“Đừng gửi con cho ôsin, ipad, Facebook”

(Dân trí) - “Một em bé cần mẹ ngôi xâu vòng cùng, ngồi xé giấy cùng… như một người bạn chứ không phải mẹ đang chơi với con thì bỏ dở xem Cô dâu 8 tuổi”, diễn giả, nhà báo Nguyễn Quỳnh Hương chia sẻ tại Tọa đàm Dinh dưỡng tình yêu dành cho con.

“Thuần hóa cha mẹ hổ”

“Có một lần khi tôi rơi vào trạng thái không kiểm soát được cảm xúc đã nặng lời ném sách của con. Buổi tối trước khi đi ngủ tôi đã xin lỗi con: “Mẹ không nên ném sách của con xuống, mẹ sai”. Tối là thời điểm rất dễ nói chuyện và chia sẻ với con. Và con tôi khi ấy đã nói: “Con sai trước”, tôi xoa lưng cho con, âu yếm, vỗ về con”

Gia đình tôi đã tạo thói quen nói chuyện với con. Trước khi đi ngủ, tôi sẽ ru con bằng câu nói: "Mẹ yêu Dế”, cứ như thế cho tới khi cháu chìm vào giấc ngủ. Bây giờ khi con lớn, con vẫn hạnh phúc khi nghe mẹ nói: Mẹ yêu Dế.”, đó là cách mà diễn giả, Tiến sỹ Giáo dục Nguyễn Thụy Anh dẫn dắt câu chuyện đầy thực tiễn tại một tọa đàm diễn ra mới đây tại Hà Nội.

 

Tiến sỹ Giáo dục Nguyễn Thụy Anh và nhà báo Nguyễn Quỳnh Hương chia sẻ một cách nhìn nhận mới về nuôi dạy con.
Tiến sỹ Giáo dục Nguyễn Thụy Anh và nhà báo Nguyễn Quỳnh Hương chia sẻ một cách nhìn nhận mới về nuôi dạy con.

 

Tọa đàm đưa ra một cách nhìn nhận mới về những phương pháp dạy con dựa trên sự coi trọng tình yêu thương và bảo toàn tố chất tự nhiên của trẻ.

Đó là phương pháp “Thuần hóa cha mẹ hổ” mà nhà văn, nhà báo người Anh Tanith Carey - người từng đạt nhiều giải thưởng quốc tế về các vấn đề xã hội và nuôi dạy con đề cập đến trong cuốn sách cùng tên của mình. Tại Việt Nam cuốn sách cũng đã được phát hành.

Thực tế hiện nay có quá nhiều phương pháp nuôi dạy con: kiểu Do thái, kiểu Nhật, kiểu Mẹ Hổ... khiến những người làm cha, làm mẹ băn khoăn không biết nên chọn phương pháp nuôi dạy con kiểu nào cho phù hợp.

“Chúng ta vẫn hay bối rối về cách thể hiện tình yêu với con. Sợ rằng nếu yêu con quá sẽ khiến con mè nheo, ích kỉ. Từ đó theo tôi hình thành 3 trường phái dạy con: 1 là độc đoán, 2 là dân chủ và 3 là dễ dãi. Cái hay, cái dở của từng trường phái là điều dễ nhận thấy”, diễn giả, nhà báo Quỳnh Hương bày tỏ.

Người Việt thường ngại khi nói yêu con

Theo chị Quỳnh Hương, chọn phương pháp nào là dựa vào bản năng của một người mẹ, vì chỉ có mẹ mới hiểu được con mình thật sự cần gì. Có chung quan điểm với TS Nguyễn Thụy Anh, nhà báo Quỳnh Hương cho rằng, những biểu hiện tình yêu của cha mẹ đối với trẻ như ôm ấp, vỗ về cần được thể hiện từ thưở bé. Do nét tính cách kín đáo của người Á Đông, rất nhiều thế hệ phụ huynh Việt Nam chưa biết cách thể hiện tình yêu với con cái, chưa trao được thông điệp cho đứa trẻ khiến đứa trẻ cảm nhận sai giá trị bản thân mình.

