Giảm gánh nặng do hút thuốc lá: Giải pháp cai thuốc liệu có đủ?
(Dân trí) - Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mục tiêu cai bỏ thuốc lá từ các quốc gia vào năm 2025 chỉ có thể đạt 23% thay vì 30% như đã đề ra. Như vậy vẫn có hơn 70% những người hút thuốc sẽ tiếp tục thói quen này.
Điều này đặt ra một vấn đề cấp bách nếu muốn giảm tải gánh nặng hút thuốc lá, sẽ cần phải có giải pháp và hành động cụ thể hơn thay vì làm ngơ với những nhóm đối tượng đang còn hút thuốc lá.
Cai nghiện thuốc lá hoàn toàn: Thách thức trong nhiều thập kỷ trên toàn cầu
Khoảng 80% người hút thuốc trên thế giới tại các nước có thu nhập thấp và trung bình (LMIC); khoảng 8 triệu người tử vong do các bệnh lý liên quan đến hút thuốc lá điếu mỗi năm. Việt Nam hiện nằm trong top 15 quốc gia tiêu thụ thuốc lá hàng đầu thế giới với khoảng 22,5% người trưởng thành hút thuốc, tương ứng với 15,6 triệu người.
Vấn đề hút thuốc lá và những tác hại gây ra đã và đang được tuyên truyền rộng rãi trên toàn cầu trong nhiều thập kỷ qua, thế nhưng kết quả vẫn còn nhiều hạn chế. Theo báo cáo gần nhất từ WHO năm 2020, lần đầu tiên sau hơn hai thập kỷ số lượng hút thuốc ở nam giới dự kiến đang giảm. Tuy nhiên WHO cũng nhấn mạnh, nếu các quốc gia không tăng cường hành động, tình trạng hút thuốc lá giảm theo dự báo sẽ không đạt được mục tiêu toàn cầu. Hơn nữa, không phải quốc gia nào cũng thành công như mong đợi mà chỉ 32 quốc gia dự kiến đạt được 30% mục tiêu đề ra.
Việt Nam sau nhiều năm triển khai Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (2012), nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá và lợi ích của môi trường không khói thuốc được nâng lên, tuy nhiên, tỷ lệ cai nghiện thành công thuốc lá vẫn còn xa so với mục tiêu đề ra. Lý giải về điều này, PGS.TS. Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh Viện K Trung ương cho rằng cai thuốc lá điếu bằng ý chí là điều rất khó, "ngay cả trong trường hợp bệnh nhân mắc ung thư phổi, họ vẫn tiếp tục hút thuốc dù đã được bác sĩ tư vấn rất kỹ và bản thân họ cũng hiểu thuốc lá độc hại như thế nào. Rõ ràng, việc cai thuốc là điều không dễ dàng", PGS.TS. Lê Văn Quảng chia sẻ.
Cần có giải pháp cho những người đang hút thuốc
Hiện có thể thấy mọi chiến lược, hành động được áp dụng nhằm mục đích giúp người đang hút thuốc cai thuốc thành công. Sẽ là thiếu sót nếu tiếp tục bỏ qua những người dù biết rõ tác hại vẫn tiếp tục hút thuốc. Theo các chuyên gia y tế trên toàn cầu, vai trò của ngành y tế không chỉ là quan tâm đến những người cai thuốc, mà còn bao gồm cả những người vẫn tiếp tục hút thuốc và cần cho họ giải pháp thực tiễn, bởi tỷ lệ trên 70% đang hút thuốc tiếp tục thói quen này là con số không nhỏ, gánh nặng từ việc hút thuốc lá sẽ tiếp tục không được giải quyết nhanh, triệt để.
Do vậy theo các chuyên gia y tế, chính phủ các nước cần sớm thực hiện chiến lược giảm tác hại bên cạnh việc giảm cung, giảm cầu trước bối cảnh người hút thuốc đang gia tăng. Đây cũng là ba nội dung chủ chốt trong chiến lược mà WHO đã đặt ra để hướng dẫn các nước ngay từ giai đoạn mới bắt đầu.
Cách tiếp cận giảm thiểu tác hại thuốc lá là khuyến khích người trưởng thành đang hút thuốc lá đốt cháy chuyển đổi sang các sản phẩm cung cấp nicotin ít tác hại (nicotin sạch). Theo đó, người sử dụng sẽ có được lượng nicotin sạch này thông qua các liệu pháp thay thế nicotin bằng dược phẩm (như miếng dán, kẹo ngậm, chai xịt nicotin…), hoặc các sản phẩm không đốt cháy như thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng (thuốc lá nung nóng), thuốc lá ngậm tiệt trùng (pasteurised oral snus)... Các sản phẩm không khói này giảm thiểu nguy cơ tác động đến sức khỏe người dùng bằng cách cho phép họ hấp thụ nicotin thông qua phương pháp không đốt cháy. Bởi, việc đốt cháy thuốc lá tạo ra khói chính là nguyên nhân dẫn đến các bệnh lý liên quan đến việc hút thuốc lá và gây hại cho chính người hút lẫn những người hút thuốc lá thụ động xung quanh.
Hiện Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã hoàn tất việc quá trình kiểm nghiệm thông qua nhiều nghiên cứu, xác nhận khả năng giảm thiểu phơi nhiễm của cơ thể với các chất gây hại, từ đó cho phép một số sản phẩm như thuốc lá ngậm snus và thuốc lá làm nóng được phép kinh doanh và công bố thông tin này.
Nói về mặt tích cực của việc giảm thiểu phơi nhiễm, PGS.TS Lê Văn Quảng đánh giá: "Khi bệnh nhân hút thuốc, lượng chất gây ung thư phơi nhiễm với cơ thể càng lớn thì nguy cơ gây ung thư càng cao. Do vậy, đối với những nhóm không thể hoặc không muốn cai thuốc, chúng ta cần phải có biện pháp khả thi hơn cho họ để giảm thiểu tác hại". Tuy nhiên PGS.TS Quảng cũng cho biết thêm, việc các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đã qua kiểm định đã được xác định giảm phơi nhiễm không đồng nghĩa với việc khuyến khích hành vi tiếp tục hút thuốc. Mọi sản phẩm thuốc lá đều gây hại vì chứa nicotin là chất gây nghiện. Do vậy cai thuốc lá là biện pháp cần phải được áp dụng đầu tiên.
Hiện WHO vẫn thận trọng đối với các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới. Nhưng WHO nhấn mạnh nếu việc ngăn cản sự hiện diện các sản phẩm này là không khả thi thì cần phải đưa những sản phẩm này vào quản lý và chịu sự kiểm soát của luật phòng chống thuốc lá của nước sở tại. Các văn bản chính thức của WHO nêu rõ nếu để các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hiện diện trên thị trường mà thiếu sự quản lý thì sẽ đe dọa việc thực thi chiến lược kiểm soát thuốc lá của quốc gia, ảnh hưởng tới nỗ lực cải thiện tình trạng sử dụng thuốc lá được thiết lập bởi Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC) của WHO.