Đong đầy tình người với cốc nước miễn phí của hai bà lão nghèo

(Dân trí) - “Ở đời sống không được bao nhiêu, lúc chết tiền cũng không mang theo được, nên cố gắng làm được gì thì làm, bản thân cũng được vui vẻ”…. Xuất phát từ những suy nghĩ đầy tính nhân văn như thế, hai bà lão Nguyễn Thị Hồng Sen và Nguyễn Thị Thụng, tuy đã gần 70 tuổi nhưng ngày nào cũng thức dậy từ sớm tinh mơ, tận tâm chuẩn bị những ấm nước miễn phí mang đến cho người nghèo.

“Bà Thụng nước vối” ở bệnh viện K

Hàng nước của bà Thụng lúc nào cũng rất đông người lui tới.
Hàng nước của bà Thụng lúc nào cũng rất đông người lui tới.

Nhiều năm nay, các bệnh nhân của bệnh viện K (Hoàn Kiếm, Hà Nội) và người dân quanh khu vực đó đã quen với sự xuất hiện của “bà Thụng nước vối”. Đều đặn 2 lần một ngày, bà lại chở ra trước cổng viện K những bình nước mát lạnh do chính bà tự tay chuẩn bị. Những ngày gần đây, bà Thụng còn gom thêm được đống quần áo cũ mang ra phát cho người có hoàn cảnh khó khăn.

Ngày nào bà Thụng cũng dậy từ 4 giờ sáng nhóm bếp, thổi lửa đun nước. Mỗi ngày, bà phát hết 50 lít cả nước vối và nước đun sôi để nguội. Vốn tính cẩn thận, nụ vối mua về bà không nấu luôn mà đem rửa lại cho sạch. Gặp ai bà cũng đon đả mời chào, tận tay rót những cốc nước vối thơm ngọt và không ngừng nói lời cảm ơn. Bà còn khuyến khích người nhà bệnh nhân mang bình to để trữ nước uống dần.

Những người xe ôm quanh đó cũng rất thích nước vối của bà Thụng.
Những người xe ôm quanh đó cũng rất thích nước vối của bà Thụng.

Chia sẻ với PV, bà cho biết, trước kia bà làm nghề bán hàng rong, lang thang trên phố cả ngày, nhiều khi cổ họng khát đến khô rát nhưng chẳng dám bỏ tiền mua chai nước uống. Giờ đây, nhớ về ngày tháng cơ cực đó, bà lại xót thương cho những bệnh nhân đang ngày ngày chịu cái nóng oi bức trong viện, những người lao động vất vả như bà ngày xưa nên quyết định đun nước vối phát miễn phí. Ngày đầu, bà chỉ lo nước vối bị ế, nhưng không ngờ có cả trăm người xếp hàng chờ đến lượt. Ngoài bệnh nhân và người nhà còn có thêm các bác xe ôm hay các em nhỏ bán hàng rong.

Vào ngày mát trời, bà còn mang theo hàng chục bộ quần áo phát miễn phí cho người có nhu cầu.
Vào ngày mát trời, bà còn mang theo hàng chục bộ quần áo phát miễn phí cho người có nhu cầu.

"Ngày nắng nóng thì tôi nấu nước cho mọi người uống miễn phí, ngày mát thì tôi thu gom quần áo đã qua sử dụng rồi mang ra đây, ai mặc được cái nào thì lấy. Nhìn thấy họ uống nước rồi xuýt xoa khen ngợi, chứng kiến họ tìm được những bộ quần áo ưng ý rồi phấn khởi ướm thử, tôi thấy vui và hạnh phúc vì được giúp đỡ người khác", bà Thụng chia sẻ.

Dù kinh tế gia đình không hề khá giả nhưng dù nắng nóng đến đâu, ngày nào bà cụ hơn 70 tuổi cũng lặng thầm chia sẻ những cốc nước vối mát lạnh cho người có nhu cầu. Với hàng trăm bệnh nhân nghèo ở viện K, cốc nước vối của người phụ nữ hiền hậu lại càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Trước đây, bà Thụng vừa nấu nước vối miễn phí, vừa lo chăm chồng ốm. Nhưng khoảng 1 năm nay, sau khi chồng qua đời, bà càng đặt hết thời gian vào niềm vui vào việc giúp đỡ người nghèo khó hơn mình.

Bà Thụng gấp lại những bộ quần áo cho mọi người dễ dàng lựa chọn.
Bà Thụng gấp lại những bộ quần áo cho mọi người dễ dàng lựa chọn.

Đang nói dở câu chuyện, thấy một số người ngần ngại, chăm chú nhìn đống quần áo mà không dám tiến lại gần, bà Thụng lại nhanh nhẹn cất lời mời: "Quần áo miễn phí đây, không mất tiền đâu, các bác cứ lựa chọn thoải mái nhé...".

