Hà Nội: Những chuyện hãi hùng ở “xóm đường tàu”

Người dân vẫn xôn xao vụ tai nạn đường sắt làm nhiều người chết rạng sáng 24/10 ở đoạn đường ngang thuộc xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội. Hiện nay ở Hà Nội, có hàng trăm con “đường ngang tử thần” như thế.

Đường ngang dân sinh trên đường Lê Duẩn. Ảnh: HD
Đường ngang dân sinh trên đường Lê Duẩn. Ảnh: HD

Hốt hoảng mỗi khi tàu đến

Vụ tai nạn kinh hoàng rạng sáng 24/10 khiến cư dân “xóm đường tàu”, tên người dân đặt cho đoạn đường cắt từ phố Khâm Thiên - Giải Phóng thêm một lần lo sợ. Hai ngày nay, mỗi khi có tàu đi qua, người dân gần đó lại hét toáng lên giục mấy đứa trẻ con đang nhởn nhơ chơi đùa trên đường ray: “Tàu đến! Tàu đến! Vào nhà ngay”. Một số người cảm thấy chưa yên tâm còn đứng ra nhắc nhở và chặn người đi xe máy đang có ý định vượt qua đường ngang.

Theo bà Hồ Thị Xinh, 76 tuổi, ở “xóm đường tàu” thì những điểm giao cắt này nhiều năm nay luôn là điểm nóng về tai nạn giao thông. “Người dân ở đây thuộc giờ tàu qua lại thì không sao. Những người ở nơi khác đến đi ngang qua những con đường ngang này nhiều người suýt mất mạng không thiếu. Các bác xe ôm ở những con đường ngang này luôn nhắc nhở người đi đường tránh tàu. Năm ngoái, một cô gái khi đi qua đến giữa đường sắt đoạn gần ngã tư Đại Cồ Việt, Kim Liên, đang dừng ngó xem có tàu phía trước không thì bị tàu hỏa chạy phía sau lao đến, húc vào lôi đi một đoạn dài, nằm chết trên đường tàu”.

Bà Xinh chuyển đến “xóm đường tàu” thấm thoắt đã gần 40 năm. Theo bà, ngày xưa dân cư thưa thớt, bây giờ ngày càng chật chội, các hộ nhà dân tiến sát ra đường tàu nên mới nhiều nguy hiểm. "Dân cư đông đúc, tai nạn cũng gia tăng. Những người mất mạng vì đường ngang, chúng tôi không thể nhớ hết, rồi các vụ xe máy dựng sát đường ray bị tàu lôi đi nữa, sợ lắm!”, bà Xinh cho biết.

Nhiều năm sống cạnh đường tàu, bà Xinh chứng kiến trực tiếp nhiều vụ không thể quên: Có lần một anh thanh niên quê ở Nam Định phóng xe máy từ trong ngõ 2 Kim Hoa cắt qua đường ray. Do bị khuất tầm mắt, lại vội vàng không để ý tiếng còi, nên cả xe máy và người bị đoàn tàu kéo đi hơn 10m, hất văng sang lề đường Lê Duẩn. Anh thanh niên thoát chết trong gang tấc được đưa đi cấp cứu, còn chiếc xe máy hư hỏng nặng. Lần khác cách đây mấy năm, đoạn dây cáp võng xuống cắt ngang đường tàu. Một đầu tàu đi đến đã vướng phải dây và kéo cáp căng như một dây cung. Sau đó dây cáp bật lại phía sau, một số người dân đi ngang qua đã bị dây văng vào bắn xa nhiều mét. Người thì bị gẫy răng, người bị thương nặng phải đi bệnh viện cấp cứu.

Theo quan sát của PV, ở những điểm giao cắt, đường sắt thường cao hơn đường dân sinh khiến cho xe qua lại khó khăn, dễ mất lái… Bà Lan bán nước đầu “xóm đường sắt” vừa nhìn đồng hồ vừa cho hay: “Chỉ tính riêng ban ngày có 6 chuyến tàu đi về qua đây. Người dân đã thuộc hết giờ tàu nên không lo, chỉ người lạ hay bị tai nạn vì qua đường ngang ngay cả khi tàu chạy qua”. 16h20, đoàn tàu Thống Nhất hú còi inh ỏi trước khi chui vào “xóm đường tàu”. Khoảng cách từ thành tàu đến các xe máy dựng hai bên đường chỉ vài gang tay. Hàng chục con người vội vàng lôi bếp than, ghế ngồi… chui tọt vào nhà tránh tàu.

