Cựu binh quê lúa làm giàu từ hai bàn tay trắng
(Dân trí) - Rời quân ngũ với hai bàn tay trắng, người lính trẻ năm nào giờ đã trở thành một ông chủ của khu sinh thái ABC với tổng đầu tư ban đầu trên dưới 100 tỷ đồng. Đặc biệt, anh đã tạo công ăn việc làm cho rất nhiều con em địa phương.
Khu du lịch sinh thái có các trung tâm giải trí như: Phòng game, hồ bơi, sân bóng đá nhân tạo, nhà hàng, cà phê, ẩm thực, nhà máy nước tinh khiết … của cựu chiến binh Thái Viết Phùng làm giàu ngay chính trên mảnh đất đồng quê bỏ hoang từ hai bàn tay trắng khiến nhiều người thán phục.
Dám nghĩ, dám làm
Nằm tọa lạc ở phía Nam của huyện lúa Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Khu sinh thái ABC nằm trải dài trên cánh đồng 11ha. Khi nhắc đến khu sinh thái ABC của cựu chiến binh Thái Viết Phùng (SN1967), thôn Khánh Hòa, xã Khánh Thành (huyện Yên Thành) thì ai cũng phải trầm trồ khen ngợi với tài năng chịu khó làm giàu của một người lính từng vào sinh ra tử năm xưa.
Sinh ra trong một gia đình bần nông nghèo, năm 1985 theo tiếng gọi anh lên đường nhập ngũ ở Sư đoàn 338, Tiểu đoàn 13 (đóng tại huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn). Những năm tháng trong hàng quân ngũ đã giúp người lính trẻ trưởng thành từ ý nghĩ lẫn nhân cách con người.
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ anh trở về quê hương vào năm 1989, với suy nghĩ phá dớp của cái nghèo đeo bám của ông, cha bao đời nay nên ý tưởng “tấc đất, đất vàng” biến vùng quê nghèo thay đổi đi lên trong chính tầm tay của mình nên ông đã mạnh dạn bắt đầu bắt tay vào làm kinh tế.
Ban đầu do vốn liếng không có, kinh nghiệm non nớt … nên ông quyết định làm lò gạch, lò ngói thủ công nhằm giúp người dân có vật liệu xây dựng đồng thời tăng thu nhập cho bản thân từ cái buổi ban sơ như vậy.
Trong giai đoạn làm lò gạch thủ công cũng không ăn thua đang cầm chừng thì gặp "lệnh cấm" (cấm lò gạch thủ công trên địa bàn cả tỉnh) nên ông đã chuyển hướng sang mở trang trại VAC (vườn - ao - chuồng). Trong đó, chủ yếu ông cho chăn nuôi lợn và bước đầu đã cho thu nhập kha khá.
Cựu chiến binh quê lúa kể chuyện làm giàu.
Nhưng để phát triển kinh tế hơn nữa ông đã đầu tư mua hai máy xát gạo để tận thu mua lúa ở ngay tại quê hương mình - nơi được mệnh danh là vựa lúa lớn nhất tỉnh Nghệ An hiện nay. Từ đó, gạo được xay ra ông luôn ưu ái cung cấp cho thị trường các huyện miền núi cao ở miền Tây xứ Nghệ - nơi được biết đến thiếu lương thực thời bấy giờ.
Những ngày đầu bươn chải đã giúp người lính trẻ trải nghiệm đầy đủ hương vị của thương trường cũng như "chiến trường" làm ăn không dễ chút nào như anh nghĩ. Với những thành quả ban đầu đạt được, đến năm 1996, ông được đề xuất làm phó Hiệp hội doanh nghiệp tư nhân Nghệ An để điều tiết thị trường trong tỉnh.
Từ năm 2003 - 2004, ông Thái Viết Phùng đã giúp cho Hội cựu chiến binh của huyện Yên Thành làm tốt công tác tìm người hướng đi xuất khẩu lao động. Chỉ trong vòng 2 năm ông đã giúp được 1.000 người đi xuất khẩu lao động sang các nước như: Malayxia, Ả Rập, Đài Loan (Trung Quốc)… có thu nhập đáng kể.
Sau khi đưa được khá nhiều người đi nước ngoài, nhưng bản thân ông cũng loay hoay, kinh tế cũng chưa sáng sủa lên là bao nên ông quyết định đi thêm một lần ra nước ngoài nữa để tính kế "sinh tồn".
Năm 2005, ông Phùng đã quyết định rẽ hướng đi mới. Đầu tiên ông nạp đơn, hồ sơ để đi Mỹ, nhưng do trục trặc một số giấy tờ nên ông đã chuyển sang nước Úc. Tại đây công việc “thuận buồm xuôi gió” tạo điều kiện cho ông làm ăn ổn định trong suốt 5 năm liền.
