Cuộc sống giới nhà giàu Nga qua bộ ảnh "Người chủ và đầy tớ"
(Dân trí) - Những bức hình của nhiếp ảnh gia Lilia Li-Mi-Yan trong bộ ảnh đặc biệt mang tên "Người chủ và đầy tớ", phần nào phản ánh chân thực về sự chênh lệch đẳng cấp giàu - nghèo trong xã hội Nga hiện nay.
Nga là một trong những quốc gia có sự chênh lệch kinh tế lớn. Theo số liệu báo cáo tài sản toàn cầu của Credit Suisse trong năm 2014, khoảng 10% những người giàu có tại Nga kiểm soát tới 85% tài sản toàn quốc gia. Bản báo cáo cũng chỉ ra, hiện có 111 tỷ phú Nga kiểm soát 19% tổng tài sản các hộ gia đình của đất nước này.
Chính sự chênh lệch lớn này là nhân tố quan trọng thôi thúc nhiếp ảnh gia Lilia Li-Mi-Yan thực hiện bộ hình đặc biệt mang tên "Người chủ và đầy tớ". Bộ hình lấy bối cảnh ngay tại khuôn viên của gia đình các tỷ phú. Trong đó, gia chủ và người làm thuê xuất hiện đồng thời cùng lúc, phản ánh cuộc sống của tầng lớp siêu giàu ở Nga hiện nay. Được biết, bộ hình được thực hiện tại thủ đô Moscow.
Theo lời giới thiệu của nhiếp ảnh gia Li-Mi-Yan, việc tìm kiếm những gương mặt để chụp hình không phải là điều khó khăn. "Hầu hết họ là những người tôi quen biết. Họ đồng ý tham gia dự án với sự nhiệt tình sẵn có".
"Tôi thường dành nhiều thời gian để trò chuyện cùng các nhân vật. Thông thường, tôi sẽ đặt câu hỏi về vai trò của người chủ và người làm thuê, cảm nhận của họ về vai trò của họ và mối quan hệ giữa họ ra sao", cô nói.
Cuộc nói chuyện giúp nhiếp ảnh gia đưa ra những quyết định về bối cảnh thực hiện bức hình. Từng vị trí được sắp xếp tinh tế đóng vai trò quan trọng thể hiện mối quan hệ giữa người chủ và người làm thuê.
Giới tính đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện nhiệm vụ của người làm thuê. Thông thường, phụ nữ sẽ đảm nhận việc giữ trẻ, dạy trẻ hay nội trợ. Trong khi đó, nam giới sẽ làm tài xế, làm vườn, hay nhân viên bảo vệ.
"Ở Nga, nghề dạy và trông nom trẻ hay tài xế riêng được xem là công việc của tầng lớp thấp. Bởi vậy, nhiều người từ chối chụp hình vì không muốn bị gắn với mác quản gia", nhiếp ảnh gia chia sẻ.
"Hầu hết các trường hợp những người làm công việc này đều tiết kiệm tiền bạc với hy vọng sẽ có tương lai tốt hơn. Họ coi công việc hiện tại như một điều gì đó tạm thời, mong muốn tìm được việc thú vị hơn, nghề nghiệp được tôn trọng hơn", nhiếp ảnh gia nói.
"Những ông chủ đều nghĩ rằng, họ đang đối xử tôn trọng người giúp việc. Tuy nhiên, cho dù mối quan hệ chủ-tớ tốt đẹp tới đâu, đa số những người giúp việc đều muốn tiết kiệm được khoản tiền nhỏ và sớm tìm được việc khác tốt hơn", cô nhận định.
"Tôi từng tiếp xúc với một phụ nữ lớn tuổi làm giúp việc. Bà cho biết, bản thân chọn công việc này vì muốn thế, chứ không phải do hoàn cảnh ép buộc", Li-Mi-Yan nói.
Li-Mi-Yan hiểu được tính chất công việc nhạy cảm của mình và sẵn sàng đón nhận nhiều luồng ý kiến xung quanh. Cô cho biết, khi những hình ảnh đầu tiên được công bố, "một số người yêu cầu tôi gỡ bỏ chúng". "Tôi hiểu lý do của sự tranh cãi và mức độ hiệu quả của dự án khi đăng trên mạng".
Huy Hoàng
Theo BI