Làm gì với hàng trăm “đường ngang tử thần”?

Sự chật chội khi đoàn tàu chạy qua “xóm đường tàu”.
Sự chật chội khi đoàn tàu chạy qua “xóm đường tàu”.

Theo con số khảo sát từ Công ty Đường Sắt Việt Nam, tại Hà Nội, bình quân cứ 400m đường sắt thì có 1 đường ngang, chỉ 15 km đường sắt Bắc - Nam từ ga Hà Nội đến địa phận Thanh Trì đã có trên 270 đường ngang dân sinh. Đáng lo ngại là nhiều đường ngang này đều không có gác chắn, biển cảnh báo. Theo thống kê của Cục CSGT đường bộ, đường sắt (Bộ Công an), có tới 95% số vụ tai nạn đường sắt xảy ra tại các đường ngang.

Theo khảo sát của chúng tôi, những đường ngang lớn ô tô qua lại thường có barie, còn những con đường ngang nhỏ hẹp chỉ đủ 2 xe máy tránh nhau, thường chỉ có biển cảnh báo tàu hỏa. Thậm chí nhiều nơi không có hoặc mất biển cảnh báo.

Chỉ tính đoạn từ nút giao thông Giải Phóng - Kim Liên đến Giải Phóng - Phương Mai khoảng 500m có tới 3 điểm giao cắt đều không có rào chắn. Hàng ngày, hàng trăm người dân vẫn vô tư đi qua mà không hề có biển cảnh báo. Có lúc tàu đang chạy đến gần nhưng nhiều người vẫn tranh thủ phóng xe qua, bất chấp nguy hiểm. Tại đây thỉnh thoảng vẫn xảy ra va chạm giữa người sang đường với tàu hỏa nhưng do chỉ là vụ nhỏ nên không mấy ai chú ý.

Ngày 24/10, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã ký Công điện khẩn yêu cầu Cục Đường sắt Việt Nam; Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam; Sở GTVT các tỉnh, thành phố có tuyến đường sắt đi qua về tăng cường các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự, ATGT tại các vị trí giao cắt giữa đường bộ và đường sắt như: Tổ chức cảnh giới hoặc chốt gác lại các đường ngang và lối đi dân sinh có nguy cơ cao xảy ra TNGT, xây dựng thiết bị cảnh báo, hàng rào cách ly; rà soát các vị trí đường ngang có nguy cơ xảy ra tai nạn cao để cắm bổ sung biển báo và cương quyết không để phát sinh thêm đường ngang trái phép qua đường sắt.

Tuy nhiên, đến chiều 25/10, theo khảo sát của chúng tôi, những chỉ đạo đó chưa được áp dụng với những con đường ngang dân sinh ở Thủ đô.

Hiện nay trên hệ thống đường sắt có 1.495 đường ngang. Trong đó, có 632 đường ngang có người gác, 339 đường ngang có cảnh báo tự động (bằng chuông, đèn trước khi tàu đi qua), 524 đường ngang có biển báo. Bên cạnh đó có 4.302 lối đi dân sinh (đường ngang tự phát). Trong 6 tháng đầu năm 2016, đã xảy ra 194 vụ tai nạn đường sắt làm chết 81 người, bị thương 138 người.

10.000 người cầu siêu cho nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông

Năm 2016 là năm thứ 5 Ủy ban Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Đại lễ cầu siêu các nạn nhân tử vong do TNGT. Quảng Ninh được lựa chọn là địa điểm để tổ chức với ý nghĩa “Tưởng nhớ người đi, vì người còn ở lại”. Theo kế hoạch, Đại lễ sẽ chính thức diễn ra vào ngày 13/11 tại chùa Trình, trụ sở Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh với sự tham gia của khoảng 10.000 người. Ngoài lễ hội chính tổ chức ngày 13/11 thì trước đó, ngày 11/11, hơn 8.000 Phật tử sẽ về chùa Trình luân phiên tụng kinh cầu siêu.

Theo Gia đình & Xã hội