Gặp nghệ nhân làm sống lại món "Bánh nhà nghèo"
(Dân trí) - Trong số những món bánh phổ biến được biết đến rộng rãi, tại Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ lần này còn có một số món bánh gia truyền như bánh bò Chăm và bánh bầu.
Năm nay, Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ quy tụ 173 nghệ nhân tham gia với hơn 100 món bánh dân gian. Trong số những món bánh phổ biến được biết đến rộng rãi, tại Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ lần này còn có một số món bánh "thất truyền" như bánh bò Chăm và bánh bầu.
Nghệ nhân làm sống lại món "Bánh nhà nghèo"
Bánh bầu hay còn gọi là "bánh nhà nghèo", là món bánh dân gian đặc trưng của tỉnh Sóc Trăng rất ít người biết đến và có nguy cơ mai một. Tuy nhiên, thời gian gần đây, loại bánh này cũng đã được "hồi sinh" và đang được phổ biến tại TP Sóc Trăng. Tại Lễ hội bánh dân gian Nam bộ lần thứ 7 năm 2018 tổ chức tại TP Cần Thơ, món bánh này đạt huy chương vàng.
Người nghệ nhân "làm sống lại" chiếc bánh bầu là bà Huỳnh Ngọc Lan ngụ TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Bà Lan cho biết, bánh bầu có 2 loại, ngọt và mặn, được chế biến từ các nguyên liệu chủ yếu gồm trái bầu non, bột gạo, tôm (tép), nước cốt dừa, hành lá, bột cà-ri…
"Cách làm khá đơn giản, bầu trái gọt vỏ, bào lấy sợi bỏ ruột. Tiếp theo, pha bột với nước cốt dừa, nêm ít muối, đường, bột nêm. Bánh được cách thủy khoảng 20-40 phút. Khi bánh gần chín, bỏ thêm hành lá vào trên mặt để trang trí. Bánh bầu ngọt được dùng với nước cốt dừa", bà Lan nói thêm.
Tại Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ năm 2022, bà Lan tiếp tục mang món bánh bầu trứ danh cho du khách gần xa thưởng thức. Mỗi phần bánh bầu có 3 cái được bán với giá 25.000 đồng. Từ ngày đầu khai mạc lễ hội đến nay, mỗi ngày gian hàng của bà Lan bán cả chục nghìn chiếc bánh, riêng bánh bầu đã bán hơn 1.000 chiếc.
Đặc biệt tham dự lễ hội bánh lần này, bà Lan còn mang đến 2 món bánh độc lạ là bánh đúc lá lúa và bánh da lợn xưa và nay để dự thi.
Đợi cả tiếng đồng hồ để thưởng thức bánh bò Chăm
Bên cạnh bánh bầu, một gian hàng khác nhận được sự chú ý không kém là bánh bò Chăm của nghệ nhân Ro Fi Ah ở Thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang. Chỉ là chiếc bánh bò nhưng với cách chế biến độc đáo cùng lối nói chuyện dí dỏm, thân thiện của bà chủ khiến cho nhiều thực khách không ngần ngại bỏ ra cả tiếng đồng hồ để đợi chờ thưởng thức món bánh quê.
Bà Fi Ah cho biết, bánh bò nướng là món ăn vặt truyền thống của người Chăm được làm từ các nguyên liệu như gạo, đường, men nở và nước cốt dừa.
Điểm độc đáo của món bánh bò Chăm là cách chế biến, theo đó, gạo được ngâm 12 tiếng sau đó đem xay nhuyễn và nhào bột. Bột được pha với men nở, khuấy đều rồi ủ trong 3 tiếng. Tiếp đến bỏ bột vào chiếc nồi nhỏ lên bếp, cho một ít nước cốt dừa, nước sạch, muối, đường và bột năng, mở lửa nhỏ để hỗn hợp sôi và khuấy đều đến khi hỗn hợp đặc lại là đạt yêu cầu.
Nhiều người làm bánh còn cải tiến bằng cách pha thêm nước thốt nốt vào bột để có mùi thơm đặc trưng của trái thốt nốt. Người dân thường dùng những chảo sâu, chống dính trên những bếp than hồng rồi đậy nắp ủ bánh. Để chín đều hai mặt bánh, nắp đậy lên chảo cũng phải luôn nóng sẵn. Bánh bò nướng khi chín dạng như chiếc mũ, đầu hơi nhô lên trên, bánh mềm, xốp nhưng không quá phồng như bánh bò thông thường.
Nữ nghệ nhân lý giải: "Nắp làm nóng trước rồi mới đậy lên chảo. Dưới sức nóng trên và dưới mặt bánh bò sẽ có màu vàng đẹp mắt, ăn vào vừa giòn vừa thơm".
Với cách chế biến khá lạ lẫm, khiến nhiều du khách vừa đến lễ hội bánh tham quan đã dừng bước để "mục sở thị" món bánh truyền thống của dân tộc Chăm.
Anh Vũ Mạnh Đường (du khách Đak Lak) vui vẻ nói: "Tôi đứng đợi nửa tiếng rồi mới mua được 3 cái bánh bò thôi. Mỗi cái bánh có giá 15.000 đồng không rẻ không mắc nhưng khi thưởng thức mới thấy đợi chờ xứng đáng. Vành bánh thì giòn, phần giữa bánh thì mềm, xốp thơm thơm mùi sữa và bột gạo, kết hợp thêm vị béo của nước cốt dừa, rất ngon miệng".
Thời buổi hiện đại, chiếc bánh quê dần mất vị thế trước những loại bánh Âu, bánh ngoại nhập. Dịp lễ hội là cơ hội để những nghệ nhân như bà Ngọc Lan, bà Ro Fi Ah đưa bánh dân gian đến gần hơn với du khách cả nước.