Gặp người phụ nữ ngồi nhìn hậu môn gà kiếm 90 triệu đồng/tháng

Chỉ cần 2-3 giây nhìn vào hậu môn gà, người phụ nữ ấy có thể phân biệt được đâu là gà trống, đâu là gà mái và kiếm được 2-3 triệu mỗi ngày.

"Bác sĩ" siêu âm gà

Ngồi bên trong lò ấp của gia đình ở xã Đức Giang (Hoài Đức, Hà Nội), xung quanh là những kệ gà con vừa mới ra lò, tiếng kêu liếp nhiếp đến inh tai, đôi bàn tay của chị Nguyễn Thị Dung (SN 1986) nhanh thoăn thoắt. Sau 2-3 giây nhìn vào hậu môn gà, chị Dung đã phân biệt được đâu là gà trống, đâu là gà mái.

Nhìn bộ quần áo trắng mặc trên người chị Dung giống như y bác sĩ, chúng tôi lấy làm lạ vì công việc này tiếp xúc với gà con mới ra lò, lông, vỏ trứng và cả phân gà bay tung tóe rất dễ vấy bẩn.


Chị Nguyễn Thị Dung (xã Đức Giang, huyện Hoài Đức, Hà Nội) nổi tiếng với khả năng xem lỗ huyệt (hậu môn) để phân loại gà trống, gà mái

Chị Nguyễn Thị Dung (xã Đức Giang, huyện Hoài Đức, Hà Nội) nổi tiếng với khả năng xem lỗ huyệt (hậu môn) để phân loại gà trống, gà mái

Khi chúng tôi hỏi, chị Dung tủm tỉm: “Nghề này là nghề tự do, không ai quy định phải mặc quần áo như thế nào. Nhưng khi đi làm nghề, nhiều người gọi tôi là bác sĩ siêu âm gà nên mặc thế này cho nó đúng chuyên môn”.

Trò chuyện tiếp trong khi đôi tay vẫn thoăn thoắt làm việc, chị Dung chia sẻ về cơ duyên đến với nghề lạ này: “Gia đình tôi cũng có trang trại gà, ngày trước khi các đại lí yêu cầu phân loại gà trống, gà mái nên phải thuê người về làm với số tiền khá lớn. Phần vì tò mò, thích thú với công việc này, phần vì tiếc số tiền gia đình phải bỏ ra nên tôi xin theo học người thầy mà gia đình tôi thuê đến làm”.


Trung bình mỗi ngày chị Dung phân loại giới tính được khoảng 10.000 – 15.000 con gà

Trung bình mỗi ngày chị Dung phân loại giới tính được khoảng 10.000 – 15.000 con gà

Theo học thầy chưa đầy 3 tháng thì chị Dung đã thạo việc. Điều này đến chính người thầy hướng dẫn cho chị Dũng cũng phải ngỡ ngàng, bởi nhiều người học nhanh cũng phải 4-5 tháng, lâu có khi phải mất cả năm, thậm chí có người phải bỏ giữa chừng vì không hợp.

Năm 2010, chị Dung bắt đầu vào nghề. Ban đầu, chị làm việc tại trang trại của nhà và giúp gia đình tiết kiệm được hàng chục triệu mỗi tháng.

Thành thạo nghề, chị Dung bắt đầu đi làm thêm ở những trang trại quanh xã, huyện. Người này truyền tai người kia, thế rồi những chủ trang trại gà từ Đông Anh (Hà Nội), Bắc Ninh cũng bắt đầu tìm đến chị Dung.

Thu nhập “khủng” từ phân loại giới tính gà

Cứ đều đặn mỗi ngày, chị Dung lại một mình đi xe máy sang Đông Anh (3 lò ấp) và Bắc Ninh (1 lò ấp) để làm công việc phân loại giới tính gà. Dù chỉ phân loại quay vòng trong mấy trang trại này nhưng chưa khi nào chị Dung hết việc.

Theo chị Dung, để phân loại giới tính gà, yêu cầu trước tiên phải là gà mới nở sau vài giờ, chưa cho ăn. Gà ăn no, lỗ huyệt dễ bị biến dạng khó xem và khi bóp dễ bị vỡ dạ dày.


Chị Dung còn nhận dạy kèm cho những người có nhu cầu học nghề phân loại giới tính gà

Chị Dung còn nhận dạy kèm cho những người có nhu cầu học nghề phân loại giới tính gà

Người phân loại gà sẽ cầm gà trên tay, tay trái phải bóp nhanh để vắt phần phân còn lại của gà vào ống nhựa, tay phải nhẹ nhàng vạch hậu môn gà lên xem. Ngón tay cái ấn để hậu môn lòi ra. Nếu là gà trống, nốt đỏ (gai giao cấu) nổi lên giống cục u nhỏ như đầu kim, gà mái thì không có.

Trung bình mỗi ngày, chị Dung phải ngồi khoảng 10 tiếng đồng hồ, phân loại được 10.000 – 15.000 con gà. Giá mỗi trang trại trả dao động từ 200-300 đồng/con. Nhẩm tính, mỗi ngày chị Dung thu nhập khoảng 2-3 triệu đồng. Thu nhập tháng từ 50-90 triệu đồng.

“Tháng 6-8 Âm lịch là thời điểm vụ gà nên mới có thu nhập như thế. Những tháng mùa đông – xuân, trời lạnh, các trang trại ấp ít nên thu nhập cũng giảm”, chị Dung cho hay.

Hiện ngoài đi làm thuê tại các trang trại, chị Dung còn nhận dạy kèm cho một số người có nhu cầu học nghề phân loại giới tính gà. Học phí là 30 triệu đồng một người với cam kết 3-5 tháng có thể thành nghề.

Chị Dung cho biết thêm, nghề này thu nhập thì khá nhưng để ngồi khoảng 10 tiếng mỗi ngày cũng đòi hỏi sự kiên trì và khả năng ảnh hưởng đến cột sống. Hơn nữa, gà mới nở, lông tơ bay tứ tung nếu hít phải dễ mắc bệnh về đường hô hấp.

“Nghề này tưởng nhàn nhưng rất vất vả và tuổi thọ của nghề không cao. Lứa tuổi thích hợp để học nghề này từ 18-25 tuổi vì mắt tinh và làm nghề đến khoảng năm 40 tuổi là khó bởi lúc này mắt đã kém”, chị Dung nói.

Theo Triệu Quang
Dân Việt