Đại chiến tiếng ồn chung cư: Khổ vì nhảy dân vũ, đau đầu vì đấu bóng chuyền

Hồng Anh

(Dân trí) - Nhiều người mua chung cư ở tầng thấp để đề phòng cháy sẽ nhanh chạy thoát, nhưng không ngờ lại hứng trọn tiếng ồn từ mặt đất, tiếng xe cộ và đặc biệt là âm thanh từ hoạt động dân vũ, thể thao.

Sáng aerobic, chiều karaoke

20h, khi cả nhà chị Hồ Thu Thảo (35 tuổi) ăn xong bữa tối cũng là lúc chiếc loa kẹo kéo dưới sảnh chung cư vang lên tiếng hò ca của các bậc cao niên.

Chị Thảo vội giục con đóng chặt tất cả các cửa sổ, cửa ra logia. Dẫu vậy, tiếng nhạc phía dưới chỉ nhỏ đi chứ không dứt hẳn, thi thoảng chị vẫn nghe thấy những giọng ca nghiệp dư lên cao vun vút theo từng nốt nhạc.

Gia đình chị Thảo sống ở một khu chung cư thuộc huyện Hoài Đức, Hà Nội. Chị mua căn hộ này 6 năm trước với số tiền hơn 1 tỷ đồng. Lần đầu tiên đi mua chung cư, vợ chồng chị Thảo chưa có kinh nghiệm, nghĩ chọn căn ở tầng thấp để tiện di chuyển và nhất là dễ thoát nạn khi có cháy.

Khu chung cư của chị Thảo có 5 tầng thương mại, tầng thứ 6 trở lên là nơi ở của các cư dân. Vợ chồng chị Thảo chọn mua căn hộ ở tầng 6.

"Mua rồi mới thấy mình dại vì chọn căn hộ ở thấp quá. Sống ở tầng 6, tôi hứng trọn mọi tiếng ồn từ mặt đất, tiếng xe cộ, tiếng máy móc thi công", chị Thảo kể.

Đại chiến tiếng ồn chung cư: Khổ vì nhảy dân vũ, đau đầu vì đấu bóng chuyền - 1

Người dân đô thị thiếu không gian hoạt động thể dục thể thao (Ảnh minh họa: Hồng Anh).

Đặc biệt mấy năm gần đây, hoạt động thể thao dân vũ, hát karaoke loa kẹo kéo nở rộ. Những cư dân ở chung cư nơi chị Thảo sinh sống cũng nhanh chóng "bắt kịp xu thế".

Buổi sáng nhiều người mở nhạc nhảy areobic, nhảy dân vũ, tối đến lại cùng nhau ngồi hát karaoke ngay dưới sảnh chung cư khiến không ít cư dân cảm thấy phát phiền.

"Âm thanh từ các hoạt động văn nghệ, thể thao ảnh hưởng không nhỏ đến các sinh hoạt, học tập và giờ nghỉ ngơi của các gia đình.

Chúng tôi đã ý kiến lên ban quản lý để họ nhắc nhở các nhóm hoạt động. Nếu muốn mở nhạc to hoặc sinh hoạt văn nghệ các dịp lễ tết, các nhóm buộc phải vào phòng sinh hoạt cộng đồng", chị Thảo cho hay.

Dù đã chấn chỉnh song đôi khi các hoạt động văn nghệ vẫn phát sinh một cách ngẫu hứng. Buổi sáng nhiều người vẫn tham gia aerobic, dân vũ... Vì không thể chuyển chỗ ở nên người phụ nữ này đành chấp nhận cảnh "sống chung với lũ".

Đôi tai bị tra tấn, chỉ muốn lao ra khỏi nhà

Anh Trần Việt Hoàn (có nhà chung cư ở quận Thanh Xuân) cho biết, nơi anh sinh sống có khoảng sân rất rộng. Tuy nhiên, cứ đến chiều tối lại xảy ra cuộc đại chiến âm thanh khi các hội nhóm thể dục, thể thao lại túa ra nhảy múa, vận động.

"Người tập thì khỏe khoắn, thư thái nhưng những hộ kinh doanh ở tầng 1 và các hộ dân sống ở tầng thấp thì lĩnh đủ. Tiếng nhạc chát chúa nghe vô cùng chói tai. Các hội nhóm ngày một đông, lấn cả diện tích vui chơi của con trẻ", anh Hoàn nói.

