Cuộc đổi đời không ngờ của người đạp xe mua sắt vụn, thành đại gia giàu có
(Dân trí) - Từ số tiền vay bạn để mua xe đạp làm phương tiện đi thu mua phế liệu, sắt vụn, người đàn ông tìm ra con đường làm giàu và trở thành doanh nhân thành đạt.
Vay tiền mua xe đạp thu mua phế liệu
Ông Hồ Vĩnh Căn, sinh năm 1933, tại một huyện nhỏ ở Tứ Xuyên (Trung Quốc), trong một gia đình nghèo khó.
Sau khi tốt nghiệp một trường kỹ thuật, ông trở thành công nhân trong nhà máy. Tiền kiếm được từ công việc này ít ỏi song là nguồn thu nhập duy nhất để trang trải cuộc sống cho cả gia đình.
Khi con gái lên 10 tuổi, gia đình ông Hồ Vĩnh Căn vẫn chưa thoát khỏi cảnh nghèo khó. Gia đình khó khăn đến nỗi, 2 vợ chồng ông không có đủ tiền để mua cho con gái một đôi giày, cô bé phải đi chân đất đến trường. Nhìn thấy sự nghèo khó, thương vợ con sống chật vật, ông Hồ Vĩnh Căn nung nấu ý chí và quyết tâm phải cải thiện cuộc sống gia đình.
Tới năm 56 tuổi, ông Hồ Vĩnh Căn nhận thấy, có thể kiếm tiền từ đồ phế liệu bằng cách thu mua rồi bán lại. Cho nên, người đàn ông này vay bạn 500 nhân dân tệ (1,7 triệu đồng) để mua một chiếc xe đạp.
Sau khi mua về, ông lắp thêm 2 giỏ tre và bắt đầu thu mua phế liệu từ nhà này sang nhà khác, khắp đường lớn đến ngõ nhỏ với mong muốn có thêm tiền cho gia đình kèm hy vọng đổi đời. Các đồ ông mua là sách cũ, sắt vụn, phế liệu, đồ nhựa đã thải ra.
Ở tuổi 56, ít ai nghĩ ông sẽ thành công, vậy mà chỉ sau nửa năm, ông không còn cần rong ruổi trên chiếc xe cà tàng nữa. Trước đây, một năm làm việc chăm chỉ cũng chỉ kiếm được số tiền ít ỏi. Vậy mà, chỉ trong 6 tháng, đời sống gia đình đã có nhiều cải thiện dù chưa phải giàu sang.
Nhìn thấy cuộc sống của gia đình ngày càng tốt hơn, Hồ Vĩnh Căn không ngừng cố gắng. Mỗi ngày thức dậy đều chăm chỉ, phân loại các đồ phế liệu thu mua được. Sau một thời gian lao vào thương trường, ông nhận thấy sách và tạp chí cũ dễ thu mua nhưng lợi nhuận thấp nên số tiền kiếm được chẳng đáng là bao.
Bước ngoặt làm giàu
Sau một thời gian đi hết hang cùng ngõ hẹp để thu mua phế liệu, sách báo cũ, Hồ Vĩnh Căn đã lên kế hoạch khởi nghiệp, mở một cơ sở thu mua phế liệu. Tuy nhiên, việc làm ăn không mấy thuận lợi như dự tính ban đầu.
Hồ Vĩnh Căn phải hứng không ít sự cố ngoài ý muốn khi mới kinh doanh. Nhiều đồ phế liệu, sắt vụn mua được bị tịch thu do không có giấy tờ, số tiền thiệt hại 10.000 nhân dân tệ (35 triệu đồng). Với một người mới kinh doanh nhỏ, đây là số tiền lớn.
Tuy nhiên, những điều đó không hề làm cho Hồ Vĩnh Căn bị nhụt chí, ông vẫn không ngừng nỗ lực. Sự kỳ vọng và niềm tin của gia đình nhỏ chính là động lực để ông bước tiếp.
Số sắt vụn thu mua được ngày càng nhiều, đây cũng chính là cơ hội mang đến bước ngoặt cho ông và cơ sở của mình. Một công ty tái chế kim loại nặng đã ký hợp đồng thu mua sắt vụn mà ông có.
Thời điểm đó, giá bán sắt vụn tăng mạnh 3000 tệ lên 4000 tệ/tấn (10,5 - 14 triệu đồng/tấn), chẳng mấy chốc Hồ Vĩnh Căn có tài sản vượt 100.000 nhân dân tệ (350 triệu đồng) hồi cuối năm 1993. Ông ngỡ đó như một giấc mơ mà trước đây không bao giờ dám nghĩ tới.
Con đường kinh doanh ngày càng phát triển, ông Hồ Vĩnh Căn giàu lên từng ngày. Đến năm 1996, doanh thu công ty Hoa Thành do ông lập ra đã đạt tới 15 triệu tệ. Từ một người chỉ mong ước kiếm thêm chút tiền cho gia đình cải thiện cuộc sống, ông Hồ Vĩnh Căn trở thành đại gia giàu có và được nhiều người ngưỡng mộ.
Trong 17 năm, tài sản của ông Hồ Vĩnh Căn đã vượt mốc 1 tỷ nhân dân tệ. Mặc dù đạt đến thành công, đại gia này không quên những ngày nghèo khó đã từng trải qua. Ông dang tay giúp đỡ, làm từ thiện để mọi người có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Với ông, làm từ thiện không phải vì thể diện hay lấy danh tiếng mà giúp đỡ người khác cũng là một phần công việc của bản thân. Hằng ngày, ông vẫn duy trì lối sống giản dị, ăn uống thanh đạm, không lãng phí bất cứ thứ gì.
Từ câu chuyện của ông Hồ Vĩnh Căn, có thể thấy, bất cứ ai chịu thương, chịu khó đều là những người có khả năng vượt qua sương gió cuộc đời, nếu kiên trì sẽ gặt hái được thành công. Mỗi ngành nghề đều mang đến giá trị riêng, quan trọng là bạn biết khám phá để đi tới thành công.
Cơ hội sẽ dành cho bất cứ ai sẵn sàng cố gắng vươn lên. Khi bạn thực sự muốn thành công, sẽ có cơ hội mở ra, chỉ cần bình tĩnh, nắm bắt lấy cơ hội và kiên trì. Lúc thành công đừng quên những hoàn cảnh nghèo khó, vật lộn với nỗi lo cơm áo gạo tiền, miếng cơm manh áo ngoài kia, lan tỏa những điều tốt đẹp ra xã hội.