Con gái GS Văn Như Cương chia sẻ về cách làm mẹ chồng hiện đại

“Khi Quỳnh muốn cưới vợ, nhiều đêm tôi mất ngủ, tôi thường nghĩ xem tôi sẽ phải ứngxử thế nào nếu có con dâu? Sẽ sống với chúng như thế nào để chúng không thấy khóchịu với mình mà vẫn giữ được nề nếp gia phong”, chị Văn Thùy Dương chia sẻ.

Chị Văn Thùy Dương, con gái PGS. TS. Văn Như Cương một thầy giáo ưu tú, mẫu mực được nhiều thế hệ học trò kính trọng, vừa mới đón nàng dâu mới – ca nương Kiều Anh về gia đình mình. Chị Thùy Dương đã dành thời gian chia sẻ với VietNamNet về chuyện gia đình, quan hệ mẹ chồng – nàng dâu trong thời đại mới.

Thế hệ mẹ chồng mới sẽ khác!

Phỏng vấn: “Lấy chồng là lấy cả nhà chồng”, mẹ chồng và nhà chồng luôn là nỗi ám ảnh của các nàng dâu. Chị cảm nhận như thế nào về mối quan hệ giữa mẹ chồng – nàng dâu hiện nay?

Chị Văn Thùy Dương: Hiện nay, mối quan hệ giữa mẹ chồng nàng dâu không còn khó khăn như thời trước nữa (thời của bà tôi và mẹ tôi ngày xưa). Tuy nhiên các cô dâu vẫn nên cần có suy nghĩ, lấy chồng lấy cả nhà chồng cũng như anh con trai cũng cần có suy nghĩ lấy vợ là lấy cả nhà vợ. Mọi người tự ý thức về trách nhiệm của mình, về tình cảm của mình thì mọi việc sẽ tốt đẹp.

Ở nhà, khi bị mẹ mắng, cô con gái có thể dỗi, có thể nũng nịu, có thể ôm lấy mẹ rồi nịnh mẹ vài câu. Tại sao đối với mẹ chồng, các cô không thể làm thế? Bởi khi về làm dâu, bản thân trong lòng mỗi người đã có ý nghĩ về khoảng cách giữa mẹ chồng và mình, mẹ chồng cũng vậy, thế thì làm sao mà có thể có sự hoà hợp tuyệt đối!

Thời bây giờ, tôi nghĩ các mẹ chồng hiện đại đều có thể giải quyết tốt vấn đề về khoảng cách và chính vì vậy quan hệ mẹ chồng nàng dâu sẽ được cải thiện.


Gia đình chị Văn Thùy Dương trong lễ Hằng thuận của hai con Văn Quỳnh – Kiều Anh.

Gia đình chị Văn Thùy Dương trong lễ Hằng thuận của hai con Văn Quỳnh – Kiều Anh.

- Chị chia sẻ rằng muốn tạo một thế hệ mẹ chồng mới sẽ khác, để phụ nữ đỡ khổ hơn, cụ thể thế hệ mẹ chồng mới này sẽ như thế nào, thưa chị?

Tôi rất mong muốn sẽ có một thế hệ mẹ chồng mới. Biết cảm thông, yêu thương con dâu như con gái, biết chia sẻ những lúc con khó khăn, cố hiểu những điều con muốn. Tôi nói điều này không có nghĩa là thế hệ mẹ chồng thời trước không yêu thương và chia sẻ với con dâu mà tôi muốn nói rằng, cần nhiều hơn nữa các mẹ biết thông cảm với con, đặt mình vào vị trí của con để ứng xử cho đẹp đẽ.

Có thể thế hệ mẹ chồng mới này được sống cuộc sống đầy đủ, ít khó khăn vất vả hơn các mẹ ngày xưa nên sẽ không khắc nghiệt như ngày xưa nữa. Tôi sợ nhất khi nghe có ai nói “ngày xưa chúng tôi không như thế này, khổ sở đủ đường, thiếu ăn thiếu mặc, làm lụng vất vả, bị mẹ chồng khó tính “hành hạ”...”.

Tôi cứ tự hỏi “có phải vì thế mà các mẹ khó tính với con dâu?”, “tại sao vì thế mà các mẹ không thay đổi, các mẹ đã khổ vì sự khó tính, sự nghiệt ngã...thì tại sao không thay đổi để con dâu mình không lâm vào tình trạng khổ sở như mình nữa...?”. Đúng thật “mọi sự đều khởi từ tâm...”.

