Giọt nước mắt đắng cay của người phụ nữ giúp việc cho nhà đại gia

(Dân trí) - Những tưởng may mắn vì được nhận vào làm ở một gia đình khá giả, nhưng hóa ra đó là tháng ngày chị Mai chịu tủi nhục đủ đường. Không chỉ bị “tra tấn” bởi những lời miệt thị, chị còn thường xuyên phải ăn đồ thừa và bị cấm không được động đến các đồ dùng đắt tiền...

Đã 10 năm kể từ ngày chị Ngô Phương Mai (47 tuổi, Thanh Hóa) quyết định rời xa vùng quê nghèo khó, cằn cỗi lên Hà Nội kiếm sống. Nhà có mảnh ruộng con con nhưng quanh năm mất mùa. Chồng chị đau yếu, bệnh tật liên miên, 2 con lại đang tuổi ăn, tuổi lớn nên mọi khoản chi tiêu dồn hết lên đôi vai của người phụ nữ tội nghiệp.

Ban đầu, chị Mai xin đi phụ hồ. Nhưng chỉ được một thời gian thì đau nhức khắp người, sức khỏe yếu đi thấy rõ. Đang lúc bế tắc, chị may mắn được nhận vào làm giúp việc cho một gia đình khá giả ở khu vực quận Cầu Giấy.

Giúp việc là công việc khá phổ biến ở xã hội hiện đại. (Ảnh minh họa)
Giúp việc là công việc khá phổ biến ở xã hội hiện đại. (Ảnh minh họa)

Chị vẫn chưa thể quên được cảm giác choáng ngợp trong ngày đầu đến nhận việc: “Căn biệt thự rộng quá mức so với tưởng tượng của tôi. Cánh cổng sắt chạm trổ rồng phượng, to đến độ chỉ nhìn thôi đã có cảm giác nghẹt thở. Chưa kịp định thần, 2 con chó to đùng xồ ra làm tôi hoảng hốt suýt bỏ chạy”.

“Vào đến nhà, đập vào mắt là khung cảnh xa hoa, tráng lệ. Nào là trần nhà cao vút, nào là đồ đạc bóng loáng và đầy đủ tiện nghi. Thấy ông bà chủ đón tiếp niềm nở, hỏi han đủ chuyện, tôi cũng thấy an tâm phần nào, tự nhủ phải cố gắng làm việc thật tốt, biết đâu cuộc sống gia đình sẽ bớt vất vả hơn”, chị Mai tâm sự.

Nhưng ngay ngày hôm sau, mọi viễn cảnh tươi đẹp chị tưởng tượng ra nhanh chóng sụp đổ. Bất kể chị làm gì, bà chủ cũng đi theo xét nét, chỉ đạo rồi buông lời chê bai thậm tệ. Tuy đã được hướng dẫn sử dụng máy giặt, máy hút bụi,… nhưng chị chưa thể quen ngay. Thấy chị đứng loay hoay, bà chủ nguýt dài rồi bóng gió nói chị nhà quê, lạc hậu. Thế rồi như sợ đồ đạc đắt tiền hỏng hóc, bà chủ ra lệnh cấm chị động vào chúng.

Biết phận làm thuê, người phụ nữ tội nghiệp chỉ dám chịu đựng, nhẫn nhịn. Nhưng càng ngày, những lời miệt thị càng nhiều và nặng nề hơn. “Ngay tuần đầu tiên, đêm nào tôi cũng nằm khóc đến ướt gối. Rồi lắm lúc kìm chế không được thì bật khóc nức nở trước mặt tất cả các thành viên gia đình. Ấy vậy mà chẳng có một lời an ủi, chia sẻ, chỉ nghe thấy tiếng cười khúc khích của đám trẻ con”, chị nghẹn ngào nhớ lại.

Cả căn biệt thự rộng hàng ngàn m2, ngày nào chị Mai cũng bị bắt phải lau dọn 2 lần bằng giẻ, không được sử dụng cây lau nhà hay máy hút bụi. Quần áo mặc nhà của 5 người thì cho vào máy giặt, nhưng quần áo mặc ra ngoài bắt buộc giặt bằng tay. Thêm vào đó, chị phải học cách ghi nhớ áo nào treo, áo nào gấp hay bộ đồ nào không dùng bàn là…

Chị Mai phải làm mọi việc trong nhà mà vẫn thường xuyên bị trách mắng. (Ảnh minh họa)
Chị Mai phải làm mọi việc trong nhà mà vẫn thường xuyên bị trách mắng. (Ảnh minh họa)

Dù chăm sóc em bé không phải công việc chính, nhưng con gái bà chủ thường xuyên nhờ chị Mai pha sữa cho con. Nếu có lỡ tay pha đặc, pha loãng hay để sữa quá nóng, chị lại bị mắng như tát nước vào mặt. Trước khi bé ăn, chị có nhiệm vụ phải tắm cho bé thật sạch sẽ. Mỗi lần tắm là một lần thay đồ và cần giặt ngay lập tức.

Nhưng đó chưa phải tất cả. Đến bữa, người giúp việc luôn bị bắt ăn sau cùng. “Hôm nào cũng có món Tàu, món Tây do đầu bếp riêng đến chế biến. Nhưng khi cả nhà ăn xong, có gì ngon lành thì họ đem cất vào tủ lạnh, cái gì không hợp khẩu vị hay thừa mứa còn lại, y như rằng sẽ để nguyên ở mâm.

Khổ nỗi, những món ăn kia có mấy khi được dùng lại. Vài ngày sau, bà chủ lại đem đổ cả vào thùng rác. Nhiều lúc chạnh lòng nghĩ tới lũ trẻ ở nhà, nếu có đĩa thịt xào hay bát canh sườn mà ăn, đó sẽ là bữa ngon nhất trong cuộc đời chúng”, chị Mai tâm sự.

Quá quắt hơn, có những lần cả gia đình chủ đi dã ngoại, bà chủ mua sẵn 6 bìa đậu phụ để trong tủ lạnh và dặn đó là thức ăn của chị trong 2 ngày. Còn hoa quả, chị chỉ có nhiệm vụ gọt chứ tuyệt đối không được động đến một miếng.

Kể về những tháng ngày tủi cực, thi thoảng chị vẫn phải ngừng lại vì quá xúc động. Chị Mai tiết lộ thêm, tuy làm việc vất vả mà còn bị đè nén về tinh thần, nhưng mức lương chị nhận được chỉ có 6 triệu đồng/ tháng. Gắng gượng được 5 tháng, chị lẳng lặng thu dọn đồ đạc rồi xin phép nghỉ việc.

“Đi giúp việc thế này tôi chỉ bàn bạc bí mật với chồng con, nào đâu dám nói cho người làng biết. Tôi sợ họ khinh rẻ, coi thường rồi lại nghĩ xấu nọ kia. Ấy vậy mà đi làm cũng cực đủ đường. Sau đó, cũng may mắn là gặp được gia đình chủ tốt hơn, họ thông cảm và chia sẻ với mình nhiều, nhờ vậy mà các con ở nhà cũng đỡ khổ”, chị Mai tâm sự.

Hoàng Ngọc