Cybrog - cư dân tương lai của Địa cầu
(Dân trí) - Trái đất sẽ bị thao túng dưới tay những sinh vật nửa ngưởi nửa máy? Quả là một ý nghĩ hoang tưởng và điên rồ. Tuy nhiên với tốc độ lạm dụng máy móc đến mức phụ thuộc như hiện nay, viễn cảnh cybrog nhan nhản khắp địa cầu dự đoán sẽ chẳng còn xa xôi là mấy.
Theo tiến sĩ tâm lý Frank E. Pollick, vào lúc này đây chưa ai dễ chấp nhận việc chia sẻ cơ thể và linh hồn với những cỗ kim loại băng giá. Tuy vậy một cách lặng lẽ và âm thầm, chúng ngày càng tăng cường hiện diện trên mọi mặt đời sống cho đến khi có thể biến con người thành nô lệ
“Năm 2050, robot sẽ trở thành cánh tay cộng tác không thể thiếu: lau dọn nhà cửa, sắp xếp tài liệu văn phòng, chăm sóc bệnh nhân, thay con người thực hiện những công việc nguy hiểm”.
Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Focus của Đức, Giáo sư Stiven Hoking đưa ra cảnh báo: trong tương lai không xa công nghệ máy tính sẽ vượt qua tầm khả năng và trí tuệ của con người. Cứ sau 18 tháng, năng lực của máy tính lại được nâng cấp gấp đôi, do đó không thể loại trừ khả năng chúng sẽ phát triển một trí tuệ nhân tạo và chiếm lĩnh thế giới.
Theo lời Hoking, công nghệ gen là một cách thức tiến hóa mới của con người. Rồi đây, những siêu nhân có trí tuệ siêu việt và sức mạnh vượt trội hơn hẳn người thường sẽ không chỉ còn là điều huyễn hoặc trong phim ảnh. Để kiến tạo nên được những “tác phẩm kinh điển” như vậy, nhân loại không còn cách nào khác là phát triển một hệ thống kết nối trực tiếp giữa bộ não sinh học và máy tính, “nhằm tạo ra trí tuệ nhân tạo biết phục vụ chu đáo, tận tụy và không phản bội lại con người”.
Giới chuyên gia cũng tỏ ra đồng tình: kết hợp máy móc vào cơ thể sống giúp con người chống chọi sự khắc nghiệt của cuộc sống dễ dàng hơn, đặc biệt đối với người bệnh tật.
Bản thân Giáo sư Steve Mann người Canada cũng là một “cybrog” trong suốt 20 năm qua. Cơ thể ông luôn trong tình trạng kết nối với máy tính, một số thiết bị cảm ứng được cấy dưới da, mắt lúc nào cũng đeo cặp kính hiển thị dữ liệu. Nhờ bộ máy, đi trên đường phố Steve không bao giờ phải lọt vào tầm mắt những biển hiệu quảng cáo lòe loẹt. Chúng được tự động “chèn” bằng những trang sách báo, tạp chí vui vẻ và hữu ích hơn nhiều.
Anh bạn điện tử của Steve còn có khả năng nhận diện khuôn mặt từng người, sau đó hiển thị những thông tin quan trọng (với điều kiện trong bộ nhớ có lưu hình ảnh và dữ liệu về người đó). Máy tính giờ đã trở thành một bộ phận không thể thiếu trong cơ thể và trong cuộc sống của Steve.
Một nhà nghiên cứu khác - giáo sư bộ môn điều khiển học Kevin Warwick - cũng thực sự đam mê được trở thành cybrog. Sau một vài ca phẫu thuật, giờ đây hệ thần kinh của ông đã được kết nối với các vi mạch máy tính. Các bác sĩ cũng đã cấy một con chíp vuông bằng silicon vào cổ tay trái Kevin. Thiết bị cảm ứng này bao gồm hơn 100 điện cực, cái nào cái nấy nhỏ và mảnh như sợi tóc.
Thông tin từ bộ cảm ứng sẽ được chuyển lên trung tâm tiếp nhận, từ đây các bức thông điệp về hệ thần kinh được phát đi bằng công nghệ “không dây”, đến đích cuối cùng là máy tính đặt trong phòng nghiên cứu thuộc một bệnh viện ở Oxford.
Lần đầu tiên trong lịch sử loài người, những động tác “tầm thường” nhất trên cơ thể con người, như một cái ngoắc tay, một nhát giật mình..., được mã hóa và lưu lại trong bộ nhớ máy tính.
Giới nghiên cứu hy vọng, những thí nghiệm trên sẽ mở đường cho cuộc cách mạng về phương thức điều trị bệnh nhân bại liệt chấn thương tủy sống, và trên cấp độ cao hơn, sẽ là đội quân tiên phong khai phá “nền văn minh cybrog” cho Địa cầu những thế kỷ sau này.
Hải Minh
Theo Pravda