Ninh Bình:

Cuộc chiến thầm lặng của những “chiến sĩ blouse trắng” nơi tuyến đầu

(Dân trí) - Sau nhiều ngày chữa khỏi ca nhiễm Covid-19, niềm vui vẫn hiện rõ trên khuôn mặt các y, bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình. Để đẩy lùi dịch bệnh, họ đã thầm lặng hy sinh gian khổ nơi tuyến đầu.

Bệnh nhân N.V.T (SN 1993), ca nhiễm Covid-19 thứ 18 của Việt Nam được cách ly, điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình. Sau 14 ngày, bệnh nhân đã khỏi bệnh và đã xuất viện.

Niềm vui khỏi bệnh hiện rõ trên khuôn mặt du học sinh quê Thái Bình khi nhận đóa hoa tươi thắm từ lãnh đạo Sở Y tế, Bệnh viện và các y bác sĩ đã tận tình cứu chữa cho anh trong 14 ngày ở khu cách ly đặc biệt.

Cuộc chiến thầm lặng của những “chiến sĩ blouse trắng” nơi tuyến đầu - 1

Khu cách ly đặc biệt, nơi chữa trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại BVĐK tỉnh Ninh Bình.

Bệnh nhân T. vui mừng một, thì tập thể cán bộ, y bác sỹ của bệnh viện vui mừng mười. Việc thực hiện thành công phác đồ của Bộ Y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19, cộng với kinh nghiệm trong y khoa của các y, bác sĩ của bệnh viện đã ghi nhận thành công bước đầu trong điều trị cũng như kiểm soát được tình hình dịch Covid-19. 

Để có được thành công đó đã có sự đóng góp không hề nhỏ từ những nỗ lực, sự thầm lặng hy sinh của những “chiến sĩ blouse trắng” nơi tuyến đầu. Họ đã không quản khó khăn, gian khổ cũng như nỗi sợ hãi về dịch bệnh để xung phong ra tuyến đầu phòng, chống dịch. 

Gặp và chia sẻ với phóng viện, điều dưỡng Trần Thị Phương Loan, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình không giấu nổi niềm vui khi đã hoàn thành được nhiệm vụ cao cả. Nhưng chị cũng không thể quên những ngày tháng “ăn ngủ” cùng bệnh nhân nhiễm Covid-19.

Cuộc chiến thầm lặng của những “chiến sĩ blouse trắng” nơi tuyến đầu - 2

Sau những giờ làm việc căng thẳng chữa trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19, các y, bác sĩ mới có thời gian gọi video qua điện thoại để gặp gỡ những người thân trong gia đình.

Chị Loan kể, những ngày ở khu cách ly đặc biệt, chị thường kết thúc một ngày làm việc vào đêm muộn, sau nhiều tiếng đồng hồ phải khoác trên mình bộ đồ bảo hộ dày nhiều lớp kín mít từ đầu đến chân để chăm sóc, điều trị bệnh nhân N.V.T. Lúc này, chị mới có thời gian gọi vội về nhà chơi với con trước khi con đi ngủ. 

Con trai đầu của chị mới 3 tuổi và bé trai thứ 2 mới hơn 15 tháng tuổi. Trong những ngày chị ở khu cách ly, chị phải nhờ bà nội ở quê lên chăm sóc hai con.

“Ngày nhận được thông báo của bệnh viện về thời gian điều trị, cách ly cho bệnh nhân thứ 18 nhiễm virus SARS-CoV-2 tôi chỉ có được nửa ngày ở nhà cai sữa cho con. Những ngày đầu xa con, lần nào gọi video thấy mặt mẹ 2 con cũng khóc, nói nhớ mẹ, hỏi mẹ đi đâu không về mà tôi không kìm nổi nước mắt, rồi cả 3 mẹ con cùng khóc.

Từ khi sinh ra đến giờ, đây là lần đầu tiên con xa mẹ lâu như thế, thương các con lắm nhưng công việc như vậy nên phải cố gắng vượt qua”, chị Loan nghẹn ngào chia sẻ.

Cuộc chiến thầm lặng của những “chiến sĩ blouse trắng” nơi tuyến đầu - 3

Các nhân viên y tế vượt mọi gian khổ, hiểm nguy để cùng đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.

