Đến với làng toàn hộ nghèo tại Đắk Nông

(Dân trí) - Tìm về xã Quảng Hòa (huyện Đắk G’long, Đắk Nông) nơi giáp ranh của 3 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng, tại đây những hộ nghèo chiếm đa số, nhiều thôn trong xã được gọi là thôn “3 không” – không điện, không nước sạch, không đường bêtông.

Theo thống kê của UBND xã Quảng Hòa, toàn xã đa số là các hộ nghèo, nhất là tại thôn 11 và 12 có 410 hộ dân trong đó số hộ nghèo chiếm đến 90%. Để đi được vào tận các thôn này phải vượt qua rất nhiều con đường đất đỏ, đầy bùn lầy, trơn trợt. May mắn, chúng tôi kịp quen với một thanh niên người dân tộc Mông tên Tráng A Dua (ngụ thôn 11, xã Quảng Hòa), anh nhiệt tình dẫn đường, phải mất hơn 2h đồng hồ, A Dua mới dẫn chúng tôi đi được tới dốc đá cao tít, cũng là đường độc đạo dẫn vào thôn.

thua-thot-dan-sinh-song-984a0
Buôn làng thưa thớt dân sinh sống

Trải qua những con dốc cao như dựng đứng, đường khúc khuỷu chỉ toàn là những tảng đá trơ trọi nhô lên khiến xe máy cũng phải vặn ga hết cỡ mới có thể qua được. “Mùa này đường còn dễ đi lắm, mùa mưa đến, đường lầy, đất bám chặt, xe máy đố mà qua nổi. Dân mình phải quấn xích vào bánh xe, mang ủng mới đi được đấy”, Tráng A Dua phì cười khi chúng tôi đang thở vào vì vừa chiến thắng được con dốc.

Xóm làng ở đây chẳng khác gì những bản vùng cao Tây Bắc tôi đã có dịp ghé qua. Trong xóm, những ngôi nhà chủ yếu được đóng bằng những tấm ván gỗ rồi lợp tôn, tranh, đót… . có những căn chỉ đan những tấm tre tạm bợ rồi lấy dây buộc lại cũng gọi là nhà nằm ven con đường đất đỏ ngoằn nghèo, đồi dốc khúc khuỷu.

 

nhung-can-nha-tam-bo-780be

Những căn nhà tạm bợ nơi trú ngụ của hàng trăm con người nơi đây

Tại làng, người dân cũng không biết đến điện lưới là gì? Cho chúng tôi xem chiếc bình mặt trời, anh Trương Văn Can (thôn 11) hào hứng: “Đây là thứ để phát điện duy nhất của nhà mình, chiếc bình này đầy thì bật bóng điện được 10 tiếng, xem tivi được hai tiếng là hết. Bình chỉ dùng được trong ngày nắng thôi, chứ ngày mưa thì chịu, dân mình nhà ai cũng dùng cái này hết”.

Mừng vì có tiền mua được cái bình điện mặt trời, nhưng chỉ ngày nắng thôi chứ vào mùa mưa, đất này mưa dầm mưa dề, nhà nào cũng ôm bình mà “méo mặt”. Những đêm mưa, mọi sinh hoạt đều rơi vào…bế tắc. “Rồi những khi trời tối con đau ốm, không có điện, đường lại khó đi vợ chồng mình người cõng, người bấm đèn pin đi mấy cây số đưa con tới trạm xá để chữa trị”, anh Can chia sẻ.

 

tre-em-noi-ban-lang-ngheo-7b4d7
Những đứa trẻ nơi bản làng nghèo

Không điện đã đành, ở đây nước cũng phải phụ thuộc vào trời. Nước ở đây khi ít thì trong, nhiều thì đục có hôm như nước vo gạo. Đến ngày mùa, người dân xịt thuốc cho hoa màu mưa xuống làm thuốc ngấm vào, người dân dùng phải lại ôm bụng chạy. “Đây là nguồn nước sinh hoạt chính của gia đình, phải lấy từ nguồn trên núi và dẫn xuống bằng ống nhựa. Biết nước không sạch nhưng không còn cách nào khác” , anh Lý Văn Diên (ngụ thôn 12) tâm sự.

Tìm đến nhà ông Dương Văn Dinh (trưởng thôn 11), ông cho biết nơi đây không có nước sạch, việc tìm con nước ở đây cũng rất khổ sở. Giếng đào sâu tận 80m chỉ dùng được một đến hai năm là nhiễm phèn, khoan xuống đến độ sâu 130m thì gặp đá bàn cứng, mũi khoan gãy hết. “Không điện, không nước sạch, đường đất lại khó đi, dân ở đây làm cái gì cũng khó vì thế nên cái nghèo cứ đeo đẳng mãi. Khổ nhất là những ngày mưa bão, nhà tốc mái, trời tối om, cả xóm chỉ toàn tiếng trẻ con khóc văng vẳng trong gió”, ông Dinh nghẹn ngào nói.

 

tre-em-di-lay-nuoc-cho-gia-dinh-3d01c

Trẻ em hằng ngày phải đi lấy nước sinh hoạt cho gia đình

Ông Vi Văn Thuộc - Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Hòa - cho biết: “Trong những năm qua xã cũng đã có nhiều đề nghị lên cấp trên yêu cầu hỗ trợ cho vùng đặc biệt khó khăn này. Do ở đây địa hình đi lại, di chuyển khó khăn nên kinh phí để đầu tư cho điện, đường, trường, trạm là rất lớn và cần nhiều thời gian. Vừa qua, xã đã thống nhất với huyện kết hợp cùng đơn vị điện lực Đắk Lắk, trong năm 2016 sẽ hạ bốn trụ điện, đồng thời sẽ nâng cấp đường đi, hệ thống nước sạch để cải thiện cuộc sống cho bà con”.

Chia tay thôn bản khi mặt trời chực khuất sau triền núi, hoàng hôn ở đây ảm đạm đến thê lương, tôi lại nhớ đến những câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan khi qua đèo Ngang cảnh chiều tà: “Lom khom dưới núi, tiều vài chú/ Lác đác bên sông, chợ mấy nhà”. Không biết, đến bao giờ cái nghèo mới chịu buông tha cho đất này.

Đức Cường – Thúy Diễm