Hai cảnh sát bị sa thải vì đăng ảnh hôn nhau lên Twitter

Một bức ảnh hai cảnh sát người Tanzania hôn nhau được chia sẻ rộng rãi trên nhiều phương tiện truyền thông xã hội đã khiến cho cả hai bị mất việc làm.

Bức ảnh chia sẻ trên mạng khiến hai cảnh sát bị sa thải. (Nguồn: BBC)
Bức ảnh chia sẻ trên mạng khiến hai cảnh sát bị sa thải. (Nguồn: BBC)
 
Hẹn hò với đồng nghiệp có thể gây ra nhiều rắc rối trong cuộc sống cũng như trong công việc, thế nhưng, hai nhân viên cảnh sát trẻ này chắc chắn không thể nghĩ được rằng sự nghiệp của họ có thể bị kết thúc chỉ vì một nụ hôn.

Bức ảnh được chụp tại Kagera, phía tây bắc Tanzania, ghi lại nụ hôn giữa hai cảnh sát đang mặc đồng phục, và được coi là căn cứ để cấp trên sa thải họ. Người dân Tanzania đã lên tiếng về sự bất bình của họ với quyết định này trên các trang mạng xã hội.

Bức ảnh được đăng tải lên mạng Internet bởi một sỹ quan cảnh sát khác, người đã chụp bức ảnh khiến các nhà chức trách thuộc lực lượng cảnh sát Kagera chú ý.

Henry Mwaibambe, chỉ huy cảnh sát khu vực đã nói về trình tự xử lý vụ việc cũng như lên tiếng bảo vệ quyết định của bộ phận mình: "Chúng tôi đã thực hiện tất cả các thủ tục theo đúng kỷ luật để đảm bảo rằng họ có cơ hội tự biện minh cho mình. Sỹ quan xem xét vụ việc này đã nhận thấy nhiều bằng chứng thuyết phục về những vi phạm kỷ luật ngành cảnh sát của họ. Đó là lý do vì sao họ bị sa thải."

Trong trường hợp này, nụ hôn của hai sỹ quan cảnh sát không phải là nguyên nhân khiến họ mất việc, mà là do nụ hôn này đã diễn ra ở nơi công cộng trong khi họ đang mặc đồng phục, và đã được ghi lại bằng hình ảnh sau đó đăng tải trên mạng Internet. Nhân viên cảnh sát chụp lại bức ảnh cũng bị sa thải.

Câu chuyện này đã được đăng trên nhiều tờ báo địa phương trong tuần qua, và đã khiến nhiều người phải ngạc nhiên. Công chúng hầu hết đều cho rằng hình phạt này là quá nặng nề.

“Lẽ ra họ chỉ nên bị khiển trách, sa thải họ là quá đáng!” trích một bình luận trên trang Facebook. “Cặp đôi cảnh sát hôn nhau mà còn nghiêm trọng hơn cả tội hối lộ,” một người chia sẻ trên trang Twitter của mình và được BBC đăng tải.

Masoud George, một luật sư thuộc Trung tâm Pháp quyền và Nhân quyền Tanzania nhận định rằng mặc dù sự trừng phạt này hơi nghiêm trọng, nhưng quyết định của nhà chức trách không vi phạm luật pháp. “Quyết định sa thải dựa trên mã ứng xử của cơ quan họ, vì vậy từ quan điểm pháp lý mà nói, chúng ta không thể nói rằng đây là quyết định không công bằng được.”
 
Theo Anh Thư
Vietnam+