Đồng bằng Sông Cửu Long: Báo động tai nạn liên quan đến điện!
(Dân trí) - Hiện nay, người dân sử dụng điện trong nuôi tôm hay trồng Thanh Long rất thiếu an toàn, đặc biệt vùng ĐBSCL đang bước vào mùa mưa bão nên nguy cơ xảy ra tai nạn thương vong liên quan đến điện trở nên đáng báo động…
Sử dụng điện thiếu an toàn khá cao
Các vụ tai nạn về điện chủ yếu do người dân bất cẩn, sử dụng điện câu đuôi, mất an toàn ở ĐBSCL gây thương vong khiến các ngành chức năng, đặc biệt là ngành điện đang quyết liệt tập trung đầu tư, cải tạo và nâng cấp lưới lưới điện, xoá hộ câu đuôi để đảm bảo an toàn lưới điện trước điện kế cũng như thực hiện công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân lắp đặt vật tư thiết bị và sử dụng điện an toàn sau điện kế nhằm giảm thiểu tai nạn.
Con số thống kê của Cty điện lực Cà Mau cho biết, năm 2019 tai nạn điện xảy ra trên địa bàn tỉnh là 24 trường hợp, làm chết 22 người và bị thương 5 người. So với cùng kỳ năm 2018 giảm 13 vụ, giảm 8 người chết, giảm 4 người bị thương (sinh hoạt 15 vụ, nuôi tôm công nghiệp 7 vụ, vi phạm hành lang 2 vụ). Còn 6 tháng đầu năm 2020 xảy ra 6 vụ, làm 7 người chết và 1 người bị thương.
Trong khi đó, Sóc Trăng là địa phương có diện tích nuôi tôm công nghiệp đứng đầu ở ĐBSCL với hơn 57.500 ha; chính vì thế tai nạn về điện cũng là điều đáng lo ngại. Ông Đặng Văn Hoàng, 56 tuổi ở ấp Phú Thuận, xã Thạnh Phú (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) có 5 ha gắn bó với con tôm gần 20 năm nay. Ông kể, có nhiều trường hợp bị điện giật chết do điện truyền qua motor rò rỉ xuống đất, dây điện mắc lên cây tre cũ lâu ngày mục gãy rồi để lòng thòng dưới đất.
Chưa kể, nhiều hộ nuôi tôm muốn giảm chi phí nên chỉ kéo một dây (dây nóng) để đấu nối vào mô tơ điện chạy quạt oxy, dây còn lại (dây nguội) được dẫn xuống đất. Hay trong quá trình kéo lưới bắt tôm hay lội xuống ao vô tình chạm vào dây dẫn điện ghim dưới ao và bị điện giật chết tại chỗ.
Điển hình là trường hợp đứa cháu ở gần nhà lội xuống ao sửa quạt bị điện giật chết cách nay 2 năm trước. Cũng chính vì thế ông đã đầu tư gần 10 triệu đồng để kéo cho hệ thống điện quanh ao nuôi tôm nhà cho an toàn.
Thông tin từ Phòng An toàn - Công ty Điện lực Sóc Trăng cho biết, tình hình tai nạn điện trong nuôi tôm xảy ra nhiều, năm ngoái xảy ra hơn 30 vụ nhưng trong 6 tháng đầu năm nay giảm còn 5 vụ, chết 4 người. Theo ông Duy, tuy số vụ tại nạn có giảm nhiều hơn các năm qua nhưng nguy cơ sử dụng điện không an toàn vẫn còn rất cao.
Giảm tối đa tai nạn về điện
Trong năm 2019 ngành điện Cà Mau đã kéo 6.4 km đường dây trung thế, 17.43 km đường dây hạ thế, lắp mới 17 trạm biến áp với công suất 985 KVA, xoá 2.423 hộ câu đuôi với vốn đầu tư là 12.2 tỷ. Đồng thời, trong năm nay dự kiến sẽ xoá 3.728 hộ câu phụ.
Đơn vị chú trọng công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức với kinh phí gần 700 triệu đồng/năm. Cụ thể, là tuyên truyền ở cụm dân cư bằng phương pháp trực quan. Ví dụ như lập mô hình motor hướng dẫn dân đóng cọc tiếp đất nối vào vỏ động cơ, rồi lắp thiết bị bảo vệ cắt điện khi xảy ra chạm vỏ. Đồng thời, phát hàng nghìn tờ rơi tuyên truyền cho người dân sống gần hành lang an toàn lưới điện cao áp để tuyên truyền về sử dụng điện an toàn.
Tỉnh Tiền Giang có khoảng 8.000 ha thanh long, nhà vườn thường kéo điện chong đèn ban đêm kích thích cây ra hoa vụ nghịch. Tuy nhiên, một số hộ lại có thói quen đấu nối bóng đèn với dây điện bằng ghim sắt. Số khác bỏ dây điện trên mặt đất dễ gây nên những tai nạn chết người.
Ghi nhận thực tế của Điện lực Chợ Gạo (Tiền Giang) cho biết, thời gian qua tai nạn chủ yếu do bất cẩn khi sử dụng điện và sử dụng sai mục đích, đồng thời, xảy ra sự cố do người dân sử dụng đèn thắp sáng để xông thanh long. Nhằm giảm thiểu tai nạn do điện, ngành điện đã chủ động kiểm tra, phối hợp địa phương xử lý đường dây mất an toàn, nhất là khu vực tập trung trồng cây thanh long.
Cũng theo Công ty Điện lực Tiền Giang, ngành điện đã tuyên truyền, khuyến cáo cho các hộ trồng thanh long sử dụng mối nối an toàn bóng đèn chuyên dùng (compact 20W) để vừa đảm bảo an toàn sản xuất, tuổi thọ cao và tiết kiệm điện. Đồng thời, không được dùng ghim thép, đinh ghim xuyên vào lõi dây dẫn điện để cấp điện cho bóng đèn.
Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cho biết, năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020 tổng số vụ tai nạn là 53 vụ, làm chết 14 người và bị thương 54 người.
Trong mùa mưa bão đang đến, EVNSPC chỉ đạo quyết liệt các đơn vị điện lực thành viên tăng cường kiểm tra, kiểm soát hệ thống điện và giám sát tình hình sử dụng điện của khách hàng, nhất là ở khu vực các tỉnh miền Tây Nam bộ và tiếp tục khuyến cáo đến khách hàng sử dụng điện tại 21 tỉnh, thành phố phía Nam khi gặp bất cứ sự cố điện hoặc nguy cơ có thể gây tai nạn điện nên gọi ngay Tổng đài chăm sóc khách hàng 19001006-19009000 để kịp thời giải quyết nhanh nhằm hạn chế mức thấp nhất đối với các thiệt hại về người và tài sản.
Hòa Hội - Trường Thịnh