Tôi nghĩ thế hệ mẹ chồng mới sẽ luôn tìm cách thấu hiểu con dâu bởi vì họ quá hiểu, muốn con trai mình hạnh phúc, hãy thương người mà nó yêu thương. Cũng vậy, vợ nó muốn nó hạnh phúc một cách trọn vẹn thì cô ấy cũng sẽ yêu thương người mà anh ấy yêu thương, người mà anh ấy không thể từ bỏ.

- Vậy làm sao để trở thành thế hệ mẹ chồng mới ấy, thưa chị?

Thật ra không có gì là khó đâu, hãy nghĩ cho con mình...thế là mình sẽ có cách.

Tôi đã chứng kiến một gia đình, chị vợ chăm chỉ, giỏi giang và chăm chút cho bố mẹ chồng rất chu đáo. Lúc đầu mọi việc đều tốt đẹp, sau đó thấy chị ý quá giỏi, quá chu đáo, làm việc gì cũng trọn vẹn không tính toán thiệt hơn... Lúc đó các chị chồng đặt câu hỏi, sao nó về nhà mà việc gì cũng làm, đầu tư nhà cửa đàng hoàng trên đất của bố mẹ để lại, ắt hẳn nó có âm mưu gì đây. Rồi nhỏ to nói lại với mẹ chồng.

Từ lúc cũng nể con dâu, sau dần bị nghe nhiều lời qua lại không đủ bản lĩnh, lại sợ cô con dâu chiếm phần đất của các chị nên mẹ chồng bắt đầu tỏ thái dộ, để ý nói cạnh nói khoé. Chỉ khổ anh con trai, loay hoay giữa mẹ và vợ. Vợ thì tủi thân, buồn nản. Mẹ thì ngày nào cũng gây chuyện, cũng chán nản không kém.

Cho đến lúc, chị em chồng cùng mẹ đấy sự việc đến đỉnh điểm, nói vào nói ra ngụ ý vợ thì có thể lấy năm bảy đứa chứ mẹ thì không bỏ được, chỉ có một mẹ thôi...thì sự việc đã quá muộn. Anh con trai sau đó mất vợ, mẹ chồng thì từ lúc đó hàng ngày ra vào một mình, ngồi giữ cái nhà to tướng mà cô con dâu xây lên. Cô ý ra đi và cũng không thèm lấy đến 10 phân đất của bà.

Bà mẹ như thế là bà mẹ không biết nghĩ cho con. Tôi yêu con nên trân trọng những người yêu thương con mình. Và tôi luôn đặt mình vào vị trí của con dâu để tìm cách ứng xử cho đẹp đẽ.


“Muốn con trai mình hạnh phúc, hãy thương người mà nó yêu thương”

“Muốn con trai mình hạnh phúc, hãy thương người mà nó yêu thương”

- Điều gì thôi thúc chị muốn trở thành một người mẹ chồng tốt, tâm lý với con dâu?

Gia đình tôi luôn yêu thương nhau mặc dù trong cuộc sống không phải không có những bất đồng. Các con tôi đều gọi các chị gái và anh rể tôi là bố mẹ và con các chị gái tôi cũng vậy.

Con rể trong gia đình tôi không phải là khách mà là con trai, đuọc yêu thương như con cái trong nhà. Cháu rể cũng vậy. Bởi vậy tôi nghĩ tại sao chúng ta không mở rộng lòng, yêu thương bọn trẻ để chúng ta nhận được những ngọt ngào hơn là cay đắng?! Đơn giản vậy thôi.

- Mối quan hệ giữa mẹ chồng – nàng dâu như thế nào sẽ khiến chị ngưỡng mộ?

Quả thực tôi đã đọc thấy một bạn chia sẻ bài thơ của tôi viết cho con dâu kèm thêm vài lời, “mẹ em không biết làm thơ nhưng những ngọn rau ngon nhất ở vườn mẹ đều hái lên dành cho em cả. Mẹ thương em, lo lắng cho chúng em từng ly từng tý...”. Và tôi hiểu, không phải chỉ có người phụ nữ hiện đại mới gạt bỏ quan điểm mẹ chồng nàng dâu mà cả những người phụ nữ ở quê, nếu họ thương con trai họ, họ sẽ biết cảm thông sâu sắc với con dâu mình.