Không chỉ mình chị Loan mà còn có 17 cán bộ, y bác sỹ cùng thực hiện nhiệm vụ, công việc tại khu cách ly đặc biệt. Họ phải chấp nhận mọi nguy cơ, gác lại nỗi niềm riêng tư để cùng hướng đến một mục tiêu cao cả là cứu sống người bệnh, cùng cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh. 

Chị Đỗ Thị Thanh Thủy, Điều dưỡng trưởng Khoa Truyền nhiễm là người thường xuyên trực tiếp chăm sóc cho bệnh nhân mắc bệnh Covid-19. Lúc nào chị cũng phải mặc bộ quần áo bảo hộ kín mít trong nhiều giờ liên tục, khiến cơ thể lúc nào cũng trong tình trạng bí bách, khó chịu. Suốt ca làm việc mồ hôi chị ướt sũng, mặt hằn vết khẩu trang, không thể uống nước hay đi vệ sinh... 

“Những ngày đầu tiếp nhận bệnh nhân mắc Covid-19, bản thân tôi cùng nhiều y, bác sĩ có không ít băn khoăn, lo lắng nhất là khi trên thế giới đã có nhiều trường hợp cán bộ y tế nhiễm bệnh. Thế nhưng, nỗi lo cũng nhanh chóng tan biến, thay vào đó là sự quyết tâm, tinh thần sẵn sàng vào nơi nguy hiểm, không quản khó khăn cũng như nỗi sợ hãi về dịch bệnh để trực tiếp điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân”, chị Thủy nói.

Cuộc chiến thầm lặng của những “chiến sĩ blouse trắng” nơi tuyến đầu - 4
Cuộc chiến thầm lặng của những “chiến sĩ blouse trắng” nơi tuyến đầu - 5

Các y, bác sĩ trong khu cách ly đặc biệt đã phải hy sinh thầm lặng, chữa trị thành công cho người bệnh nhiễm Covid-19.

Không chỉ về tinh thần, mà các y bác sĩ cũng luôn phải cùng nhau vượt qua khó khăn trong sinh hoạt khi trước đây khu cách ly chỉ đủ tiêu chuẩn cho 3 người ở lại trực đêm thì hiện là chỗ làm việc, sinh hoạt, ăn uống của 18 con người. Mọi người đã đều tự có ý thức tự sắp xếp nơi làm việc, ăn, ngủ, sinh hoạt hợp lý, mỗi người cũng thông cảm, hỗ trợ nhau để công việc và sinh hoạt thuận lợi. 

Sau những giờ phút căng thẳng, về lại khu cách ly đệm, các y bác sỹ tại khu cách ly đặc biệt này luôn tạo cho nhau những niềm vui, nụ cười sảng khoái để quên đi mệt nhọc. Hay họ cùng nhau tập thể dục nâng cao sức khỏe, hay chăm sóc cây hoa và hay đọc sách, báo.

Cuộc chiến thầm lặng của những “chiến sĩ blouse trắng” nơi tuyến đầu - 6

Mọi người cùng nhau tập thể dục để nâng cao sức khỏe.

Bác sỹ Phạm Trung Mạnh, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình cho biết, để thể hiện tinh thần rất cao trong đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, bệnh viện đã phát động đợt tình nguyện tham gia các kíp điều trị bệnh nhân. Có hơn 100 cán bộ, bác sỹ, điều dưỡng của bệnh viện đăng ký sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ khi có yêu cầu. 

“Dù biết khó khăn, nguy hiểm trước mắt, nhưng cán bộ, y, bác sỹ bệnh viện đều sẵn sàng nhận nhiệm vụ với tinh thần quyết tâm cao nhất ở tuyến đầu của mặt trận chống dịch. Bệnh nhân thứ 18 nhiễm vi rút SARS-CoV-2 đã được điều trị khỏi và xuất viện là niềm vui lớn không chỉ của các y, bác sỹ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân mà còn là niềm vui cho cả cộng đồng”, bác sĩ Mạnh chia sẻ.

Cuộc chiến thầm lặng của những “chiến sĩ blouse trắng” nơi tuyến đầu - 7

Niềm vui của các y, bác sĩ Khoa Truyền nhiễm sau khi chữa khỏi cho bệnh nhân nhiễm Covid-19.

Thái Bá