Đồng bằng sông Cửu Long: Tràn lan Game bắn cá

(Dân trí) - Mang tên là “trò chơi điện tử không nối mạng”, nhưng game bắn cá đang tràn làn ở ĐBSCL gây nhiều hệ lụy khôn lường, trẻ em bỏ học, người lớn mang nợ, vợ chồng lục đục vì trò chơi này.

Game bắn cá trò chơi điện tử trá hình

Theo báo cáo của ngành chức năng tỉnh Trà Vinh có trên 100 điểm game bắn cá, với 117 máy phục vụ người chơi. Mỗi máy có giá từ 15 đến 100 triệu đồng tùy loại. Hầu hết các điểm game bắn cá đều hoạt động liên tục ngày đêm, thu hút rất đông người chơi. Nhiều nhất là TP Trà Vinh với trên 45 điểm kinh doanh, trong đó có 43 điểm được cấp giấy phép.

ben-trong-the-gioi-tro-choi-1-adada
Được mang tên là trò chơi điện tử không kết nối mạng, nhưng thực chất game bắn cá là trò cờ bạc trá hình

Một chủ tiệm game ở xã Tân Hùng, huyện Tiểu Cần cho biết, trong một lần đi siêu thị ông thấy nhiều người chơi game bắn cá nên ông đã đi tìm hiểu mua máy bắn cá về đặt tại quán nước giải khát của gia đình. Thấy điểm kinh doanh của ông đắt khách nên hàng xóm của ông cũng mua máy bắn cá để kinh doanh.

Theo chủ tiệm game, mỗi ngày ông thu lợi từ tiền bán thẻ cào điện thoại nạp vào máy game 400.000- 500.000 đồng. Người chơi thắng thì lấy số điểm thắng được đổi nước giải khát hoặc thẻ cào điện thoại.

Tương tự tỉnh Trà Vinh, tiệm game bắn cá gần chợ Trà Quýt ở huyện Châu Thành, Sóc Trăng hoạt động rất nhộn nhịp. Theo ghi nhận của phóng viên, trong một buổi có từ 50 đến 70 người vào mua xèng để bắn cá.

Ông Nguyễn Văn Sáu, một người dân ở chợ Trà Quýt nói cho biết: Mỗi xèng được chủ tiệm game bán ra 2.500đ, nhưng mới khoảng 15 phút con trai ông đã chơi thua 100 ngàn đồng.

Trưa 1/7, Công an tỉnh Sóc Trăng bất ngờ ập vào phòng game “Thế giới trò chơi” (do Khưu Minh Trung làm chủ) bắt quả tang 25 đối tượng đang say sưa tham gia đánh bạc dưới hình thức chơi game bắn cá ăn tiền. Tại hiện trường, cảnh sát tạm giữ 3 máy game bắn cá, gần 150 thẻ dùng để kích hoạt máy chơi game, trên 150 triệu đồng và nhiều tang vật liên quan.

Trước đó tại thị trấn ven biển này cũng đã có nhiều “đại gia” vỡ nỡ vì mê game bắn cá. “Chủ một quán nhậu có tiếng ở Vĩnh Châu được cho là thua game bắn cá trên 1 tỷ đồng. Con gái một chủ quán khác thua gần 300 triệu đồng, đã bỏ nhà đi hơn một tháng. Không chỉ bắn cá ở Vĩnh Châu, những người này đã đi các tỉnh khác để sát phạt nên vỡ nợ” – một ngươi dân kể.

Nguồn tin từ cơ quan công an cho biết: “Máy game bắn cá được chủ mang xuống đặt tại nhà dân kinh doanh không phép (tỷ lệ ăn chia 50/50). Kinh doanh kiểu này lãi nhiều, nhưng nếu bị bắt chỉ xử phạt ở mức phạt chỉ 3 đến 5 triệu đồng. Việc đổi điểm bắn cá để lấy tiền chỉ là giao dịch miệng nên khó bị công an phát hiện ”.

Học sinh trốn học chơi game

Hiện tại game bắn cá không chỉ “nở rộ” ở các thành thị của vùng ĐBSCL, mà ngay cả ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hình thức cờ bạc trá hình này cũng đang hoạt động rầm rộ.

Ông Trần Văn Long ở Phụng Hiệp, Hậu Giang cho biết: Ông đang “đau đầu” vì cậu con trai của ông thường xuyên trốn học để “lao đầu” vào game bắn cá. “Năm học vừa rồi, nó phải ở lại lớp vì thường xuyên trốn học. Do vợ chồng tôi bận việc kinh doanh nên ít quan tâm đến chuyện học của con, đến khi nhà trường báo về thì mới “giật mình” vì cái trò cờ bạc trá hình này.

Tương tự con của ông Long là con trai của anh Hùng ở Cần Thơ đang là học sinh lớp 5, nhưng ở nhà anh Long bán tiệm tạp hóa cha mẹ quản lý tiền bạc lỏng lẻo, nên cậu con trai của anh Hùng ăn trộm tiền của cha mẹ và trốn học đi chơi game đến khi nhận sổ hạnh kiểm cuối năm loại yếu thì vợ chồng anh Hùng mới "điều tra" và phát hiện con mình đã nghiện game cả năm nay.

Theo ông Long, khoảng giữa năm học 2014 – 2015, vợ chồng ông phát hiện con trai hay xin tiền với lý do phát sinh nhiều khoản học phí, nhưng đến khi chúng tôi gặp cô giáo chủ nhiệm thì mới biết khác khoản phí đó là do con bịa ra để lấy tiền đi chơi game bắn cá.

Một chủ kinh doanh loại hình này ở xã Tân Thạnh, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu cho biết, máy chơi game bắn cá được các ông chủ thuê người đưa đến tận nhà đặt. Hình thức chia lợi nhuận là 50/50 (chủ máy 50% số tiền thu được, người quản lý cũng được 50% - PV). Cứ 100 ngàn đồng người chơi sẽ mua được 40 xèng (thẻ game) để chơi, nhưng số người chơi để thắng máy là rất ít.

Theo Phòng Tài chính và kế hoạch TP Sóc Trăng (Sóc Trăng), địa phương này có 65 điểm kinh doanh "trò chơi điện tử không nối mạng". Trong đó, điểm game bắn cá trên lầu 1 của siêu thị phường 6 có rất nhiều người chơi, chủ yếu là trẻ em. Để tránh nạn cờ bạc, trên mỗi máy bắn cá trong siêu thị đều được dán giấy với dòng chữ: "Thẻ trúng chỉ được tiếp tục chơi hoặc chơi các trò chơi khác trong phòng game. Không hoàn trả hoặc đổi thành tiền dưới mọi hình thức".

Phạm Tâm – Trung Kiên