Quảng Nam:
Gặp ông lão “gàn”, suốt đời vì người dưng
(Dân trí) - Đã hơn 20 năm trôi qua, ông Phạm Thế Mỹ (SN 1950, trú thôn Cẩm Sa, phường Điện Nam Bắc, Điện Bàn, Quảng Nam) vẫn ngày ngày miệt mài vá đường, đào giếng, giúp đỡ mọi người… Ông làm việc với mong muốn giúp ích xã hội mà không cầu lợi cho riêng mình, khiến nhiều người cảm phục.
Từ sau năm 1975, ông Mỹ cùng vợ lại về quê cũ Cẩm Sa để sinh cơ, lập nghiệp. Trở về làng, tài sản quý giá nhất ông có được là chiếc xe máy, một loại phương tiện hiếm có lúc bấy giờ. Nhờ nó, ông đã giúp bao người qua cơn hiểm nghèo, bao bà mẹ vượt cạn thành công.
Ông Mỹ nhớ lại: “Lúc đó, chỉ mình tôi có xe máy thôi nên lúc ốm đau, bệnh tật người dân lại tìm đến nhờ giúp đỡ. Dù nắng hay mưa, đêm hay ngày chiếc xe cũ kỹ vẫn miệt mài đưa người dân đi viện. Mình chỉ nghĩ giúp được người ta là vui rồi, tính gì đến công xá”.
Không chỉ vậy, hơn 20 năm qua ông Phạm Thế Mỹ vẫn ngày ngày làm một công việc khiến nhiều người nể phục, đó là vá đường, đào giếng giúp dân.
Với công việc vá xe, những con đường nào bị sạt lở hay hư hại khiến giao thông không thuận lợi ông đều nắm biết. Từ đó ông nảy sinh ra ý định vá đường, góp chút công sức cho người dân quê mình. Công việc ấy ông đã làm suốt hơn 20 năm qua, dù không ai bảo cũng chẳng ai trả công đồng nào.
Quệt mồ hôi trên trán, ông cười khề khà bảo: “Có gì đâu mà đáng nói, tôi làm nghề vá xe biết được nhiều chỗ đường hư hại nên vá lại cho người dân giao thông thuận lợi thôi”.
Những con đường đất bằng phẳng, kéo dài thẳng tắp kéo từ làng ra đến tận đồng ruộng đều do một tay ông tu bổ, chắp vá kịp thời khi có sạt lở, hư hỏng. Ông cũng không rõ mình bắt đầu từ khi nào, chỉ nhớ những năm 90 của thế kỷ trước đường xá trong thôn còn lầy lội, bà con đi làm đồng hay học sinh đi học rất vất vả nên ông đã nảy sinh ý định vá đường.
Cứ vậy, sáng sớm khi trời còn chưa tỏ, mặc kệ thời tiết lạnh giá, ông Mỹ vẫn lặng lẽ công việc của mình. Cứ 4 giờ sáng ông lại vác dụng cụ đi, đến tầm gần 7 giờ thì trở về, không ai biết cũng chẳng ai hay.
Hàng xóm của ông, bà Nguyễn Thị Năm chia sẻ: “Ban đầu chúng tôi thấy lạ lắm, cứ đường hư chỗ nào thì qua ngày mai đã có người vá lại. Nhiều người tò mò, nghi hoặc rồi người nọ dò hỏi người kia mới biết được đó là ông Mỹ làm. Không ngờ ổng tốt như vậy, đã làm việc thiện còn rất thầm lặng, ai cũng ủng hộ ổng hết”.
Năm 2003, khi nhà nước quy hoạch các phần mộ vào một khu vực tập trung, xe tải chở cát sạn đã làm sạt lở con đường vào khu vực nghĩa trang. Thấy vậy, ông Mỹ lại gắng sức chở đất tu bổ con đường để nhân dân đi lại thuận lợi. Bên cạnh đó, ông còn trồng cây ở ven đường để người đi viếng mộ có bóng cây tránh nắng, nghỉ ngơi. Năm 2010, đường vào nghĩa trang phường Điện Nam Bắc xuống cấp, ông Mỹ lại làm đơn xin công ty gạch Đồng Tâm gạch bể, xin xe, xin công để đắp đường. Tuyến đường gần 2km là cả công sức vất vả ông chắp vá bao ngày, có khi thức trắng đêm để thi công.
