Daikin chú trọng phát triển thị trường Việt

(Dân trí) - Nhà máy điều hòa không khí hiện đại nhất Daikin được xem như là hình mẫu cho các nhà máy khác trên thế giới

Năm 2018 toàn thị trường Việt Nam cần khoảng hai triệu máy điều hòa, tăng hơn hai lần so với mức chỉ 917.000 máy năm 2012, theo Statista. Về giá trị, TechSci Research ước tính thị trường điều hòa Việt Nam trị giá 1,36 tỷ USD. Quy mô sẽ tăng trung bình 10% mỗi năm lên mức 2,46 tỷ USD vào năm 2023, đưa Việt Nam vào nhóm thị trường máy điều hòa hấp dẫn nhất châu Á.

Động lực thúc đẩy tăng trưởng của thị trường đến từ nhu cầu cao ở các phân khúc: thương mại, dân dụng và nhà hàng - khách sạn. Các điều kiện thuận lợi về môi trường đầu tư, chính sách thúc đẩy phát triển hạ tầng và sự nở rộ của thương mại điện tử cũng giúp thị trường sôi động hơn. 

Trong bối cảnh đó, Daikin - một trong những thương hiệu điều hòa lớn nhất Nhật Bản đã gia tăng rót vốn vào Việt Nam. Giữa năm 2018, nhà máy Daikin Việt Nam chính thức vận hành tại khu công nghiệp Thăng Long II, Hưng Yên đánh dấu bước nhảy vọt về năng lực sản xuất của tập đoàn. Nhà máy đồng thời mở ra "kỷ nguyên" sản xuất điều hòa trên dây chuyền công nghệ hiện đại bậc nhất thế giới của Daikin.

Daikin chú trọng phát triển thị trường Việt - 1
Daikin - Nhà máy sản xuất máy điều hoà không khí có quy mô lớn nhất Việt Nam

Sức mạnh từ công nghệ và năng lực sản xuất

Nhà máy có diện tích 28.000 m2 xây dựng trên khu đất 210.000 m2 thuộc khu công nghiệp Thăng Long II, Hưng Yên với một dây chuyền hai ca lắp ráp chính và các dây chuyền phụ trợ hiện đại.

Nhà máy Daikin Việt Nam là nhà máy Daikin đầu tiên trên thế giới lắp đặt dây chuyền theo dạng module với công nghệ tiên tiến nhất và được xem là tiêu chuẩn cho các dây chuyền tiếp theo của tập đoàn trên toàn cầu. Dây chuyền theo module cho phép lắp đặt sản xuất dễ dàng và linh hoạt, mở đường cho việc cập nhật công nghệ mới, từ đó liên tục đổi mới để tiếp cận dây chuyền sản xuất hiện đại nhất.

"Với kinh nghiệm làm việc tại nhiều nhà máy Daikin trên thế giới, tôi có thể khẳng định rằng Daikin Việt Nam không thua kém bất kỳ nhà máy nào khác", ông Ogami Noriyoshi - Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc nhà máy Daikin Việt Nam nhấn mạnh.

Từ khâu cấp linh kiện đầu vào đến sản phẩm hoàn thiện xuất ra kho đều được vận chuyển tự động bằng hệ thống xe tự hành AGV và băng chuyền hiện đại. Việc lưu chuyển thông tin hay chỉ thị sản xuất từ khâu sản xuất linh kiện đến sản phẩm hoàn thiện cũng hoàn toàn tự động, thông qua cảm biến và cổng giao tiếp kết nối vào hệ thống điều hành chính. Nhà máy cũng thực hiện đúc nhựa, gia công ống đồng bằng máy CNC tự động, từ việc cắt, loe, uốn đến hàn tự động...

Daikin chú trọng phát triển thị trường Việt - 2
Ông Takahashi Mitsuo - Giám đốc Sản xuất nhà máy Daikin Việt Nam

Ông Takahashi Mitsuo - Giám đốc Sản xuất nhà máy Daikin Việt Nam cho biết nhà máy không chỉ đồng nhất các phương pháp sản xuất theo chuẩn của Daikin quốc tế mà còn áp dụng nhiều công nghệ mới, tiêu biểu là hệ thống Internet vạn vật (IoT) trong quản lý sản xuất.

