Đua nhau dựng tượng đài

Việc đua làm tượng đài na ná nhau, tỉnh làm sau to hơn tỉnh làm trước được hiểu như hệ lụy của lối tư duy thi đua, bệnh thành tích…

Thống kê của Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (Bộ VH-TT- DL) cho thấy hiện cả nước có 360 công trình tượng đài. Số lượng tượng đài có thể sẽ tăng lên nhiều trong thời gian tới bởi các địa phương đang đua nhau xin làm.

Phải to mới chịu!

Trước khi HĐND tỉnh Sơn La thông qua nghị quyết xây tượng đài “Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc” gắn với các công trình khác ngốn vốn đầu tư 1.400 tỉ đồng, nhiều địa phương khác như Quảng Nam, Bạc Liêu, Tuyên Quang, Điện Biên… cũng xây những tượng đài trăm tỉ, chục tỉ đồng. Tại hội thảo về quy hoạch tượng đài được Bộ VH-TT-DL tổ chức mới đây, chỉ riêng tượng đài Bác Hồ, ít nhất có thêm 58 đề xuất xin dựng trong thời gian tới.

Nhận xét về xu hướng thích hoành tráng, một đại diện Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng đó là hội chứng của bệnh thành tích. Ở một số tỉnh nghèo, miền núi xa xôi, dù cuộc sống người dân còn khó khăn nhưng cũng đòi to, hoành tráng như thành phố lớn, cho rằng nghèo mà làm được to mới có giá trị. Nó giống như xây nhà, nhà sau cao hơn nhà trước một ít mới chịu.

Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ Bắc Sơn (Hà Nội) tuy không hoành tráng nhưng vẫn được đánh giá tốt
 Ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ Bắc Sơn (Hà Nội) tuy không hoành tráng nhưng vẫn được đánh giá tốt. (Ảnh: Nguyễn Hoàng, Người Lao Động)

 

Từ thực tiễn xây dựng tượng đài ở Việt Nam, PGS-TS Lương Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, nhận xét:  “Tôi đi nhiều nước châu Âu, Mỹ và các nước lân cận thì thấy tượng vĩ nhân họ làm nhỏ thôi. Quan trọng nhất là không gian kết nối. Còn chúng ta nghĩ vĩ nhân thì tượng phải lớn”. PGS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, nhận xét: “Tượng đài ở các nước luôn đem đến những cảm xúc, gợi mở sự lắng đọng, suy tư. Với tượng đài ở Việt Nam, hầu hết đều là những khối lớn, hoành tráng nhưng rất ít hồn”.

To và tốn chưa hẳn tốt

Thời gian qua, không ít công trình tượng đài quy mô lớn, đầu tư hàng trăm tỉ đồng nhưng sau khi đưa vào sử dụng thì xuống cấp, hư hỏng, gây phản ứng trong dư luận. Tháng 5-2015, tượng đài 25 tỉ đồng ở Đông Triều, Quảng Ninh bị sét đánh vỡ chóp sau khi khánh thành 10 tháng, chưa được khắc phục. Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ trị giá 411 tỉ đồng ở Quảng Nam, chỉ sau hơn 1 tuần khánh thành đã bong tróc gạch lát nền. Tượng đài Chiến thắng Điện Biên khánh thành chưa lâu đã bị nứt, lún sụt… hư hỏng, thậm chí những người thiết kế, thi công tượng đài này đã phải ra tòa vì công trình bị rút ruột, chất lượng kém.

Có lẽ công trình Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tại đường Bắc Sơn (Hà Nội) của KTS Lê Hiệp là một trong những ngoại lệ làm tượng đô thị tuy không hoành tráng nhưng vẫn thành công. Năm 1992, TP Hà Nội đã mở một cuộc thi thiết kế đài liệt sĩ Bắc Sơn, phương án của KTS Lê Hiệp dù xếp thứ hai nhưng vẫn được Thủ tướng Võ Văn Kiệt chọn. KTS Lê Hiệp chia sẻ công trình của ông rất giản dị nhưng được người dân ủng hộ vì có tính giá trị nghệ thuật cao, thể hiện được ý nghĩa tri ân, tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ. Cũng theo KTS Lê Hiệp, dù được Thủ tướng Võ Văn Kiệt chọn nhưng ngay cả khi hoàn thành, công trình vẫn vấp phải những luồng dư luận trái chiều. Nhiều người bóng gió gọi bằng những cái tên mỉa mai như lô-cốt, cái ghế đẩu…

Do bệnh thành tích

KTS Thân Hồng Linh, Công ty Tư vấn Xây dựng dân dụng Việt Nam (Bộ Xây dựng), cho rằng các đồ án kiến trúc quy hoạch luôn luôn phải giải quyết, thiết lập các không gian kiến trúc dành cho quảng trường, cây xanh công viên nhưng không vì thế mà coi tượng đài và quảng trường là yếu tố không thể thiếu của quy hoạch kiến trúc đô thị. Việc các tỉnh đua làm tượng đài na ná nhau, tỉnh làm sau to hơn tỉnh làm trước được hiểu như hệ lụy của lối tư duy thi đua, bệnh thành tích của một số vị lãnh đạo địa phương. Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm, đánh giá việc đem đánh đồng giá trị của tượng đài, công trình với quy mô là suy nghĩ rất sơ đẳng.

Cũng theo ông Vi Kiến Thành, các công trình mỹ thuật công cộng, trong đó có tượng đài phục vụ đời sống nhân dân, chưa bao giờ là nhu cầu đặt hàng của ngành mỹ thuật. Tất cả các yêu cầu đó đều xuất phát từ địa phương, tức là khi địa phương có nhu cầu thì ngành mỹ thuật tham gia để thực hiện về mặt chuyên môn cho các công trình. “Tuy nhiên, có những việc mà không phải giới chuyên môn, giới mỹ thuật, giới kiến trúc có thể quyết định được hình thức nghệ thuật của tác phẩm mà còn nhiều yếu tố khác” - ông Thành nói.

Theo quy định, tham gia hội đồng mỹ thuật để thẩm định các đề án xây dựng tượng đài phải là những họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư có uy tín, chuyên môn cao theo tỉ lệ: 2/3 là các nhà chuyên môn mỹ thuật, 1/3 là các nhà quản lý. Tuy nhiên, quy định này hầu như đã bị phớt lờ bởi tại nhiều địa phương, phần đông thành viên trong hội đồng lại là đại diện các sở như: Tài chính, Kế hoạch và Ðầu tư, Giao thông Vận tải... Theo KTS Lê Hiệp, với những thành viên ngoài chuyên môn như thế, khó tránh khỏi những điều không hay, phức tạp khi thiết kế, xây dựng công trình tượng đài mà ở đó, sự hoành tráng lấn át giá trị nhân văn của công trình.

Biểu hiện của tư tưởng nhiệm kỳ

Ông Vi Kiến Thành cho rằng xu hướng của khá nhiều người trong xã hội hiện nay là thích to, thích lập kỷ lục, hoành tráng. Thậm chí, đó là biểu hiện của tư tưởng nhiệm kỳ, các vị lãnh đạo luôn muốn làm một công trình hoành tráng để đời, để nhân dân có thể ghi nhớ nhiệm kỳ đó đã xây dựng được một tượng đài to lớn...

Theo Yến Anh

Người Lao Động

 

 

Đua nhau dựng tượng đài - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm