Hội An:
Dịch vụ làm đẹp mộ đắt khách dịp cận Tết
(Dân trí) - Dịp cận Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, những người làm nghề tảo mộ, tu sửa mộ phần lại bắt đầu vào mùa. Tại khu nghĩa trang nhân dân Hội An (xã Cẩm Hà, Hội An), người đến người đi hối hả, nhộn nhịp hơn so với vẻ hiu quạnh thường ngày.
Tại nghĩa trang nhân dân Hội An, ngày thường khá hoang vắng, thế nhưng từ đầu tháng Chạp nơi đây náo nhiệt hẳn.
Người tảo mộ thuê ở đây chủ yếu là người dân địa phương, một số ở các xã lân cận tìm đến đây để kiếm thêm thu nhập lo Tết sắp đến. Do nhà gần nên cũng không tốn tiền thuê trọ, làm từ 7h sáng đến 5h chiều thì về, ăn trưa thì mọi người chung tiền nhau rồi mua về ăn ngay tại nơi làm việc.
Ông Lê Văn Tiến (phường Cẩm Phô, Hội An) đang tranh thủ quét dọn nốt phần mộ để kịp nghỉ trưa, theo ông nghề này không phải dịp nào cũng “đắt hàng”, phải đến cận Tết mới nhiều người thuê. Ngày thường ông làm phụ hồ, đến đầu tháng Chạp hằng năm lại cùng vợ nhận quét dọn mộ phần để kiếm thêm thu nhập trang trải ngày Tết.
“Tôi nhận từ 200-300.000 đồng/mộ cho các công việc dọn dẹp, đổ cát lư hương, quét vôi, đổ đá trắng… Mấy ngày nay thời tiết mưa nắng thất thường nên dễ cảm lắm, phải tranh thủ sáng làm trưa tranh thủ nghỉ dưỡng sức. Tôi làm kỹ lưỡng, uy tín nên năm nào cũng có mối thuê, là khách quen cả”, ông Tiến chia sẻ.
Xây mộ mới thì thợ hồ làm quanh năm nhưng tảo mộ và các dịch vụ tu sửa chỉ đắt khách vào dịp gần Tết. Nhiều người ngày thường xây mộ nhưng đến tết lại chuyển sang tảo mộ, tu sửa. Có người ngày thường làm “thợ đụng”, đến gần Tết lại đổ xô về đây và với họ công việc này đã cho khoản thu nhập kha khá.
Những người tảo mộ thuê ở đây cho biết, giá dọn dẹp, chùi rửa một mộ lớn là 300-500 ngàn; công quét vôi một mộ lớn là 140 ngàn/mộ, nếu nhiều thì mình giảm giá còn lại khoảng 120 ngàn/mộ, mộ nhỏ giá từ 40-60 ngàn/mộ. Tiền kẻ bia, khắc lại tên thì tính giá khác, tùy theo kích thước từng bia mà có giá từ 30-70 ngàn/mộ.
Nhóm thợ của anh Nguyễn Viết Tài (Cẩm Hà, Hội An) gồm 5 người, đều là dân địa phương, mỗi người một nhiệm vụ khác nhau: người quét vôi, người cọ rêu, chùi rửa, người nhổ cỏ... mỗi người một việc.
Theo anh Hiệu, công việc chỉnh trang lại các khu mộ quanh năm vẫn làm, nhưng cuối năm sẽ nhiều hơn vì mọi người quan niệm “trần sao, âm vậy” nên muốn sửa sang lại phần mộ cho người đã khuất.
Mọi người làm ở đây đều phải giữ chữ tín, không được làm ẩu, quét cẩn trọng, dọn dẹp sạch sẽ, chu đáo. Ai cũng tâm niệm mình sống là nhờ phúc của người âm, nên ai cũng phải cố gắng làm cẩn thận, tỉ mỉ.
“Khách của tôi chủ yếu là những người con đi làm ăn xa, họ nghỉ Tết trễ nên không có thời gian chăm sóc phải nhờ đến người tảo mộ thuê. Vì hoàn cảnh cả chứ ai mà muốn, tôi làm dịch vụ này cũng giúp họ phần nào thể hiện chữ hiếu với ông bà, tổ tiên. Bởi vậy, mình làm phải tỉ mỉ, cẩn thận thì năm sau người ta mới thuê tiếp”, anh Tài nói.
Ngoài nhận chăm sóc mộ phần, thì thời gian rảnh rỗi nhiều người còn “tiện tay” chăm sóc các mộ phần “vô chủ”.
Nhưng dù vậy, họ cũng cho hay mình chỉ dám quét dọn, nhổ cỏ hoặc chùi sơ qua chứ không dám quét vôi bởi sợ đụng đến mộ phần người ta có chuyện gì họ quở trách.
“Dù mộ phần không người thăm viếng, nhưng lỡ đụng vào có chuyện gì thì chúng tôi không biết làm sao”, bà Nguyễn Thị Mười (Cẩm Châu, Hội An) cho hay.
Thu nhập từ công việc thời vụ này cũng kiếm được ít tiền tiêu tết nên nhiều người tâm niệm, công việc của họ cũng là nhờ vào những người đã khuất, nên họ luôn sẵn sàng quét dọn lại những khu mộ không người thăm viếng, âu cũng là để đức lại cho con cháu.
Ngoài những người tảo mộ thuê, thì những gia đình ở gần Hội An cũng tất bật tảo mộ. Bà Lê Thị Khánh Hoa (Đà Nẵng) chia sẻ: “Tôi quê gốc tại Hội An, nhưng sinh sống tại Đà Nẵng. Ngày giỗ chạp vẫn về đây chăm sóc, nhưng dịp cận Tết thì thêm nhiều chậu hoa để trang trí lại mộ phần cho đẹp hơn”.
Ông Huỳnh Ngọc Huệ (xã Cẩm Nam, Hội An) đang tất bật chăm sóc lại mộ phần gia đình bên vợ cho biết: “Dù dâu hay rể thì cũng đều con cháu các cụ cả, đây là hiếu nghĩa nên làm. Dịp cận Tết tôi kẻ lại bia mộ, đổ cát lư hương… để “làm đẹp nhà” của người thân đã khuất. “Trần sao, âm vậy”, mình vui xuân thì cũng nên nghĩ đến ông bà, là đạo hiếu của người Việt mình”.
Công Bính-Ngô Linh