Để nụ cười đẹp không chỉ là vẻ ngoài
Nụ cười đẹp thường mang đến vẻ tự tin cho mỗi người. Tuy nhiên, hàm răng đều đặn, sáng bóng chưa phải là dấu hiệu đầy đủ cho thấy chủ nhân đang có tình trạng sức khỏe răng miệng tốt. Cùng tìm hiểu về câu chuyện sức khỏe của một “gốc con người” với sự tư vấn của PGS. TS. BS Ngô Thị Quỳnh Lan - Trưởng khoa Răng Hàm Mặt, bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM.
Nhiều người cho rằng muốn biết sức khỏe răng miệng, chỉ cần nhìn vào nụ cười. Nghĩa là răng đều, trắng đẹp, nụ cười tươi đồng nghĩa với hàm răng chắc khỏe. Đây có phải là quan niệm đúng không, thưa bác sĩ? (Hoài Lan - Q.3, TP.HCM)
PGS. TS. BS Quỳnh Lan: Ông bà ta nói: “Cái răng, cái tóc là gốc con người” để nói lên tầm quan trọng của sức khỏe răng miệng đối với cuộc sống. Người có nụ cười tươi, thấy được hàm răng đều, trắng đẹp là người có khả năng có sức khoẻ răng miệng tốt, nhưng chưa có nghĩa là tốt hoàn toàn và sẽ luôn luôn tốt. Nụ cười chỉ cho thấy các răng trước, mà một bộ răng lành mạnh phải khỏe ở cả các răng trước lẫn các răng sau. Hơn nữa, dù các bệnh lý răng miệng như sâu răng, nha chu khi ảnh hưởng trực tiếp đến thẩm mỹ và chức năng thì đã ở giai đoạn trễ. Vì vậy, để có được hàm răng đẹp và chắc khỏe, bạn không nên bỏ qua bước khám răng định kỳ để phát hiện và điều trị sớm những bệnh lý răng miệng.
Tôi có dấu hiệu nhức răng khoảng 3 ngày trước khi tìm đến nha sĩ thì được cho biết đã bị sâu răng và viêm nướu khá nặng và điều trị rất tốn kém. Tuy nhiên trước đó, tôi hầu như không có dấu hiệu cảnh báo nào. Vậy làm thế nào để nhận biết răng miệng đang có vấn đề? (Cao Minh - Đông Anh, Hà Nội)
PGS. TS. BS Quỳnh Lan: Theo quan niệm hiện đại, sâu răng là một bệnh lý đa yếu tố (vi khuẩn, chế độ ăn, thói quen vệ sinh răng miệng, yếu tố cơ địa cá nhân, yếu tố kinh tế xã hội…), và bệnh tiến triển trong thời gian dài. Trong thời gian đầu, bệnh tiến triển âm thầm và bệnh nhân không nhận thấy có triệu chứng rõ rệt.
Tình trạng của bạn là bệnh sâu răng đã tiến triển trong thời gian dài, khi đã có dấu hiệu nhức răng thì chắc chắn tổn thương đã vượt quá phạm vi men răng, vào đến ngà răng và thậm chí có thể làm tổn thương tủy răng. Việc điều trị các tổn thương mức độ này khá phức tạp, chi phí cao và tốn thời gian.
Vì sâu răng có thể đã xuất hiện và tiến triển trong thời gian dài mà gần như không có triệu chứng rõ rệt nên chúng ta cần duy trì khám răng định kỳ 2 lần/năm để được phát hiện và điều trị bệnh lý răng miệng nào trong giai đoạn sớm.
Từ trước đến nay, răng của tôi hầu như rất đều đặn, không bị đau nhức, ê buốt hay vàng ố. Vậy tôi có cần phải đi khám răng định kỳ không? Nên khám răng định kỳ như thế nào? (Nguyễn Minh Thư - quận Gò Vấp, TP.HCM)
PGS. TS. BS Quỳnh Lan: Bạn có một hàm răng đều đặn, lành mạnh và đẹp là có một tài sản vô giá. Tuy nhiên, để duy trì tài sản vô giá đó cần dành thời gian chăm sóc và duy trì liên tục. Chuyên gia răng miệng khuyên nếu không có bệnh lý về răng miệng, cần duy trì việc khám định kỳ 2 lần/năm để được tư vấn duy trì sự chắc khỏe của răng. Trong trường hợp có bất kỳ khó chịu nào vùng răng miệng, cần đi khám ngay để được thảo luận phương pháp điều trị thích hợp và quan trọng nhất là bạn cần tuân thủ lịch điều trị mà bác sĩ RHM đưa ra.
