Gia đình đi bằng tứ chi ở Thổ Nhĩ Kỳ khiến giới khoa học bối rối

Tô Sa

(Dân trí) - Gia đình đi bằng tứ chi ở Thổ Nhĩ Kỳ khiến các nhà khoa học bối rối.

Gia đình Ulas ở Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu được thế giới biết đến thông qua một bài báo khoa học, sau là bộ phim tài liệu trên BBC năm 2006 có tên The Family That Walks on All Fours (tạm dịch: Gia đình đi bằng tứ chi). 

Giáo sư, nhà tâm lý học tiến hóa Nicholas Humphrey đến từ Trường Kinh tế Luân Đôn, phát hiện rằng trong số 18 người con của gia đình, thì 6 người từ khi sinh ra đã đi bằng tứ chi - điều chưa từng thấy ở người trưởng thành hiện đại. Không may, một trong 6 người này đã qua đời. 

Video: Gia đình đi bằng tứ chi ở Thổ Nhĩ Kỳ khiến giới khoa học bối rối (Nguồn: 60 Minutes Australia).

"Tôi chưa bao giờ ngờ rằng ngay cả trong tưởng tượng khoa học phi thường nhất, con người hiện đại lại có thể trở lại trạng thái động vật", Humphrey nói trên chương trình 60 Minutes Australia.

Ông giải thích, con người khác động vật ở đặc điểm đi lại bằng hai chân và ngẩng cao đầu trong không trung. 

"Tất nhiên, còn cả ngôn ngữ và những thứ khác nữa. Nhưng việc đi bằng hai chân giúp chúng ta khác biệt với những loài khác. Những người này đã vượt qua ranh giới đó", chuyên gia cho hay. 

Gia đình Ulas được mô tả trong bộ phim tài liệu là "mối liên kết còn thiếu giữa con người và loài vượn". Một nghiên cứu của Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng "sự thoái hóa" có thể đã xảy ra, đảo ngược quá trình tiến hóa ba triệu năm.

Nhưng Humphrey đã chỉ trích lý thuyết đó trong tài liệu của BBC, gọi đó là "sự xúc phạm sâu sắc" và "vô trách nhiệm về mặt khoa học".

Gia đình đi bằng tứ chi ở Thổ Nhĩ Kỳ khiến giới khoa học bối rối - 1

Gia đình Ulas đi bằng tứ chi khiến giới khoa học bối rối (Ảnh: 60 Minutes Australia).

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Liverpool phát hiện rằng những đứa trẻ tham gia nghiên cứu có bộ xương giống vượn hơn con người và có tiểu não bị teo lại, một tình trạng thường không ảnh hưởng đến khả năng đi lại bằng hai chân của người khác. 

Tuy nhiên, trong khi loài vượn sử dụng các đốt ngón tay để di chuyển thì những người này sử dụng lòng bàn tay. Đây là một sự khác biệt đáng kể.

"Tôi nghĩ có thể những gì chúng ta đang thấy ở gia đình này là điều gì đó tương ứng với thời điểm con người không đi như cách của tinh tinh. Đó có thể là một bước quan trọng giữa việc rời khỏi cây và đi lại hoàn toàn bằng hai chân", Humphrey nói. 

Ông cũng lý giải, do trẻ em không được khuyến khích tập đứng sau 9 tháng tuổi nên sự phát triển của chúng có thể bị ảnh hưởng.

Gia đình Ulas nhận sự hỗ trợ từ một nhà vật lý trị liệu và được cung cấp các thiết bị dùng để đi lại bằng hai chân. Thời điểm Humphrey trở lại Thổ Nhĩ Kỳ, họ đã có những cải thiện đáng kể về khả năng vận động.