An Giang:

Cụ ông “3 không”… 22 năm bốc thuốc cứu người

(Dân trí) - Ở cái tuổi gần đất xa trời mà lại bị bệnh hở van tim, bệnh phổi và thuộc diện hộ nghèo nhưng cụ Lộng đã vượt lên số phận, hàng ngày khám bệnh, bốc thuốc bán cho người dân trong vùng.

Cách quốc lộ 91C chừng 2km, nằm sâu trong khu dân cư xã Khánh An có một căn chòi lá lụp xụp giữa bãi đất trống là "căn nhà" của cụ ông Võ Văn Lộng, 74 tuổi, ở tổ 23, ấp An Hòa, xã Khánh An, huyện An Phú, đang sinh sống. Công việc của ông trong suốt hơn 22 năm qua là khám bệnh, bốc thuốc theo phương cách y học cổ truyền mà ông đã học được.

Bà con sống nơi đây quen miệng gọi ông Lộng là ông già “3 không”, bởi ông không có vợ con, không nhà, không đất đai. Căn chòi này được xây dựng trên đất của người khác. Việc mưu sinh của ông sống nhờ vào việc khám bệnh, bốc thuốc nam bán cho người dân. Nghề này ông học được từ người cha, chú của mình lúc trước nhưng sau đó ông tiếp tục học thêm các lớp về cách chữa bệnh theo y học cổ truyền và được Sở y tế An Giang cấp giấy chứng chỉ nghề từ năm 1993 đến nay.

Cụ ông “3 không”… 22 năm bốc thuốc cứu người - 1

Dù ít chữ, hoàn cảnh khó khăn nhưng ông Lộng vẫn học hành đàng hoàng về phương cách khám chữa bệnh bằng thuốc nam và được Sở y tế tỉnh An Giang cấp giấy chứng nhận vào năm 1993

“Ban đầu học của cha ông đi trước, sau đó tỉnh mở lớp học để cấp chứng chỉ hành nghề nên tôi theo học và cấp bằng đến nay. Cuộc sống già yếu giờ chỉ nhờ có bán thuốc này thôi chứ đâu biết làm gì ra tiền nữa!” – ông Lộng nói.

Điều đáng nói ông hiện mang bệnh hở van tim hai lá từ bốn năm nay và bệnh lao phổi mới phát hiện từ đầu năm mà sống trong cảnh cô quạnh một mình ở căn chòi lụp xụp này không biết sống chết khi nào. Nhiều người hàng xóm lo sợ giông gió làm sập nhà hay có việc gì thì ai sẽ lo lắng cho ông.


Việc khám bệnh, bốc thuốc của ông Lộng chỉ mang tính chất cứu người là chính, không lo chuyện hám lợi, giàu sang

Việc khám bệnh, bốc thuốc của ông Lộng chỉ mang tính chất cứu người là chính, không lo chuyện hám lợi, giàu sang

“Ổng già rồi mà ở trong này rủi có chuyện gì ai biết được. Giông gió có ngày ngã sập chòi chết cũng không ai biết. Thấy ổng tội nghiệp quá, không ai lo lắng mà bệnh tật suốt!” – anh  Nguyễn Văn Tứ, xã Khánh An vừa nói vừa chỉ về căn chòi liêu xiêu.

Theo anh Tứ, hàng ngày có cả chục người dân trong và ngoài địa phương đến mua thuốc bắc của ông Lộng để chữa các bệnh thông thường. “Bao nhiêu năm nay tôi sống bằng nghề bán thuốc bắc này, nhờ nó nhiều bà con mắc những chứng bệnh thông thường được chữa khỏi, không phải đi viện. Tôi bán thuốc chỉ kiếm vừa đủ tiền lo cho cái thân, chẳng lo lời nhiều, giàu sang gì hết… chủ yếu là cứu người!”.

Nói xong, ông Lộng lật đật bước ra tiếp một vị “khách ngoại” để hốt thuốc cho họ kịp về sang Campuchia. “Tôi nghe bà con ở thị trấn Long Bình nói cụ Lộng bán thuốc hay lắm nên từ Campuchia tôi qua đây mua thuốc về cho con gái tôi sinh đẻ để sử dụng” – bà Lê Thị Mận, Việt kiều Campuchia nói.


Ở tuổi gần đất xa trời, ông Lộng vẫn còn sống trong căn nhà thấp nhỏ, tạm bợ như thế này. Do vậy, ước mơ có căn nhà kiên cố để có nơi bốc thuốc cho người dân là tâm nguyện lớn nhất đối với ông

Ở tuổi gần đất xa trời, ông Lộng vẫn còn sống trong căn nhà thấp nhỏ, tạm bợ như thế này. Do vậy, ước mơ có căn nhà kiên cố để có nơi bốc thuốc cho người dân là tâm nguyện lớn nhất đối với ông

Đem chuyện cụ Lộng đang gặp khó khăn về nhà ở, bản thân mang bệnh với lãnh đạo xã Khánh An, ông Nguyễn Huỳnh Long, Chủ tịch UBND xã Khánh An cho biết, toàn xã hiện có gần 3,1% dân thuộc diện hộ nghèo và chưa có nhà ở. Địa phương đã kiến nghị và được huyện chấp thuận cho xây dựng khu dân cư vượt lũ trong giai đoạn 3 sắp tới, dự kiến sẽ có khoảng 200 hộ được bố trí vào ở sẽ giúp địa phương xóa bỏ tình trạng như hiện nay.

“Sắp tới tôi sẽ bàn bạc với chủ đất nơi ông cất chòi tạm để sửa nhà lại cho cụ ở ấm cúng hơn trong dịp tết này. Nếu ông Lộng còn diện hộ nghèo trong năm sau sẽ cố gắng tìm nền nhà và huy động Hội chữ thập đỏ xã cất nhà cho ông ở nhưng xem ra rất khó!”, ông Long nói.

Minh Thư