Tất cả các module trên dây chuyền cũng như các công đoạn kiểm tra đều kết nối Internet, từ đó dữ liệu về sản xuất cũng như chất lượng liên tục được cập nhật và chia sẻ đến cấp quản lý, hỗ trợ dự báo lỗi sớm, ứng phó nhanh và đề xuất phương hướng cải tiến. Khi có lỗi xảy ra, dây chuyền sẽ tự động dừng sản xuất và thông báo cho đội ngũ giám sát.

Điều này giúp ban điều hành nhà máy kiểm tra chất lượng ngay tại dây chuyền sản xuất và phản ứng kịp thời mà không phải đợi đến khi có thành phẩm mới thực hiện, đảm bảo hoàn thành mục tiêu không có sản phẩm lỗi nào đến tay khách hàng. Công nghệ tự động hóa và IoT còn giúp giảm thiểu lỗi sản xuất liên quan đến con người, đảm bảo chất lượng sản phẩm cao, ổn định.

Daikin Việt Nam cũng là một trong số ít nhà máy của tập đoàn lần đầu áp dụng hệ thống camera cho việc kiểm tra chất lượng sản phẩm. Công nghệ và dây chuyền hiện đại đảm bảo quy trình sản xuất chính xác, an toàn, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng "chuẩn Nhật”.

"Nhà máy hiện đại nhất Daikin toàn cầu được xem như là hình mẫu cho các nhà máy khác trên thế giới", ông Takahashi Mitsuo khẳng định.

Chiến lược bứt phá 

Nhà máy Daikin Việt Nam là một trong những hạng mục đầu tư quan trọng nhất của tập đoàn tại Đông Nam Á. Vốn đầu tư 8 tỷ yên, tương đương gần 72 triệu USD cho phép nhà máy ứng dụng những công nghệ và dây chuyền sản xuất hiện đại bậc nhất thế giới, tạo bước đệm đủ vững chắc để Daikin nhanh chóng mở rộng thị phần tại Việt Nam. Song song, đây sẽ là cơ sở quan trọng để phục vụ chiến lược phát triển "Fusion 20".

"Fusion 20" công bố vào năm 2016 vạch ra định hướng, trong giai đoạn 2016-2020, tập đoàn phải đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu 50%, kiếm về ít nhất 3.000 tỷ yên, tương đương 24 tỷ USD. Những con số này chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Bắc Mỹ và châu Á, trong đó việc đưa vào vận hành nhà máy Daikin Việt Nam là một bước ngoặt lớn giúp đẩy nhanh tăng trưởng.

Đây cũng là nhà máy có tốc độ sản xuất nhanh nhất của Daikin: cứ 25 giây hoàn thành một sản phẩm, hiện đạt mục tiêu công suất 500.000 sản phẩm một năm. Sau khi lắp đặt thêm các dây chuyền mới, dự kiến công suất tới một triệu bộ sản phẩm một năm. Ước tính mỗi sản phẩm phải trải qua 300 bước kiểm tra từ khâu nhập nguyên liệu đầu vào cho đến khi hoàn thành thành phẩm.

Daikin chú trọng phát triển thị trường Việt - 3

Hình ảnh nhân viên tại nhà máy đều hô vang khẩu hiệu "Yoshi" để bắt đầu ngày làm việc hiệu quả

Tại nhà máy Hưng Yên, Daikin còn xây dựng trung tâm đào tạo dự kiến sẽ là nơi nâng cao năng lực cho hàng nghìn nhân viên mỗi năm, song song với các chương trình đào tạo thường xuyên triển khai của tập đoàn. Thêm vào đó, nhà máy còn tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân trong khu vực và đóng góp những công nghệ tiên tiến nhất cho xã hội.

Trong tương lai, doanh nghiệp cam kết tiếp tục cải tiến để mang lại giá trị tốt nhất cho cộng đồng. Hiện nhà máy dự định mở rộng và tăng công suất gấp nhiều lần, đồng thời sản xuất thêm các dòng điều hòa thương mại cũng như hướng tới xuất khẩu nhằm thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ tại châu Á.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm