổi bật của 2 cây me tây là có hình dáng đẹp, tán lá rộng, hoa màu hồng nhạt. Ưu điểm của các cây me tây này là có hình dáng độc đáo, ít bị tác động bởi sâu bệnh, các công trình xây dựng cũng như các yếu tố môi trường khác.

Trung tá Nguyễn Văn Huệ cũng cho rằng khi được trồng tại Đắk Nông, cây me tây chịu ảnh hưởng bởi thời tiết khu vực này. Cây sẽ ra một đợt hoa vào cuối mùa mưa, tức cuối tháng 10 hàng năm, sau đó sẽ rụng lá khi mùa khô bắt đầu.

Hai cây me tây thời vua Bảo Đại được bảo vệ như báu vật ở vùng biên - 5

Những chùm hoa nhỏ bắt đầu chớm nở khi mùa mưa kết thúc (Ảnh: Đặng Dương).

Hai cây me tây thời vua Bảo Đại được bảo vệ như báu vật ở vùng biên - 6

Thân cây me tây xù xì, là môi trường để nhiều loài địa lan sinh trưởng (Ảnh: Đặng Dương).

Ông Điểu K'rang là một trong số những người dân gắn bó với cây me tây này lâu nhất ở xã biên giới Quảng Trực.

Theo ông Điểu K'rang, đây là giống cây lạ, chưa từng xuất hiện trong rừng, hoa nở rất đẹp nên nhiều người có ý định nhân giống để đưa về nhà trồng. Tuy nhiên đến thời điểm này, toàn xã Quảng Trực cũng chỉ có 2 cây me tây trăm tuổi này.

"Sau này khi Trung đoàn 726 về đây, 2 cây me tây được cán bộ, chiến sĩ của trung đoàn bảo vệ tốt hơn. Người dân chúng tôi coi đó là tài sản quý giá, cùng chung tay chăm sóc, bảo vệ để giáo dục con cháu về văn hóa, lịch sử và chủ quyền quốc gia", ông Điểu K'rang nói.

Hai cây me tây thời vua Bảo Đại được bảo vệ như báu vật ở vùng biên - 7
Hai cây me tây thời vua Bảo Đại được bảo vệ như báu vật ở vùng biên - 8

Theo nghiên cứu, 2 cây me tây này có tuổi đời khoảng 100 năm (Ảnh: Hồng Thắm).

Mới đây, 2 cây me tây của thuộc quản lý của Trung đoàn 726 được tôn vinh là cây Di sản Việt Nam.

Cây me tây là cây gỗ cực lớn, cao từ 15-25m, trong điều kiện thích hợp có thể cao đến 50m, gốc có bạnh vè (rễ bạnh) lớn. Đường kính thân và tán cây rất lớn, có khi tán cây rộng đến 30m, hơn cả chiều cao của cây, tán lá rất rậm rạp, luôn luôn xanh có hình mâm xôi hay hình dù.

Cụm hoa đầu, hoa nhỏ có năm cánh dính màu hồng hoặc tím nhạt, khi nở bung ra rất đẹp và thơm. Lá kép lông chim 2 lần chẵn, mang từ 6-16 cặp lá nhỏ dài 2-4 cm, lá ngủ trước khi mặt trời lặn hoặc trời vần vũ chuyển mưa nên có tên gọi là cây mưa.