“Đầu năm trao Muối”: Khi hạt muối không chỉ chuyên chở vị mặn mà còn truyền tải thông điệp gắn kết yêu thương
(Dân trí) - Nếu là người Việt Nam, hẳn bạn đã từng nghe câu dân gian “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”. Theo quan niệm của người xưa, hạt muối đậm đà không chỉ đem lại may mắn mà còn là biểu tượng của tình cảm thắm thiết, mặn nồng.
Vì vậy, người Việt thường hay mua muối đầu năm với mong muốn một năm may mắn, gia đình hòa thuận, anh em keo sơn gắn bó nguyên năm.
Và tập tục đẹp đó đã được truyền tải một cách đẹp đẽ hơn nữa trong phim ngắn mùa Tết của Pepsi khi người ta không chỉ mua muối để cầu mong những điều tốt đẹp cho riêng gia đình mình, mà ý nghĩa hơn, còn trao tặng nhau những hạt muối đầu năm để nghĩa tình thêm keo sơn gắn bó.
Đầu năm trao muối thay cho lời chúc một năm may mắn, gia đình gắn bó, láng giềng keo sơn
Như lời nhắc nhở người trẻ về một giá trị truyền thống vốn rất đẹp nhưng đã dần bị lãng quên trong dòng chảy hối hả của những cái Tết hiện đại, “Đầu năm trao Muối” khiến 7 phút vội vã trong những ngày cuối năm bận rộn của mỗi người bỗng chốc trở nên chậm rãi hơn, quý giá và ý nghĩa hơn.
Từng thước phim khiến người xem phải thảng thốt giật mình khi chợt nhìn thấy hình bóng mình qua nhân vật Khang trong câu chuyện, thấy mình đã “ở trọ” trong chính gia đình mình bấy lâu nay mà mình chẳng hề hay biết. Và chính vì “ở trọ”, chúng ta dần đánh mất đi những mùa Tết đậm đà cùng phong tục đẹp đẽ của Tết xưa.
Ai cũng một thời từng như Khang – nhân vật người con trai trong câu chuyện đã từng rất háo hức mỗi độ xuân để được phụ cha chuẩn bị những bịch muối nhỏ đầu năm đi chúc Tết họ hàng lối xóm. Nhưng rồi ta lớn lên, ta sống cuộc sống hiện đại, ta để cho công nghệ cướp tâm trí mình ra khỏi những niềm vui ngày nhỏ.
Như Khang, ta bỗng thờ ơ và vô cảm với những giá trị truyền thống, xem nó là xưa cũ và lỗi thời mà không hề nhận ra, chính những truyền thống đẹp đẽ ấy lại là chất keo kết nối gia đình biết bao thế hệ.
Hình ảnh con trai cùng bố bỏ muối vào bịch, chuẩn bị đi chúc Tết mọi người mới ấm áp, đậm đà làm sao! Nhưng rồi theo năm tháng, khi quá chú tâm vào thế giới riêng của mình, Khang đã xem đó là những việc làm thừa thãi, vô nghĩa. Từ đó, Khang dần xa cách chính gia đình mình mà chẳng mảy may để ý, cũng đã lâu lắm rồi, hình như mình chỉ là “khách trọ” trong chính căn nhà mình.
Khang đại diện cho những người trẻ như ta vậy, bị xã hội hiện đại cuốn đi, để rồi với thân phận “khách trọ” trong gia đình, ta làm gì thấy Tết! Thế nên mỗi năm, ta lại cứ than “Tết sao nhạt quá!”. Phải rồi, Tết nhạt, Tết chán vì chính chúng ta đấy.
Chính ta, những người trẻ yêu thích kết bạn bốn phương, hóng hớt drama từ Âu sáng Á, từ Úc sang Phi, nhưng cả ngày lại chẳng nói chuyện được với bố mẹ một câu. Những người trẻ chuyện gì cũng biết, từ chuyện quốc gia ra chuyện thế giới, chỉ có chuyện nhà là không biết.
Chính thói quen ấy làm người trẻ mất dần cảm xúc, mất dần “vị muối”. Chỉ đến khi trải qua những khó khăn của cuộc đời mới hiểu hết giá trị của “muối mặn gừng cay”, mới thấy quý trọng những hạt muối trao đi trong những mùa Tết cũ, mới thấu tình cảm gia đình quan trọng nhường nào.
Vì thế, Tết này, đừng trở thành người vô hình trong chính gia đình mình, hãy bỏ điện thoại xuống, gấp máy tính lại và kết nối cùng những người xung quanh để mở một cái Tết thật đậm đà, ấm áp.
“Chúc bạn và gia đình sẽ có một mùa Tết thật ý nghĩa và đừng quên trao đi những hạt muối đầu năm để nhắc nhở nhau sống trọn vẹn một năm thật đậm đà, gắn bó bạn nhé!” - Vũ Ngọc Đãng, đạo diễn