Chị Nguyễn Thị Hà (sinh sống ở chung cư HH Linh Đàm, Hoàng Mai) vẫn lắc đầu ngao ngán khi nhắc đến câu chuyện mở nhạc đám ma át loa karaoke của dân cư nơi mình sinh sống.

Chị cho biết, đó chỉ là một trong rất nhiều tình huống bi hài gây ô nhiễm tiếng ồn ở khu mình sinh sống.

Theo chị Hà, nơi chị sinh sống có nhiều tòa nhà, là một trong những khu đông dân bậc nhất Hà Nội.

Nơi đây tập trung nhiều người già, người làm thuê, giúp việc hoặc các ông bà hỗ trợ con cái chăm sóc cháu. Buổi sáng và buổi tối, họ thường tụ tập cùng nhau hát hò, nhảy múa, tập luyện thể dục thể thao.

Đại chiến tiếng ồn chung cư: Khổ vì nhảy dân vũ, đau đầu vì đấu bóng chuyền - 2

Nhiều người sử dụng loa kẹo kéo để hát hò, tập nhảy trong các khu dân cư (Ảnh minh họa: Toàn Vũ).

 "Có thời điểm, cứ đến 5h30 là tôi lại tỉnh giấc bởi tiếng bóng chuyền thình thịch, tiếng đập tay hò reo mỗi lần ăn điểm… Chồng tôi bảo, chẳng cần đặt báo thức bởi đã có người khác gọi dậy đều đặn mỗi sáng rồi", chị Hà kể.

Hoạt động thể dục thể thao, văn nghệ diễn ra vào sáng sớm lẫn chiều tối gây ồn ào, phiền toái cho các cư dân sống ở căn hộ tầng thấp.

Cư dân nhiều lần đã nêu ý kiến bất bình với ban quản lý tòa nhà. Tuy nhiên, câu chuyện ô nhiễm tiếng ồn ở chung cư dường như không thể giải quyết triệt để.

Sống ở gần một nhà văn hóa thuộc xã Tam Hiệp, Thanh Trì, chị Nguyễn Thị Hương cho biết, khả năng chịu tiếng ồn của gia đình chị đã tăng lên nhiều năm qua.

Chị Hương thở dài: "Khi tập nhảy mọi người thường không mở nhạc đủ nghe mà khi nào cũng mở thật to. Có lẽ họ thấy nhạc to thì nhảy sẽ hăng hơn, khí thế hơn.

Tuy nhiên, họ không biết làm vậy là ảnh hưởng đến đời sống của người khác. Chúng tôi khi họp dân cư của khu đã ý kiến nhiều nhưng mọi hoạt động chỉ vào khuôn khổ được vài ba bữa rồi đâu lại vào đấy".

Có thể thấy, trong các loại ô nhiễm tiếng ồn thì ô nhiễm tiếng ồn ở khu dân cư gây nhiều phiền toái cho người dân nhất. Bởi mỗi người sau một ngày dài lao động mệt mỏi chỉ muốn được nghỉ ngơi thư giãn nhưng đôi tai lại bị tra tấn bởi tiếng ồn của những hàng xóm cùng khu. Nhiều người nói chỉ muốn lao ra khỏi nhà cho khỏi bức bối.

Đại chiến tiếng ồn chung cư: Khổ vì nhảy dân vũ, đau đầu vì đấu bóng chuyền - 3

Mỗi người dân nên có ý thức tránh gây ô nhiễm tiếng ồn khi tham gia các hoạt động dân vũ, thể thao văn nghệ tập thể (Ảnh minh họa: Hồng Anh).

Tiếng ồn trở thành tác nhân ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống và sinh hoạt của cộng đồng dân cư đô thị.

Theo PGS. TS. BS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế), ô nhiễm tiếng ồn ngày càng trở nên trầm trọng tại các đô thị.

Tiếng ồn trở thành tác nhân ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống và sinh hoạt của cộng đồng dân cư đô thị.

Theo Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, tiếng ồn gây mệt mỏi toàn thân, nhức đầu, choáng váng, ăn không ngon, gầy yếu, mất ngủ, suy nhược cơ thể. Về tâm lý, tiếng ồn gây khó chịu, lo lắng, bực bội, dễ cáu gắt, ám ảnh, mất tập trung, dễ nhầm lẫn.

Tiếng ồn còn có thể làm giảm sức đề kháng của cơ thể, tăng khả năng mắc các bệnh tâm thần, tim mạch, tăng tỷ lệ mắc hội chứng dạ dày, tá tràng, rối loạn tiêu hóa...