“Gần 3 năm trời tôi mới hoàn thành tuyến đường này, bởi muốn làm hoàn thiện một con đường đi lại dễ dàng không hề đơn giản. Rất nhiều việc cần làm như thuyết phục bà con mỗi hộ nhường một ít đất để mở đường và chặt phá bụi rậm, dọn dẹp lớp đất đá, rồi kéo đất tráng mặt đường… Nhưng nhìn công sức mình bỏ ra được trả công xứng đáng là nụ cười và niềm vui của bà con khi đi trên con đường bằng phẳng hơn là tôi vui rồi”, ông chia sẻ.
Nhận thấy những con mương trên cánh đồng lầy lội, gây cản trở cho nông dân, ông Mỹ thuê người đốn 8 cây dừa, chặt thành từng đoạn ngắn rồi thả xuống mương để người dân đi lại dễ dàng. Khi mùa lũ qua đi, thân dừa bị cuốn trôi, ông Mỹ lại đi vận động người dân góp tiền để đúc 40 cái bi thả xuống mương. Từ đó, nông dân qua lại rất dễ dàng.
Để nhân dân có bóng mát làm đồng, ông Mỹ đã tự làm 5 cái trại và trồng cây xung quanh, làm giàn thả mướp.Thấy bà con không có nước uống vì nước bị nhiễm mặn, ông lại bỏ tiền ra đóng một máy bơm tại con đường thôn 2 của xã. Không những thế, ông còn đào giếng bơm cho người dân tưới tiêu ruộng đồng.
Nhiều năm nay, người dân làng Cẩm Sa và Phong Hồ rất vui mừng vì giữa cánh đồng lúa đã có máy nước phục vụ việc pha thuốc trừ sâu và rửa chân tay. Để đào giếng, làm máy ông Mỹ đã bỏ ra 1,6 triệu đồng đóng máy bơm. Từ kéo đường dây tải điện, khoan giếng và lắp đặt máy bơm đều do chính ông thực hiện.
Ông tâm sự: “Tôi có giàu có gì đâu, số tiền này đều là tiền tích cóp mỗi ngày từ số tiền sửa xe mà có. Cứ dư được đồng nào tôi đều để dành, đến khi đủ thì lấy ra mua máy bơm thôi. Còn việc đắp đường nhỏ thì mình bỏ công, tiền, còn đường lớn thì vận động mạnh thường quân”.
Đang tất tả thu hoạch dưa của gia đình, bà Đặng Thị Lê cho biết: “Từ ngày có hệ thống bơm nước của ông Mỹ mà chúng tôi đỡ hẳn, không còn lặn lội đường xa pha thuốc, rồi bơm xong cũng có chỗ rửa tay chân tránh nhiễm độc thuốc. Ở chỗ máy nước ông Mỹ còn để cả số điện thoại, để có gì hư hỏng chúng tôi lại gọi ổng ra sửa giúp. Ông Mỹ nhiệt tình lắm, ai cũng thương và cảm phục”.
Bà Phan Thị Hà (vợ ông Mỹ) cho biết: “Nhiều lúc tôi cũng lo lắm, thấy ổng cứ không quản khó nhọc đi làm việc thiện một mình mà sốt ruột. Có lúc ổng đi không thèm nói gì với gia đình, đi cả ngày chưa về thế là vợ con lại tất tả đi tìm. Tìm quanh làng xóm, rồi mới được người ta chỉ cho ổng đang đào giếng ngoài ruộng, vừa mừng vừa lo vì thời tiết lúc đó đang vào đông tháng 11 lạnh thấu xương thế mà vẫn ngồi ngoài ruộng đóng giếng. Bây giờ già rồi mà ổng vẫn đi, có cản cũng vô ích, tôi chỉ sợ ổng bệnh thôi chứ việc giúp xóm làng thì tôi đồng ý”.
Trao đổi với PV, ông Đàm Quang Trung (Chủ tịch xã Điện Nam Bắc, thị xã Điện Bàn) cho biết: “Mấy chục năm qua, ông Mỹ nhận được hàng chục bằng khen, giấy khen của phường, thị xã, tỉnh rồi cả trung ương vì những cống hiến cho quê hương. Ông Mỹ là tấm gương sáng về những công việc thiện nguyện nhưng thầm lặng ấy, góp thêm hương sắc cho đời”.
N.Linh