Dẹp bỏ các hoạt động tín ngưỡng trá hình, lợi dụng lòng tôn kính lãnh tụ

(Dân trí) - Tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có khoảng 10 điểm nhóm hoạt động lợi dụng nhận thức còn hạn chế, niềm tin sâu sắc vào lãnh tụ Hồ Chí Minh của một bộ phận quần chúng nhân dân để tác động lôi kéo quần chúng tham gia hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật.

Bên cạnh các hoạt động tôn giáo thuần túy, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra một số vụ lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để gây mất an ninh trật tự. Một số hoạt động tôn giáo trái pháp luật, như phát triển đạo Tin Lành trái phép, thành lập hội đoàn, dòng tu trái phép...

Công an tỉnh Thanh Hóa kiểm tra điểm hoạt động tôn giáo trái phép của Lê Thị Khoa tại xã Hoằng Đạo, huyện Hoằng Hóa
Công an tỉnh Thanh Hóa kiểm tra điểm hoạt động tôn giáo trái phép của Lê Thị Khoa tại xã Hoằng Đạo, huyện Hoằng Hóa

Một số đối tượng, tổ chức, cá nhân lợi dụng niềm tin tín ngưỡng và sự thiếu hiểu biết của một bộ phận quần chúng đã lập ra những hội nhóm mang màu sắc tôn giáo, lôi kéo người tham gia với những hoạt động mê tín dị đoan gây ảnh hưởng xấu đến đời sống văn hoá lành mạnh của cộng đồng, làm phức tạp tình hình an ninh trật tự ở địa phương.

Đáng chú ý là hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, nhận thức còn hạn chế, niềm tin sâu sắc vào lãnh tụ Hồ Chí Minh của một bộ phận quần chúng nhân dân để tác động lôi kéo quần chúng tham gia hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật.

Luận điệu tuyên truyền của nhóm đối tượng có nhiều điểm tương tự các hội nhóm tà đạo khác đã từng xuất hiện trên địa bàn tỉnh như: “Long hoa di lạc”, “Hội Tiên Rồng”, “Giáo hội Lạc Hồng”. Các đối tượng cầm đầu hội nhóm dựa vào hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, các anh hùng liệt sĩ, cờ Đảng, cờ Tổ quốc nhằm lôi kéo niềm tin của quần chúng nhân dân.

Mục đích của các đối tượng chủ yếu là các hoạt động trục lợi cá nhân như: bán đồ thờ cúng, “kinh sách”, tiền cúng lễ, mang đậm màu sắc mê tín dị đoan, hoàn toàn không có cơ sở khoa học và không được pháp luật cho phép.

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, tính đến thời điểm này, có khoảng 10 điểm nhóm hoạt động lợi dụng hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó chủ yếu tập trung ở các huyện: Quảng Xương, Hoằng Hóa, Yên Định, Cẩm Thủy, Hậu Lộc, Nga Sơn và thành phố Thanh Hóa.

Trong đó, điển hình như điểm của đối tượng Lê Thị Khoa (SN 1940, ở xã Hoằng Đạo, huyện Hoằng Hóa), là đối tượng cầm đầu hội nhóm “Ngọc Phật Hồ Chí Minh” trên địa bàn huyện Hoằng Hóa. Với chiêu bài tự xưng được “ăn lộc Bác Hồ’ và có thể dùng các loại lá cây để chữa bách bệnh, Lê Thị Khoa đã lôi kéo được không ít người nhẹ dạ cả tin tham gia hội nhóm của mình.

Công an Thanh Hóa đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự nói chung, an ninh trật tự trên lĩnh vực tôn giáo nói riêng.

Đồng thời phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, giải thích, hướng dẫn cho các tầng lớp nhân dân hiểu rõ đâu là chính đạo, đâu là tà đạo và thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo theo quy định của pháp luật. Ở nhiều địa phương loại hình hoạt động tín ngưỡng trái pháp luật này đã được dẹp bỏ hoàn toàn, nhiều đối tượng cầm đầu không dám công khai hoạt động như trước.

Trần Lê