Quảng Nam:

Giữ chất lượng để duy trì danh tiếng làng nghề

(Dân trí) - Dù số lượng giảm sút nhưng giữ được chất lượng sản phẩm chính là giữ danh tiếng làng nghề, bền bỉ tồn tại trước sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường. Đó là tâm niệm của những người thợ rèn Quế Châu, Quế Sơn, Quảng Nam.

Men theo những con đường liên thôn đến các lò rèn Quế Châu (Quế Sơn), những tiếng đập búa của thợ rèn cứ vang lên lần hồi trầm bổng như tiếng nhạc. Nghề rèn bây giờ không còn hưng thịnh, nhưng nhiều người vẫn cố gắng giữ nghề, giữ lò lửa truyền thống cha ông.


Máy móc được cải tiến cũng dần giúp đỡ người thợ trong sản xuất sản phẩm

Máy móc được cải tiến cũng dần giúp đỡ người thợ trong sản xuất sản phẩm

Cách đây hơn 10 năm, nghề rèn Quế Châu có khoảng 50 lò rèn hoạt động mỗi ngày, sản phẩm làm ra được tiêu thụ khắp nơi từ Quế Long, Quế Phú, Duy Xuyên, Nông Sơn… Tuy số lượng người theo nghề hiện nay khá ít, nhưng một số hộ có tâm huyết vẫn cố gắng giữ nghề, kế thừa tâm huyết cha ông để lại mai này còn truyền thụ cho con cháu.

Mặc dù số lượng tiêu thụ ngày một hạn chế, nhưng chất lượng sản phẩm ở đây thì khó mà sánh kịp bởi nguyên liệu độc đáo là vỏ bom, đạn, vỏ xe, thép quân dụng… mua gom từ các cơ sở phế liệu. Khi sử dụng nguyên liệu này, sản phẩm làm ra sẽ bền đẹp, cứng cáp và lâu bị rỉ sắt hơn so với các vật liệu thông thường khác.


Dù làng nghề dần đi xuống nhưng những người thợ vẫn cố gắng duy trì làng nghề truyền thống cha ông

Dù làng nghề dần đi xuống nhưng những người thợ vẫn cố gắng duy trì làng nghề truyền thống cha ông

Anh Hà Phước Từ (thôn Phước Đức, Quế Châu) cho biết: “Những mảnh bom đạn tôi mua từ chỗ mua bán phế liệu, để dành từ lâu, bây giờ mua rất khó. Nhờ sự kiên trì của người thợ, niềm đam mê nghề truyền thống cha ông nên chúng tôi mới duy trì đến ngày nay. Hiện tôi còn làm theo công đoạn truyền thống nên rất cực nhọc, tuy vậy chưa bao giờ có ý định bỏ nghề. Tiền công làm ra cũng đủ nuôi sống gia đình, nghề không phụ mình thì cũng phải gắn bó duy trì.

Trên huyện cũng có về xét duyệt một số hộ để hỗ trợ máy móc nhằm giảm bớt công sức, thêm nhiều gia đình gắn bó và duy trì làng nghề. Do ngân sách hạn chế nên chỉ có thể xét duyệt được ít hộ làm lâu năm. Với mong muốn duy trì làng nghề cha ông để truyền thụ cho con cháu, nâng cao kỹ thuật, hy vọng gia đình cũng sẽ được hỗ trợ cải tiến máy móc”.

Để làm một sản phẩm rèn truyền thống, đảm bảo chất lượng đòi hỏi người thợ phải thực hiện tám bước khá công phu. Đốt, chấn sắt, đập, lượt phôi, làm nguội, gọt, sửa nguội, mài bằng tay. Trong đó, khâu làm nguội đòi hỏi độ công phu, tỉ mẩn nhất. Mẫu mã đẹp, độ đồng đều, độ sắc nhiều hay ít, tránh bể mẻ khi va đập,…đòi hỏi rất cao ở tay nghề thợ làm nguội, khâu quyết định thành công của người làm nghề.

Ngoài ra, để tạo nên thành công cho sản phẩm, danh tiếng cho người thợ ở chỗ nhìn được độ hồng của sắt và thép trên ngọn lửa. Tất cả đều dựa vào mắt và cảm giác, độ tinh tế nhạy bén của người thợ biết vừa hay chưa. Chỉ cần dư hay thiếu lửa một chút sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng sau này.


Nhiều người vẫn sử dụng công đoạn truyền thống

Nhiều người vẫn sử dụng công đoạn truyền thống

Theo sự thay đổi của cuộc sống, sự sáng tạo của người thợ rèn Quế Châu cũng dần nâng cao. Nhằm tránh cho người thợ hít phải khí than quá lớn từ lò lửa tải ra, anh Hà Cảnh (thôn 2, Quế Châu) đã tạo được chiếc máy đặc biệt vừa thổi lửa vừa hút khí than. Nhờ đó, người thợ cũng yên tâm lao động không sợ nhiều bệnh tật đe dọa như trước kia. Đây cũng là nghề khá nặng nhọc nên chỉ vừa sức với cánh mày râu, phụ nữ đảm đương bán sản phẩm và thu mua nguyên liệu.

Clip nghề rèn ở Quế Châu

Anh Hà Cảnh cho biết, chỗ anh hiện nay đang cung cấp chủ yếu là các loại dao cho lò mổ gia súc, rựa, mác, cuốc, xẻng… Do sự phát triển nhanh của các khu công nghiệp, người làm nông dần ít đi, thanh niên trong làng cũng bỏ nghề cha ông để kiếm cơ hội khác hoặc bỏ đi xứ khác làm ăn; vì vậy, số lượng cuốc, xẻng bán ra chậm và ít hơn. Nhưng tiếng đập búa, rèn sắt vẫn cần mẫn vang lên cố gắng lưu giữ son dấu một thời.

Tận mắt nhìn, tận tay sờ thử những sản phẩm của người thợ rèn Quế Sơn mới cảm nhận hết cái tinh hoa, tài năng của người thợ. Những đường dao sắc bén, mỏng manh mà muốn hoàn thiện nó đòi hỏi một sự thận trọng, tỉ mỉ trong từng công đoạn.

Hơn 30 năm trong nghề, với 5 đời làm nghề thợ rèn chứng kiến biết bao người thợ đã “gác búa”. Ông Võ Văn Công (SN 1952, thôn Phú Đa) luôn trăn trở, giữ gìn nghề cha ông sao cho không bị mai mọt. Tiếng búa đe inh ỏi cùng ánh lửa đỏ bập bùng, sức người ngày đêm miệt mài cố gắng giữ nghề, giữ chất lượng sản phẩm truyền thống cha ông để lại. Dù thời trai trẻ đã qua, thời huy hoàng đã lùi xa vào dĩ vãng nhưng ánh lửa niềm tin, hy vọng trong họ vẫn luôn âm ỉ cháy, giữ chất lượng để mai này vươn mình, trở dậy.

Công Bính