Tôi nghe nói chế độ ăn uống cũng có thể ảnh hưởng đến răng. Xin bác sĩ cho biết cụ thể như thế nào? Làm thế nào để hạn chế sâu răng dù bản thân tôi cũng không hay ăn đồ ngọt? (Ngọc Quyên - quận 5, TP.HCM)
PGS. TS. BS Quỳnh Lan: Các nhà khoa học đã khuyến cáo nguy cơ của chế độ ăn chứa nhiều chất bột và đường, ngoài nguy cơ gây béo phì còn gây sâu răng nếu vệ sinh răng miệng không đủ và không đúng. Mức độ sâu răng, mòn ngót răng còn phụ thuộc vào cách sử dụng thức ăn, chẳng hạn uống nước ngọt và sau đó chải răng ngay sẽ ít gây tổn thương răng hơn là việc “nhấm nháp” từng chút một trong thời gian dài, khiến men răng bị “tấn công” liên tục bởi chất đường và ga, không đủ thời gian để tái khoáng men răng. Một thói quen khác tuy khiến ta “ngon miệng” nhưng lại có hại cho răng là thói quen ăn thật nóng mới ngon, uống thật lạnh mới đã. Hậu quả là khi chuyển quá nhanh từ nóng sang lạnh, men răng có thể gặp những vi nứt mà mắt thường khó nhận thấy. Những tổn thương này tích lũy theo thời gian và đến một lúc nào đó, nếu răng phải chịu lực cắn hay lực nhai mạnh hơn bình thường sẽ dễ bị vỡ hay mẻ.
Vì vậy, để hạn chế sâu răng, cần ăn uống một cách “thông minh”, chẳng hạn giảm lượng đường kính và thay bằng đường từ trái cây, giảm ăn vặt giữa bữa chính hay giữ thói quen ăn “nhấm nháp” chất đường bột. Quan trọng hơn, bạn cần tạo điều kiện cho răng được tái khoáng bằng cách chải sạch răng với kem có chứa Fluor, dùng chỉ nha khoa làm sạch vùng kẽ răng và dùng nước súc miệng để kiểm soát hững vùng bàn chải không đến được và làm sạch niêm mạc miệng.
Tôi cũng như nhiều người thường cho rằng sâu răng thì đơn giản chỉ cần đi trám, hoặc nặng quá có thể nhổ đi. Việc này có gây hậu quả và ảnh hưởng gì đến chất lượng sức khỏe răng miệng? (Minh Cường - quận 7, TP.HCM)
PGS. TS. BS Quỳnh Lan: Dù các tiến bộ y học hiện đại có thể giúp phục hồi gần như hoàn hảo các “mất mát” do bệnh lý của răng, nhưng hàm răng đẹp tự nhiên luôn là tài sản vô giá.
Việc “phớt lờ”, chậm điều trị sâu răng không chỉ gây đau đớn mà còn dẫn đến “mất răng” nếu thương tổn nặng nề, chẳng hạn mất chất răng không phục hồi được (lỗ sâu quá lớn, răng bị vỡ…) hoặc bị ổ mủ quanh chóp răng… Khi đó, không chỉ răng mất khó phục hồi mà các răng còn lại cũng bị trồi, xoay, dịch chuyển… làm xáo trộn khớp cắn, mất thẩm mỹ, giảm sức nhai hay thậm chí làm bệnh nhân đau khi ăn nhai, há miệng bị giới hạn hay đau, có tiếng kêu ở khớp khi há ngậm miệng…
Tất cả các bệnh lý sâu răng tuy không gây chết người nhưng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống, chi phí điều trị cao, trong khi phòng ngừa sâu răng thì không phức tạp và rẻ tiền, khả thi. Do vậy, phòng bệnh vẫn tốt hơn chữa bệnh.
Minh Tâm (theo PGS. TS. BS Ngô Thị Quỳnh Lan)
Bài viết được tài trợ bởi Johnson & Johnson Việt Nam