Quảng Bình:

Dân nghèo ở xã bãi ngang giàu lên nhờ trồng rau

(Dân trí) - Nhờ phát triển các mô hình trồng rau, nhiều hộ dân tại thôn Tú Loan 3, xã Quảng Hưng, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình không những thoát nghèo, mà còn có cơ hội vươn lên làm giàu từ chính trên mảnh đất cồn cát đầy nắng và gió của quê hương.

Xã Quảng Hưng là một xã bãi ngang thuộc diện khó khăn của huyện Quảng Trạch, toàn xã có diện tích tự nhiên trên 2.000ha, chủ yếu là đất pha cát, rất khó khăn trong việc canh tác nông nghiệp. Những năm gần đây, người dân ở nhiều thôn thuộc xã Quảng Hưng đã phát triển mô hình trồng rau, chuyển đổi nhiều diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại rau màu, chăn nuôi gia cầm kết hợp thả cá và thực sự đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thôn Tú Loan 3 là một trong nhưng thôn điển hình, đi đầu trong phong trào phát triển mô hình trồng rau sạch, đưa rau xanh trở thành kinh tế mũi nhọn của nhiều hộ gia đình. Hiện toàn thôn có 350 hộ dân và hầu hết đều mưu sinh bằng nghề trồng rau, cũng nhờ vậy mà nhiều gia đình đang từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Dân nghèo ở xã bãi ngang giàu lên nhờ trồng rau - 1
Nhờ vào các mô hình rau xanh, nhiều gia đình đang từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Nhờ vào các mô hình rau xanh, nhiều gia đình đang từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Bùi Văn Hiền, Trưởng thôn Tú Loan 3 cho biết, thôn này trước đây là một vùng đất cồn bãi, khô cằn rất khó để phát triển nông nghiệp, người dân chủ yếu trồng khoai và cỏ để chăn nuôi. Nhiều năm trở lại đây, người dân địa phương bắt đầu thử nghiệm với các loại rau, màu, và khi thấy hiệu quả, nhiều gia đình đã mở rộng mô hình để làm kinh tế.

“Người dân thôn này trồng rau thì cũng lâu rồi, nhưng trồng đại trà và có mô hình phát triển quy mô và để làm kinh tế thì chỉ mới được 3 đến 4 năm nay, rau thực sự đã đưa đời sống của người dân đi lên, các hộ nghèo, khó khăn của thôn cũng đã giảm đi rất nhiều”, ông Hiền cho hay.

Với diện tích gần 7.000m2 diện tích trồng rau màu với đủ các loại như mồng tơi, cải, cúc, dưa chuột và cả những giàn hoa thiên lý, mỗi năm gia đình chị Phạm Thị Thuận (SN 1977), tại thôn Tú Loan 3 thu về khoảng 300 triệu đồng, đây chính là nguồn thu nhập chủ lực giúp gia đình chị phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Việc trồng rau xanh cung ứng ra thị trường giúp nhiều gia đình có thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng
Việc trồng rau xanh cung ứng ra thị trường giúp nhiều gia đình có thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng

“Cũng vì trồng lúa không hiệu quả, trong khi đất vườn rộng nên tui mới thử trồng rau, mới làm thì cũng khó khăn lắm, nhưng dần dần nhờ cải tạo được đất nên cũng dễ làm hơn. Từng bước thấy hiệu quả nên gia đình tui mới mở rộng diện tích, tìm hiểu các mô hình rau để nâng cao hiệu quả. Thị trường rau, củ cũng ổn định, xong vụ là các thương lái đến tận vườn mua nên cũng rất thuận lợi”, chị Thuận chia sẻ.

Chỉ với những vườn rau tự phát ban đầu, giờ đây thôn Tú Loan 3 đã trở thành một làng hoa màu có tiếng, thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân. Đây là kết quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thành quả của sự cần cù và khối óc sáng tạo của người dân, biến vùng đất cát cằn cỗi trở thành những vựa rau xanh mướt, giúp nhiều gia đình có thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng.

Hệ thống tưới nước của một hộ dân tại thôn Tú Loan 3 giúp giảm công sức lao động.
Hệ thống tưới nước của một hộ dân tại thôn Tú Loan 3 giúp giảm công sức lao động.

Nhận ra sự hiệu quả của việc phát triển mô hình trồng rau và với quyết tâm làm giàu trên đất cát, nhiều hộ dân tại thôn Tú Loan 3 đã học hỏi kinh nghiệm, mở rộng diện tích cũng như áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều gia đình đã đầu tư máy móc, hệ thống tưới nước tự động để nâng cao hiệu quả.

Là một hộ gia đình đi đầu trong việc lắp đặt hệ thống tưới nước tự động, với diện tích trên 1.500 m2 được phủ xanh bằng các loại rau và đặc biệt là dưa leo, năng suất lao động của gia đình chị Nguyễn Thị Minh (SN 1970) tại thôn Tú Loan 3 đã được nâng lên gấp nhiều lần.

Nhận thấy sự hiệu quả trong trồng rau, anh Trần Minh Tấn, tại thôn Tú Loan 3 đã mở rộng diện tích, đầu tư máy móc để sản xuất.
Nhận thấy sự hiệu quả trong trồng rau, anh Trần Minh Tấn, tại thôn Tú Loan 3 đã mở rộng diện tích, đầu tư máy móc để sản xuất.

“Trước đây trồng dưa khó lắm, hay bị bệnh vì sương muối nên tui đã đầu tư hệ thống tưới nước này với chi phí hơn 10 triệu đồng, nhờ vậy mà gia đình tui giảm được công sức lao động và cũng hiệu quả hơn, với giá thành như hiện nay mỗi vụ dưa tui cũng thu về được hơn 30 triệu”, chị Minh nói.

Với những nỗ lực của người dân trong việc phát triển kinh tế mà chủ yếu dựa vào rau màu, đời sống của các hộ dân tại vùi đất khô cằn của xã Quảng Hưng đang ngày được nâng lên, từng bước ổn định cuộc sống và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương đầy cát và gió.

Bài, ảnh: Tiến Thành