“Nếu con lớn bạn mới ôm con, có thể nó sẽ đẩy ra vì không quen. Tai hại hơn là sau đó trẻ sẽ tự thu xếp những khổ đau, tổn thương của mình chứ không cần bố mẹ. Bạn cho con ăn phô mai, cá hồi nhập khẩu nhưng rất có thể trẻ thiếu dinh dưỡng tình yêu”.

Chị Quỳnh Hương kể rằng, có một ngày chị đã ngồi cùng những người bạn của mình, trong đó có nhiều phụ nữ tan vỡ trong hôn nhân. Sau khi bị đối xử tệ bạc họ lại vội vàng chấp nhận những người đàn ông tồi tệ khác. Họ chia sẻ, từ bé bố mẹ không thể hiện cho họ thấy họ được yêu thương nên khi lớn lên, họ yêu vội để bù vào.

Chính vì vậy một em bé cần cảm nhận rõ ràng tình yêu tràn đầy khiến nó biết nó kiêu hãnh về sự tồn tại của nó. Tác dụng tích cực của tình yêu con trẻ là hàng rào bảo vệ con mình, để khi lớn lên con không cho phép người khác đối xử tồi tệ với mình.

Đừng áp lực vì vấn đề điểm số của con

Trong khi nuôi con người mẹ rất dễ bị áp lực từ đám đông, từ những định kiến xã hội, từ những quan điểm có tính truyền dạy lâu đời. Chính vì vậy chị Quỳnh Hương động viên các bậc phụ huynh “hãy thư giãn đi”.

Theo nhà báo Quỳnh Hương: Việc lựa chọn học trường điểm hay trường thường, trường Việt hay trường quốc tế là do mình đang mong con mình thế nào chứ con chúng ta có được quyết định đâu. Có nhiều người vì muốn mức lương khủng, nói tiếng Anh như gió nhưng không làm được. Chính vì chưa làm được nên chúng ta chuyển gánh nặng sang đứa con của mình.

Điểm số không quyết định điều gì hết. Chúng ta thư giãn đi, chúng ta đừng nghĩa một đứa trẻ lên cấp 2 mà nó vẫn viết sai chính tả là cuộc đời nó vứt đi rồi. Hãy xem con chúng ta có được cười vui nhiều không. Và đừng để đứa trẻ hiểu rằng nếu nó bị điểm kém thì bố mẹ bớt yêu thương nó.

Để giảm áp lực điểm số của con, chị Thụy Anh dẫn chứng bằng câu chuyện của gia đình mình: “Con tôi điểm Toán và Văn không giỏi. Nhưng tôi thấy điểm sáng của cháu là cách dùng từ thú vị và hiểu về thế giới côn trùng. Chính vì thế tôi đưa cháu đến chỗ có nhiều côn trùng, khi đó con trở thành ngôi sao trong lĩnh vực của con. Phát hiện điểm sáng của con, điểm thú vị của con, hỗ trợ con bật lên ở điểm sáng”.

Dành thời gian chơi cùng con

Nhà báo Quỳnh Hương cho rằng cả ngày làm việc tất bật, khi về tới nhà chỉ còn quỹ thời gian ít ỏi hãy dùng để chơi với con, tránh lạm dụng các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Khi chơi cần tập trung chơi hết mình như một người bạn của con. “Đừng gửi con cho ôsin, ipad, Facebook”, chị nói.

Khi mẹ mệt có thể thông báo mẹ mệt rồi, con tự chơi nhé rồi ra một góc gần con ngồi nghỉ hoặc đọc sách, lúc đó trẻ có thể yên tâm chơi một mình. Đó là sự trung thực về cảm xúc cần có trong gia đình.

Như một lời kết, TS Thụy Anh chia sẻ: “Khi con tôi còn bé, hai mẹ con thường chơi trò dịch nghĩa, ví dụ tôi sẽ nói những câu thiếu dấu như “Me yeu De”, cháu ngay lập tức sẽ đáp lại: “Mẹ yêu Dế”, khi con lớn rồi, đôi lúc tôi sẽ gợi ý: Con đấm lưng cho mẹ đi, con trẻ cũng cần có thói quen chăm chút lại cho bố mẹ để sau này không trở thành người ích kỉ vì chỉ nhận yêu thương mà không biết trao đi yêu thương”.

Phương Nhung
Email: nguyenphuongnhung@dantri.com.vn