Đắk Nông: Cận Tết Nguyên đán, rượu cần lại chuẩn bị “du xuân”
(Dân trí) - Mỗi ché rượu giá thấp nhất là 250.000 đồng, nhiều gia đình người M’Nông, Mạ tại Đắk Nông có thu nhập cả trăm triệu đồng nhờ bán rượu cần dịp tết. Nhiều năm nay, loại rượu đặc trưng này đã ngược Bắc, vô Nam mang thêm hương vị mới lạ cho ngày tết cổ truyền.
Những ngày này, nhà chị H’Brêm (buôn Tinh Wel Đơm, xã Đắk Nia, TX. Gia Nghĩa) tấp nập người ra vào đặt mua rượu cần đón tết. Người ít thì mua một hai ché (loại bình gốm chuyên để đựng rượu cần), người nhiều thì cả chục nên ngày nào gia đình chị cũng phải cắt cử người ở nhà để nhận đơn hàng của khách.
Theo chị H’Brêm, rượu cần là thức uống truyền thống của người đồng bào Mạ, M’Nông tại xã Đắk Nia. Ban đầu rượu chỉ được làm để phục vụ nhu cầu của gia đình hoặc trong các lễ hội của buôn làng. Tuy nhiên, nhiều năm nay do có nhiều người tìm đến hỏi mua nên gia đình chị làm với số lượng lớn, đặc biệt vào dịp cuối năm, số lượng lên đến vài trăm ché.
Gần 20 năm kể từ ngày đầu tiên được bà, được mẹ truyền cho công thức nấu rượu, chị H’Brêm không nhớ nổi mình đã làm được bao nhiêu ché rượu. Thứ duy nhất mà người mẹ hai còn này nhớ đó chính là “bí kíp” làm nên một thứ rượu ngon.
“Rượu hoàn toàn tự nhiên, nên từ mấy tháng trước, mình phải vào rừng lấy rễ doong (một loại cây thân leo, rễ cây màu vàng nghệ), về phơi khô để làm thành men. Gạo nếp, sắn, bắp… được nấu chín, làm tơi ra để nguội. Men rượu giã nhỏ, trộn đều với nếp, qua một đêm, mở ra thấy có mùi thơm ngào ngạt thì cho vào ché, lấy lá chuối khô đậy lại rồi mang đi ủ. Khoảng một tháng sau là rượu chín, nhưng để càng lâu thì càng thơm ngon, nước rượu càng ngọt, nồng chứ không bị chua hay đắng”, chị H’Brêm chia sẻ
Hơn một tháng nay, gia đình bà Thị Ai (buôn Bu Kóh, xã Đắk R’tíh, huyện Tuy Đức) cũng tất bật chuẩn bị rượu cần để giao cho khách. Bà bảo, mấy năm nay nghề nấu rượu cần được hồi sinh, không chỉ người đồng bào mà cả khách Sài Gòn, Lâm Đồng, Cần Thơ... cũng đến đây mua rượu.
Theo người phụ nữ M’Nông này, mỗi năm gia đình bà ủ từ 300- 500 ché rượu cần trước tết 2 tháng để rượu đủ độ chín, nước rượu ngọt và vị cay cay nhẹ nhàng. Đối với ché rượu nhỏ (10 lít) bà bán 250.000 đồng/ 1 ché, còn đối với ché lớn (50 lít) có khi lên đến 2 triệu đồng /1 ché. Riêng những ché rượu được ủ hơn 1 năm, nước rượu vàng và ngọt như mật ong, mỗi ché rượu 10 lít giá bán cũng gần 2 triệu đồng.
Bà lão tâm sự: “Mấy năm làm rượu bán tết nên cũng đủ cho con cái đi học. Hôm trước cán bộ xã có nói tôi làm thủ tục đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm ruợu cần của gia đình để bán được nhiều hơn. Toàn bộ được nấu, ủ thủ công theo công thức của người M’Nông nên đảm bảo giữ đúng mùi vị truyền thống của loại rượu này.”
Hiện nay, rượu cần Đắk Nông chưa tạo dựng được thương hiệu riêng, nhưng nhờ cách ủ truyền thống cùng với men rượu đặc trưng nên được nhiều khách hàng gần xa biết đến. Vào dịp lễ tết, thị trường rượu cần lại càng nhộn nhịp, nhiều gia đình, dân văn phòng đặt mua để làm quà biếu hoặc thưởng thức.
Bà H’Rum, chủ cơ sở phân phối rượu cần Grum (xã Đắk Nia, TX. Gia Nghĩa) cho biết, rượu cần ở đây được bán quanh năm, phần lớn là khách bên Lâm Đồng, Bình Thuận, Sài Gòn, Đồng Nai tới mua. Rượu cần vào mùa, buôn bán đắt khách nhất là dịp cuối năm, cận tết bởi nhiều người có nhu cầu thưởng thức hoặc làm quà biếu.Trung bình mỗi năm bà bán khoảng 500 ché rượu, riêng tháng cuối năm cũng bán được gần 300 ché.
Tuy nhiên, theo bà H’Rum năm nay mưa nhiều, người nấu rượu không phơi được ché (thông thường để làm rượu cần, ché phải được phơi nắng 5 ngày liên tục) lượng rượu bà nhập về ít nên bà phải nấu thêm để đáp ứng nhu cầu thị trường. “Ngoài rượu được nấu bằng men củ doong, củ giềng rừng thì tôi còn ủ thử rượu cần bằng men vỏ cà phê. Đây là công thức riêng mà người già trong xã sáng chế ra, nhưng rượu vẫn đảm bảo thơm, ngọt đúng vị truyền thống”, bà H’Rum nói.
Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Nông thì từ lâu, ché rượu cần đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng không thể thiếu của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Những năm gần đây, tiếng vang của rượu cần của các dân tộc ở Đắk Nông được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến. Trong các hội thi, hội diễn hay liên hoan văn hóa, văn nghệ toàn quốc, hình ảnh ché rượu cần Đắk Nông đã được quảng bá rộng rãi nên ngày càng nhiều người tìm mua loại rượu này để dùng.
Dương Phong