“Cuộc chiến” tăng băng thông và nhu cầu người dùng internet tại Việt Nam

(Dân trí) - Hiện tại, hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ internet tại Việt Nam đều đã nâng cấp băng thông. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia trong lĩnh vực mạng thì đây chỉ là hình thức truyền thông của các nhà mạng để quảng bá chứ chưa đáp ứng được nhu cầu thực sự của người dùng. Như vậy, gói cước tốc độ cao chưa chắc đã “đáng đồng tiền, bát gạo”.

Từ “cuộc chiến” tăng băng thông

Khơi mào “cuộc chiến” này là Viettel với thông báo: “X2 băng thông, giá không đổi dành cho toàn bộ khách hàng đang sử dụng dịch vụ internet cố định”.

Không kém cạnh, một ông lớn khác là VNPT cũng lập tức đưa ra chương trình “Tăng gấp đôi tốc độ truy cập Internet, giá không đổi” cho các khách hàng hiện hữu đang sử dụng dịch vụ Internet FiberVNN của VNPT.

“Cuộc chiến” tăng băng thông và nhu cầu người dùng internet tại Việt Nam - 1

Hầu hết các nhà mạng đều đã tăng băng thông internet

Trong khi Viettel và VNPT đưa ra chính sách tăng gấp đôi tốc độ băng thông nhưng giá cước không đổi thì FPT chỉ tăng một phần tốc độ gói cước internet nhưng lại tự điều chỉnh giá cước khiến người tiêu dùng phản ứng.

Với việc tăng băng thông, các nhà mạng đã đáp ứng được nhu cầu thưởng thức các chương trình với màn hình độ phân giải cao cho hình ảnh sắc nét, các chuyển động nhanh mượt, ...? Tuy nhiên, với mức giá các gói cước từ gần 200 ngàn đồng/tháng trở lên thì dường như các nhà mạng đang “ép” người dùng internet phải dùng những gói cước có tốc độ cao trong khi nhu cầu thực sự của họ không cần đến như vậy.

Sau một thời gian: SPT, CMC cũng lần lược tăng băng thông, cuối cùng là SCTV cũng tuyên bố tăng băng thông, giá không đổi cho khách hàng trọn gói: Internet và Truyền hình cáp; mà theo quảng bá của SCTV là: tiết kiệm đến 50% chi phí so với sử dụng các dịch vụ riêng lẻ cộng lại. Đây được xem là nhà cung cấp có mức phí thuê bao tốt nhất, và công tác chăm sóc khách hàng nhanh nhất trong vòng 4 giờ làm việc, hỗ trợ rất nhiều cho khách hàng có thu nhập thấp, các khách hàng là công nhân, sinh viên, …

“Cuộc chiến” tăng băng thông và nhu cầu người dùng internet tại Việt Nam - 2

Tờ rơi quảng bá tăng Băng thông internet của SCTV

Đến nhu cầu của người dùng

Chị Lan (Tây Hồ - Hà Nội) chia sẻ trên Báo điện tử Trí thức trẻ: “Hàng ngày vợ chồng, con cái tôi đều đi học, đi làm, đến tối về nhà mới sờ đến mạng, tính ra mỗi ngày sử dụng chỉ khoảng 4-5 tiếng. Gia đình chúng tôi sử dụng mạng chỉ để đọc báo, lướt Facebook, xem Youtube nên tốc độ như trước đây đã quá đủ, chẳng cần phải nâng cấp làm gì”

Tương tự như chị Lan, anh Hùng (Chung cư Dream Home - Gò Vấp – TP.HCM) cũng phản ánh, nhà chỉ có 2 vợ chồng với 2 con nhỏ nên tôi không có nhu cầu tăng băng thông. Các thiết bị sử dụng internet trong nhà chỉ có 1 smartTV, 1 máy tính và 2 smartphone. Có những lúc cả 4 thiết bị này cùng truy cập internet mà vẫn có thể xem Youtube, lướt Facebook, download, upload file bình thường nên tôi thấy không cần thiết phải tăng băng thông. Cái tôi cần là đường truyền ổn định, các nhà cung cấp dịch vụ cam kết đảm bảo đúng tốc độ gói cước mà khách hàng đã đăng ký và công tác chăm sóc khách hàng của các nhà mạng”.

Tốc độ bao nhiêu là đủ?

Anh Huy, một kỹ sư CNTT cho biết, với 1 đường truyền có tốc độ ổn định 3 Mbps thì có thể thoải mái xem video chất lượng HD cho 1 thiết bị.

Theo anh Huy, đối với các thiết bị di động như Smartphone, Tablet thì mỗi thiết bị chỉ tốn băng thông khoảng 1,5 - 3 Mbps để xem 1 video có chất lượng HD. Đối với PC hoặc SmartTV thì băng thông cũng chỉ tốn tầm khoảng 5 Mbps. Giả sử, 1 gia đình có 4 thành viên, cùng 1 thời điểm sử dụng 1 smartTV, 1 PC và 2 smartphone để truy cập internet xem Video thì ta có phép tính: (5 Mbps x 2)+ (3 Mbps x 2) = 16 Mbps.

Hơn nữa, các nhà cung cấp nội dung phim, Video luôn có những lựa chọn chất lượng cho người xem và có cơ chế tự động điều chỉnh chất lượng Video tương ứng với tốc độ đường truyền để đảm bảo việc xem Video không bị gián đoạn.

“Cuộc chiến” tăng băng thông và nhu cầu người dùng internet tại Việt Nam - 3

Khách hàng xem dịch vụ VOD thông qua mạng Internet

Như vậy, 1 gia đình chỉ cần sử dụng đường truyền internet khoảng 15 - 20 Mbps là đủ nếu đường truyền đó được nhà cung cấp dịch vụ đảm bảo đúng tốc độ và ổn định với gói cước đã đăng ký. Vì vậy, nhà cung cấp dịch vụ internet có uy tín, tín hiệu đường truyền ổn định, có giá cả phù hợp với nhu cầu của gia đình cộng với những chương trình khuyến mãi hấp dẫn và chế độ hậu mãi chu đáo sẽ là yếu tố quyết định để khách hàng “chọn mặt gửi vàng”.

Hãy là một “người tiêu dùng thông minh”

An Nhiên