Cúng Rằm tháng Giêng năm 2022 ngày nào, giờ nào là đẹp nhất?
(Dân trí) - Trong ngày Rằm tháng Giêng, các gia đình thường sửa soạn những mâm cỗ tươm tất, chu đáo dâng lên gia tiên, thần Phật để cầu mong may mắn, tài lộc cả năm.
Vì sao lại quan niệm "Cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng"?
Chia sẻ với PV Dân trí, nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Đình Hải cho biết, có nhiều truyền thuyết, điển tích nói về Rằm tháng Giêng (còn gọi là Tết Thượng Nguyên, Tết treo đèn, Tết Nguyên tịch…) được ghi chép trong các thư tịch cổ và lưu truyền trong dân gian.
Theo đó, có nhiều cách giải thích về ý nghĩa của ngày lễ này. Quan niệm "Cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng" cũng có các dị bản khác như "Lễ quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng" hoặc "Lễ Phật quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng".
Quan niệm này có thể liên quan đến tập quán cúng tế Thái Nhất thần - vị thần chúa tể của vũ trụ vào ngày Rằm tháng Giêng, xuất hiện trong khoảng những năm 200 trước Công nguyên; cũng có thể liên quan đến thuyết Tam nguyên của Đạo giáo hoặc nghi thức cúng Phật xuất hiện trong những năm đầu Công nguyên.
Theo thuyết Tam nguyên của Đạo giáo, Rằm tháng Giêng là tiết Thượng nguyên, Rằm tháng Bảy là tiết Trung nguyên và Rằm tháng Mười là tiết Hạ nguyên. Các vị chủ quản 3 tiết này lần lượt là Thiên quan đại đế, Địa quan đại đế và Thủy quan đại đế.
Thiên quan là người tính tình vui vẻ, thường ban phước lành cho nhân gian nên còn gọi là Thiên quan tứ phúc. Vào ngày 15 tháng Giêng - ngày sinh của Thiên quan, nhân dân khắp nơi treo đèn kết hoa, làm lễ cúng tế, chúc mừng, cầu phúc.
Về nghi thức cúng Phật trong dịp Rằm tháng Giêng, có truyền thuyết cho rằng, vua Minh đế nhà Hán là người tin sùng Phật pháp, nghe nói ngày Rằm tháng Giêng chúng tăng thường chiêm ngưỡng xá lợi, thắp đèn nến cúng dường chư Phật nên ra lệnh toàn hoàng cung thắp đèn thâu đêm.
Dân gian theo đó lưu truyền nghi thức cúng tế, lễ Phật cầu an trong ngày Rằm tháng Giêng. Ngoài ra còn có các truyền thuyết liên quan đến vua quan thời Hán, Đông Phương Sóc và cung nữ Nguyên Tiêu…
Tuy nhiên, lâu nay ta nói "Cúng quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng" có lẽ xuất phát từ tục cúng tế Thiên quan đại đế của Đạo giáo. Bởi vì trong 2 bản sớ cúng Rằm tháng Giêng tiêu biểu (hiện được dùng trong dân gian và các chùa), nội dung đều nêu rõ ngày Rằm tháng Giêng là ngày "Thiên quan tứ phúc" (Ngài Thiên quan ban phúc) và ca ngợi công đức, thần uy của Thiên quan.
Thiên quan đại đế danh hiệu đầy đủ là "Thượng nguyên tứ phúc Thiên quan Nhất phẩm Tử Vi đại đế". Hai vị còn lại là "Trung nguyên xá tội Địa quan Nhị phẩm Thanh hư đại đế" và "Hạ nguyên giải ách Thủy quan Tam phẩm Động âm đại đế". Ba vị này chỉ đứng sau Ngọc hoàng thượng đế một bậc.
Cúng Rằm tháng Giêng năm 2022 ngày nào, giờ nào là đẹp?
Rằm tháng Giêng năm Nhâm Dần 2022 rơi vào thứ ba, ngày 15/2/2022 dương lịch. Theo lịch can chi là ngày Kỷ Hợi, ngũ hành Mộc, sao Vĩ, lục nhâm Tốc hỉ.
Trước băn khoăn của nhiều người không biết cúng Rằm ngày nào là đẹp, cúng vào ngày 14 có kém linh hay không, nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Đình Hải cho hay: Rằm tháng Giêng cũng như ngày Rằm, mùng 1 trong các tháng khác, đều nên cúng đúng ngày. Hơn nữa, nếu đã là cúng mừng sinh nhật ngài Thiên quan đại đế thì càng nên cúng đúng ngày và không cần chọn giờ.
Các gia đình có thể chuẩn bị lễ vật cúng Rằm tháng Giêng tùy theo điều kiện của mình. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Đình Hải lưu ý, dân gian cho rằng Thiên quan đại đế là người thích vui vẻ, hảo ngọt, đèn nến.
Vì vậy nên trưng bày, sắm sửa lễ cúng có nhiều hoa quả, bánh ngọt (như bánh trôi, bánh chay, bánh mật), thắp thêm đèn nến. Nên cúng vào buổi tối, trong khoảng thời gian từ 18 - 21h ngày Rằm tháng Giêng là phù hợp nhất.
Về cách hành lễ, theo vị chuyên gia này, các gia đình nên trang hoàng nhà cửa, ban thờ trang nghiêm, đẹp đẽ. Gia chủ cần ăn mặc gọn gàng, sạch sẽ. Mọi người trong gia đình phải vui vẻ hòa nhã, không tranh cãi hoặc nói năng bừa bãi trong thời gian cúng lễ.
Lời khấn Nôm trong lễ cúng nên có câu: Cung kính dâng lễ thỉnh mời ngài "Thượng nguyên tứ phúc Thiên quan Nhất phẩm Tử Vi đại đế" chứng giám. Thiên quan đại đế quyền thông ba cõi, thần uy nghiêm lắng, mắt thánh chiếu soi. Thượng nguyên ban phúc khắp vô cùng, trần gian ngưỡng cầu ơn mưa móc.
Hôm nay gặp dịp Tết Nguyên tiêu, Thiên quan ban phúc muôn nơi, tiến chủ quét dọn nhà cửa, sửa biện hương hoa, đèn nhang, lễ vật thành tâm dâng cúng. Cầu thần tiêu trừ quá khứ oan khiên, tăng trưởng phúc lợi, mọi người đều được bình an hạnh phúc.
Đồng thời cũng cần khấn mời các vị thần linh, táo quân, gia thần, hội đồng gia tiên… cùng chứng giám như cúng Rằm, mùng 1 hằng tháng.