Cuộc sống quây tôn "như trong lồng chim" tại chung cư nguy hiểm nhất Hà Nội
(Dân trí) - Cư dân nhà G6A Thành Công (nguy hiểm cấp độ D) miêu tả cuộc sống "tù túng và bí bách" kể từ khi chính quyền dựng tôn và rào chắn quanh đơn nguyên 1, 2.
Cuộc sống tù túng trong rào tôn
Từ ngày chính quyền quận Ba Đình (Hà Nội) dựng tôn, rào chắn quanh đơn nguyên 1, 2 chung cư G6A Thành Công (phường Thành Công), bà Lan (65 tuổi) cảm giác "như sống trong một cái lồng chim".
Người phụ nữ miêu tả không gian sống hơn một tuần qua trở nên thiếu ánh sáng, tù túng và bí bách, trái ngược với cảnh thoáng đãng trước đây.
"Sau khi bị quây kín, chúng tôi chỉ còn duy nhất một lối ra/ vào phía ngõ 16 đường Nguyên Hồng. Tuy nhiên, đây là góc khuất, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông", bà Lan phản ánh.
Ba lớp hàng rào bịt kín bao quanh tòa nhà, gắn biển cảnh báo "nhà nguy hiểm cấp độ D (cấp cao nhất)", bà nói đùa "G6A là nơi an toàn nhất Thủ đô".
Anh Nam (35 tuổi) thuê trọ 5 năm sống cùng con trai tại tầng 4 nhà G6A Thành Công, cho biết hàng rào quây tôn gây khó khăn đi lại cho người dân, từng có người suýt bị ô tô đâm trúng.
"Mỗi lần đến đầu ngõ, tôi đều phải dừng xe máy quan sát hai bên rồi mới dám ra ngoài. Khu dân cư vẫn còn nhiều trẻ nhỏ, khuất tầm nhìn mà cứ thế lao ra đường rất nguy hiểm", anh nói.
Gia đình 5 thành viên của ông Hùng sinh sống trong căn hộ cuối dãy tầng 1, cửa ra vào sát ngay hàng rào tôn. Ông cho hay cuộc sống như "chìm trong bóng tối", vì mỗi khi mở cửa, "đập" ngay vào mắt là hàng rào bịt kín, che toàn bộ tầm nhìn. Nhịp sống cũng trở nên buồn chán từ khi các hàng quán kinh doanh rời đi.
"Cuộc sống như hai thế giới tách biệt và chúng tôi bị cô lập", ông Hùng tâm sự.
Người đàn ông 57 tuổi lo ngại nhất vấn đề cháy nổ. Theo ông, nếu không may xảy ra hỏa hoạn, đội cứu hộ sẽ khó tiếp cận tòa nhà qua ba lớp hàng rào và chỉ một lối đi chung.
"Chúng tôi không trêu đùa với tính mạng của mình"
Sống tại tầng 1, chung cư cũ G6A Thành Công từ năm 1987 theo diện nhà cấp cho cán bộ ngân hàng, gia đình bà Lan đã cơi nới diện tích từ 27m2 lên 70m2.
Vợ chồng bà mở cửa hàng kinh doanh, nhưng đã đóng cửa, chuyển sang hình thức bán online kể từ khi G6A được cơ quan kiểm định công bố nguy hiểm cấp độ D vào năm 2016, phải di dân để phá dỡ, xây dựng lại.
Đến nay, 28 hộ đã di dời, những căn nhà được niêm phong bằng cách quây tôn kín. Còn 21 hộ chưa đi do không đồng thuận với kết quả kiểm định và lo ngại tiến độ cải tạo tòa nhà.
"Hơn 30 năm qua, căn hộ của chúng tôi chưa có dấu hiệu nứt hay hư hỏng. Hệ thống điện, nước ngầm hoạt động ổn định", bà Lan nói.
Bà và các hộ dân còn lại đánh giá tòa nhà xuống cấp, "nghiêng bền vững", song chưa đến mức nguy hiểm phải di dân.
"Chúng tôi không đem tính mạng bản thân và gia đình ra làm trò đùa. Nếu thấy nguy hiểm, chúng tôi đã phải bỏ chạy từ lâu. Nhưng đến nay, người dân sống an yên, sinh hoạt bình thường trong ngôi nhà của mình", người phụ nữ khẳng định.
Căn hộ của anh Nam rộng 80m2, tính cả phần cơi nới, "chất lượng còn như mới", ngoài việc một số mảng tường bị bong tróc. Trước khi thuê, anh đã được chủ nhà cảnh báo về "nguy hiểm cấp độ D", nhưng yên tâm thuê vì cảm thấy "không có vấn đề gì".
"Tôi sẵn sàng thuê căn hộ trong những năm tiếp theo, nếu chủ nhà chưa buộc phải di tản", anh Nam tâm sự.
Còn ông Hùng cho hay đã đến xem căn nhà tạm cư tại phường Phú Thượng (quận Tây Hồ), tuy nhiên không muốn di chuyển "do đang ở khu trung tâm của thành phố".
Ông khẳng định, 21 hộ dân còn lại đều ủng hộ chủ trương cải tạo chung cư cũ của Nhà nước "vì ai cũng thích được xây nhà mới", song nhiều băn khoăn của họ chưa được giải đáp thấu đáo.
"Chúng tôi mong muốn được gặp chủ đầu tư, nghe cam kết quyền lợi, tiến độ xây dựng tòa nhà, hệ số bồi thường, nhưng trên thực tế hiện chưa có nhà đầu tư nào", ông nói.
Điều bà Lan hay ông Hùng lo lắng nhất, là "ra đi không biết ngày về", vì nhiều hộ ở chung cư khác đi tạm cư để xây lại tòa nhà nhưng 12 năm rồi dự án vẫn chưa có tiến triển.
"Nhiều người đi tạm cư, đến chết vẫn chưa có nhà để về", bà Lan thở dài.
Tại buổi đối thoại với lãnh đạo UBND quận Ba Đình hôm 17/2, đại diện cư dân G6A Thành Công đã nêu quan điểm muốn gặp chủ đầu tư, lắng nghe cam kết lộ trình cải tạo xây dựng lại tòa nhà.
Ông Tạ Nam Chiến, Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho biết, việc cải tạo chung cư được thực hiện theo Nghị định 69/2021. Theo Nghị định này, phải lập, phê duyệt quy hoạch, thành phố ban hành tiêu chí chọn nhà đầu tư, quận tổ chức hội nghị nhà chung cư thì người dân mới lựa chọn.
"Việc lựa chọn nhà đầu tư sẽ được công khai thông qua tỷ lệ phiếu do các hộ dân tự quyết định tại hội nghị nhà chung cư. Tất cả nhà đầu tư từng thăm dò, lấy ý kiến người dân nếu muốn tiếp tục tham gia đầu tư đều phải thực hiện theo quy trình tại Nghị định 69", ông Chiến nói.
Theo kế hoạch xây dựng cải tạo nhà chung cư cũ đợt một năm 2021 của TP Hà Nội, G6A Thành Công là một trong 6 chung cư nguy hiểm cấp độ D phải phá dỡ xây dựng lại.
Thành phố đã giao quận Ba Đình hoàn thành việc di dời người dân ra khỏi chung cư cấp D trong quý I/2022, nhưng đến nay chưa hoàn thành.
* Tên các nhân vật đã thay đổi