Sau 5 năm trên đất khách quê người, ông Phùng dường như quá hiểu về cuộc sống lao động vất vả, khổ cực, nếm đủ mùi của cuộc sống nơi xứ người cộng thêm đồng tiền nước ngoài có giá, tích cóp được chút đỉnh và ông quyết định trở về nước. Ông bảo: "Để thoát nghèo, chỉ còn cách là đầu tư làm kinh tế tại quê hương thì mới phát triển bền vững".
Trở về quê hương khi có chút vốn liếng cộng thêm kinh nghiệm, học hỏi làm giàu nơi nước bạn. Đầu tiên ông đầu tư xây 2 kho lương thực (thu mua lúa trên địa bàn) nhằm mục đích “tạm trữ cho dân, đề phòng mất giá” và mỗi vụ ông thu gom được trên 1.000 tấn lúa.
“Con đường đi tới thành thành công không phải là con đường trải đầy hoa hồng như nhiều người nghĩ. Mà muốn thành công chúng ta phải đánh đổi rất nhiều, mồ hôi nước mắt, những lời lẽ đàm tiếu, những định kiến của người đời, của xã hội… Nhưng cái quan trọng đó là phải cố gắng tu dưỡng học hỏi không đánh mất mình...”, ông Phùng cười vui vẻ.
Ông Mai Huy Dũng - Chủ tịch Hội cựu chiến binh huyện Yên Thành chia sẻ: “Ông Thái Viết Phùng là một trong những cựu chiến binh đi đầu trong mô hình làm kinh tế giỏi của Hội chúng tôi. Bên cạnh phát huy bản chất của người lính cụ Hồ thì ông Phùng là người có công đóng góp xây dựng quê hương đổi mới”.
Cũng kể từ đây, khi nắm trong tay một số vốn kha khá ông bắt đầu ý tưởng thành lập Công ty TNHH một thành viên nhằm mở rộng ngành nghề và thêm thu nhập.
Quê hương là... “chùm khế ngọt”
Với tổng số vốn đầu tư ban đầu trên dưới 100 tỷ đồng nhằm gói gọn các dự án kinh tế của mình thành một tổ hợp kinh tế phát triển đa ngành nghề, dịch vụ. Năm 2017, khu sinh thái đã bước đầu hoàn thành bao gồm: nhà máy nước tinh khiết, nhà máy đá… Đặc biệt, khu sinh thái lý tưởng biến vùng đất hoang hóa trở thành một khu trung tâm vui chơi giải trí lớn nhất huyện. Đồng thời phát huy hết tiềm năng kinh tế có sẵn lấy sản phẩm quê hương để làm giàu cho chính quê hương..
Và kể từ đó, khu sinh thái ABC đi vào hoạt động càng ngày càng hiểu quả. Đầu tiên, chính ông Phùng đã giải quyết hàng chục con em trên địa bàn có công ăn việc làm, có thu nhập khá ổn định... Bên cạnh đó ông còn biến nguồn thực phẩm sạch ngay tại công ty mình và tiêu thụ nguồn nông sản, thực phẩm cho bà con trong huyện.
Ngoài việc đóng góp xây dựng cho quê hương, cho xóm làng... thì hằng năm ông còn trao hằng trăm suất quà có trị giá đến với nhiều hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện, giúp đỡ các hộ nông dân với nhiều mô hình sản xuất kinh tế để xóa đói giảm nghèo.
Tâm sự với PV, ông Phùng cho biết: “Quan niệm của tôi, sống ở đời cần có tình thương, sự cảm thông chia sẻ bởi cuộc sống này còn rất nhiều số phận, mảnh đời cần sự chung tay giúp đỡ. Tôi sẽ cố gắng duy trì công việc ngày càng phát triển hơn nữa để giúp người dân thoát nghèo trong tương lai”.
Với những đóng góp của mình, ông Thái Viết Phùng được "mệnh danh" là cựu chiến binh tiêu biểu, làm kinh tế giỏi của tỉnh Nghện An nhiều năm liền.
Do đó, Ban chấp hành Hội cựu chiến binh tỉnh Nghệ An đã cấp chứng nhận ông là hội viên sản xuất, kinh doanh giỏi năm 2016. Anh được Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An tặng Bằng khen xuất sắc trong phong trào “Nông dân thi đua SXKD giỏi đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu bền vững” trong giai đoạn 2012-2014; các Bằng khen trong phong trào thi đua yêu nước khác của năm 2015 - 2016."
Có thể nói rằng từ một người lính trẻ trở thành một doanh nghiệp thành công như ngày hôm nay ông Phùng xứng đáng là một tấm gương sáng về người lính cụ Hồ để mọi người học tập phát triển kinh tế.
Nguyễn Tú