Bà lão “gàn dở” và những cốc chè xanh thơm thảo tình người

Đi trên phố Trần Xuân Soạn (đoạn gần chợ Hôm), nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi có một cụ bà cứ thấy ai chậm rãi qua đường hay tiến lại hỏi thăm là nhiệt tình kéo vào mời uống nước. Khi thì bà dúi vào tay khách chai nước lọc, lúc lại vội vàng rót đầy những cốc trà xanh trong vắt, không chút cặn đục. Khách uống bao nhiêu tùy thích, thậm chí có thể mang đi vài chai, tất cả đều miễn phí. Người phụ nữ ấy là bà Nguyễn Thị Hồng Sen. Ở cái tuổi thất thập, bà đã có gần chục năm mở quán nước chè từ thiện.

Bà Sen bên ấm chè xanh thơm ngọt.
Bà Sen bên ấm chè xanh thơm ngọt.

Quán nước của bà tuy đơn sơ nhưng vô cùng đầy đủ. Bên cạnh những ấm nước chè xanh miễn phí, bà còn bày thêm một mẹt lá chè để bán. Tuy nhiên, thu nhập từ việc bán lá chè chẳng được bao nhiêu. Khi có người mua, bà chẳng cần cân mà chỉ ước chừng rồi bốc cho đầy túi.

Cụ bà cho biết thêm, bà muốn được đi xa hơn để giúp người có hoàn cảnh khó khăn, nhưng do điều kiện không cho phép nên bà chỉ có thể làm từ thiện ở nhà, từ chính những cốc nước chè thơm thảo tình người. Bà quan niệm: “Ở đời sống không được bao nhiêu, lúc chết tiền cũng không mang theo được, nên cố gắng làm được gì thì làm, bản thân cũng được vui vẻ”.

Mang niềm vui nhỏ bé tới mọi người ốm đau, bệnh tật các nơi xa gần...
"Mang niềm vui nhỏ bé tới mọi người ốm đau, bệnh tật các nơi xa gần..."

Dù là nấu nước chè miễn phí cho người qua đường nhưng bà vẫn rất tỉ mẩn và cẩn thận trong từng công đoạn. “Tôi luôn tự nhủ rằng khách uống cũng như mình uống nên phải đảm bảo vệ sinh. Trước khi đun phải nhặt rửa lá chè thật kỹ, mỗi ngày là một loạt lá mới chứ tuyệt đối không để chè đã nấu qua đêm. Khách uống mà có thế nào thì phải tội lắm”, bà chủ hàng nước chia sẻ.

Nhiều người ghé đến quán của bà không phải vì tiếc vài đồng uống nước mà bởi đã trót mê thứ nước chè trong vắt, xanh mát, uống đến đâu cảm nhận được hương vị đến đó. Ngoài nước chè xanh, bà chủ quán tốt bụng còn mua thêm đường, chanh để pha chế trà chanh, rồi tự tay ngâm những bình nước sấu giòn thơm mời khách.

Sáng nào bà cũng chuẩn bị thêm mẹt lá chè xanh để bán cho mọi người.
Sáng nào bà cũng chuẩn bị thêm mẹt lá chè xanh để bán cho mọi người.

Nhìn bà ngày ngày vui vẻ trò chuyện với khách đến uống nước, ít ai biết rằng người phụ nữ nhỏ nhắn, gầy guộc ấy đã sống hơn 30 năm trong cảnh mẹ góa con côi. Chồng bà mất từ sớm, hiện trong căn nhà rộng chưa đầy 15m2 chỉ có mình bà Sen với người con gái mắc bệnh trầm cảm, không có khả năng lao động bình thường.

Làm việc thiện nhưng có đôi lúc bà Sen bị mọi người xung quanh chê là “gàn dở”, thích lo chuyện thiên hạ. Có người còn cho rằng bà làm từ thiện vì mục đích khác, khiến việc buôn bán của các tiểu thương quanh chợ bị ảnh hưởng. Gạt ngoài tai những lời chê bai, đe nẹt, bà Sen vẫn ngày ngày nấu và mang nước chè từ thiện tới những người có hoàn cảnh khó khăn.

Được giúp đỡ mọi người là niềm vui và mục đích sống của người phụ nữ nhân hậu.
Được giúp đỡ mọi người là niềm vui và mục đích sống của người phụ nữ nhân hậu.

Trước khi câu chuyện kết thúc, người phụ nữ có dáng người gầy guộc, gương mặt đầy những nếp nhăn nhưng ánh mắt vô cùng hiền từ nói rằng: “Cuộc sống tuy có nhiều chuyện buồn và nỗi vất vả nhưng từ sâu trong đáy lòng mình, tôi vẫn muốn làm được điều gì đó thật ý nghĩa cho cuộc đời này. Từ ngày mở hàng nước, giúp được những người qua đường, những người có hoàn cảnh khó khăn dù chỉ một cốc nước mát, tôi cũng thấy vui rồi”.

Hoàng Ngọc

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm