Gặp người họa sĩ nghèo bày bán tranh trên cầu Long Biên

(Dân trí) - Theo đuổi niềm đam mê hội họa từ khi mới 11 tuổi, đến nay khi tóc đã bạc, tay đã mỏi nhưng họa sĩ Bình Minh vẫn dành phần lớn thời gian để vẽ tranh và bày bán ngay trên cầu Long Biên.

Họa sĩ Bình Minh (62 tuổi, Ngọc Lâm, Hà Nội) tên thật là Nguyễn Văn Bình. Thời ông còn trẻ, để theo đuổi đam mê hội họa là rất khó khăn. Bởi khi ấy chưa có trường Đại học chuyên ngành mỹ thuật, ông theo học trung cấp, lên cao đẳng, rồi sau này học lại Đại học. 2 lần đi học, mỗi khóa có trên dưới 150 sinh viên. Thế nhưng để theo đuổi đam mê hội họa đến bây giờ cũng chẳng còn mấy người.

Một bên là đam mê, một bên là cuộc sống

Trở thành họa sĩ dẫu biết nghệ thuật không “gánh” được nỗi lo cơm áo, lúc có gia đình riêng nhiều khi họa sĩ Bình Minh phải tạm gác lại đam mê để tìm kiếm thêm công việc khác lo cho gia đình. Một bên là niềm đam mê, một bên là cuộc sống thực tế, nhưng ông luôn tự nhủ: “Nếu đam mê đủ lớn thì có thể phủ lấp hết mọi khó khăn. Cuộc sống luôn công bằng với tất cả mọi người. Có đủ bản lĩnh thì mới cầm nổi cây bút vẽ”.

Gặp người họa sĩ nghèo bày bán tranh trên cầu Long Biên - 1

Họa sĩ Bình Minh có niềm đam mê lớn với hội họa

Cuộc đời họa sĩ Bình Minh nếm đủ mọi đắng cay, vất vả. Vợ mất cách đây 16 năm, ông chịu cảnh "gà trống nuôi con". Khi một trong những người con ngỏ ý muốn theo bước cha mình, mong muốn vẽ tranh bán kiếm tiền, ông đã không đồng ý, bởi lẽ "trong nhà có một nghệ sĩ là đủ lắm rồi". Ông nói: “Lúc trẻ tôi cũng đã mơ ước được tổ chức phòng trưng bày, hay ít nhất một vài buổi thưởng thức mỹ thuật, nhưng "có mơ cũng không được”.

Bây giờ con cái đã trưởng thành và có gia đình riêng, ông sống một mình để an yên tuổi già, và dành hết thời gian sống cho đam mê lúc trẻ chưa thực hiện được. “Triển lãm tranh ngoài trời như thế này thì lại càng có nhiều người xem được, tôi lại càng vui”, ông cười nói.

Không có phòng triển lãm, phòng tranh riêng, tranh của ông được bày bán dọc lối lên cầu Long Biên. Những bức tranh được ông dành cả tâm huyết để thực hiện, từng đường nét, bố cục, màu sắc đều thu hút ánh nhìn của những ai đi qua.

Gặp người họa sĩ nghèo bày bán tranh trên cầu Long Biên - 2

Tranh được bày bán ngay trên lối dẫn lên cầu Long Biên

Mỗi ngày ông đều dành hết thời gian để sáng tác tranh. Cống hiến cho nghệ thuật 37 năm, đến nay người họa sĩ già đã có trên dưới 6000 bức tranh. Mỗi một bức ông đều tỉ mỉ, trau chuốt trong từng nét vẽ, nâng niu mỗi bức tranh như một đứa con tinh thần. Chủ đề ông thường xuyên vẽ là tình yêu phong cảnh, quê hương, đất nước và con người.

“Tôi mong muốn ai cũng có thể thưởng thức nghệ thuật”

Cầu Long Biên là nơi gắn với họa sĩ Bình Minh rất nhiều kỷ niệm. Đây cũng là nơi hồi trẻ ông thường lui tới để sáng tác tranh. Đoạn đường lên cầu mọi người cũng thường đi chậm nên sẽ có cơ hội để ngắm tranh ông vẽ. Chính vì lý do đó ông đã quyết định đem tranh lên cầu để bán.

Họa sĩ Bình Minh chia sẻ: “Nhiều người đi qua đoạn đường này họ đi rất chậm để xem tranh nhưng ít người hỏi giá, tôi nghĩ có lẽ ai cũng mong muốn sở hữu một tác phẩm nghệ thuật và được thưởng thức nghệ thuật nhưng không phải ai cũng đủ điều kiện để làm được việc đó. Vậy cho nên, nếu có người hỏi giá bức tranh tôi sẽ để họ định giá trước về đứa con tinh thần của tôi. Có khi là 200.000 đồng một bức tôi cũng bán”.

Với ông, điều mà ông mong muốn nhất là ai cũng có cơ hội được tiếp xúc và thưởng thức hội họa. Mỗi bức tranh của ông là vô giá, đó là đam mê, mồ hôi, công sức và sự nhiệt huyết ông đem vào từng bức vẽ. Nhưng ông cho rằng, nếu nghệ thuật chỉ là một bức tranh nằm chơ vơ mà không có người thưởng thức thì sẽ không phải là nghệ thuật. Mỗi bức tranh có người hỏi mua, ông đều cẩn thận kí tên và hết lời dặn dò người mua phải giữ gìn và bảo quản bức tranh thật tốt.

Gặp người họa sĩ nghèo bày bán tranh trên cầu Long Biên - 3

Nhiều người biết tiếng, tìm tới mua tranh của ông

Để có đủ tranh đem lên cầu bán, ông phải dành ra cả tuần để ở nhà vẽ. Nhiều người khi biết đến “danh tiếng” của người họa sĩ đã tìm lên cầu Long Biên để mua tranh nhưng không phải lúc nào cũng gặp được. Có người lặn lội mấy chục km từ ngoại thành về để mua được bức tranh ông vẽ. "Mọi người quý mình, mình cũng tôn trọng mọi người, thì cuộc sống càng thêm sinh động", ông tấm tắc, luôn miệng nói cảm ơn những người đến mua tranh ủng hộ. 

Chưa đến 500 nghìn đồng cho mỗi bức tranh vải sơn, họa sĩ Bình Minh chỉ đủ tiền mua họa phẩm, rồi nối tiếp cuộc sống và đam mê hội họa. Dù cuộc sống khó khăn đến mấy, ông vẫn muốn vẽ thật nhiều tác phẩm, để "một đời mãi yêu nghệ thuật".