Mẹ tôi là con gái Hà Nội - học trường nữ sinh Đồng Khánh, khi lấy bố, mẹ theo bố về quê, gánh nước, gánh phân, đủ cả...chăm sóc bố chồng, trọn nghĩa với mẹ chồng, từ khi tôi nhận thức được mọi chuyện, tôi chưa thấy mẹ cãi bà một câu nào. Hai mẹ con yêu thương cùng một người đàn ông cho đến cuối cuộc đời mỗi người. Bà tôi mất đi, giờ chỉ còn mình mẹ, việc thờ phụng bà làm đủ đầy, trọn vẹn thậm trí là rất cẩn thận. Học bà, tôi cũng biết chăm sóc mộ phần cho gia đình nội ngoại, biết dạy con làm trọn đạo hiếu.


Chị Thùy Dương cùng con dâu tự tay chọn cúc họa mi để trang trí trong đám cưới của con.

Chị Thùy Dương cùng con dâu tự tay chọn cúc họa mi để trang trí trong đám cưới của con.

Mẹ chồng cũng phải bản lĩnh

- Theo chị, mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu ảnh hưởng đến hạnh phúc của các con như thế nào?

Quan hệ mẹ chồng nàng dâu không tốt thì người khổ nhất là con trai. Hai người phụ nữ mà anh ta yêu suốt ngày khó chịu với nhau thì sao anh ta hạnh phúc được. Đâu phải anh nào cũng giỏi giang như chàng trai trong câu chuyện “mài dao dạy vợ, giết chó dạy chồng”. Nhiều gia đình tan nát, mẹ mất con, vợ mất chồng vì quan hệ mẹ chồng nàng dâu rồi.

Là mẹ, tôi luôn nghĩ mình phải khác đi, mình phải là người làm gương cho con vì mình là người lớn, là người dạy con cách sống, cách ứng xử. Mình đối với nó không ra gì thì sao mong nó đối tốt với mình được.

- Chị có thể chia sẻ một chút về cuộc đời làm dâu của bản thân?

Khi tôi lấy bố Quỳnh và Sa, tôi ít phải làm dâu vì bà nội ở nước ngoài. Tuy nhiên khi bà về thăm thì tôi cũng hết sức chăm chút bà. Bà cũng khó tính nhưng vì bà chỉ về thăm có vài tháng rồi đi nên tôi cũng không gặp khó khăn trong quan hệ lắm.

Sau khi ly hôn với bố Quỳnh và Sa, tôi vẫn đưa con thăm bà khi bà về và bà bị liệt vì đau ốm. Tôi nhớ là bà đã cầm tay tôi và khóc, những lúc ấy mọi suy nghĩ về bà những lúc bà khó tính với tôi đều tan đi mất. Tôi chỉ thấy thương và xót thôi.

Khi tôi tái hôn, tôi cũng luôn tâm niệm coi bố mẹ chồng như bố mẹ mình. Cụ ông thì rất thương tôi, coi tôi như con gái và tin tưởng tôi vô cùng. Cụ cũng dạy tôi như dạy con gái. Lúc cụ mất, tôi cảm thấy bị hẫng hụt. Với mẹ chồng, lúc đầu về, tôi cũng luôn gần mẹ, có lúc còn nói đùa “mẹ con mình phải hợp tác để trị con mẹ... cho anh ý đỡ gia trưởng, đỡ quát nạt người khác”.

Đùa vậy thôi nhưng trong cuộc sống, có lẽ tôi là người quá nhạy cảm nên tôi thường hay buồn vì những điều bà nói, bà ứng xử khi bà không hiểu tôi. Cũng có thể do tôi với bà cách xa nhau về tuổi tác thế nên dù có cố gắng bao nhiêu cũng không thể hoà hợp và làm mẹ hiểu tôi hơn được. Hơn nữa, cuộc sống này, có nhiều khi làm điều tốt cũng bị nghi ngờ. Xung quanh bà có quá nhiều người nói ra nói vào làm bà bị phân tâm, khiến bà lo lắng.

Điều này làm cho cách bà ứng xử với tôi... khiến tôi đau lòng. Vì suy nghĩ của người đời nặng về vất chất nên bà có suy nghĩ là tôi lấy con bà để chiếm đất chiếm nhà, điều này khiến quan hệ nặng nề không chịu nổi. Cuối cùng, tôi cũng bỏ lại cái nơi mà tôi dày công xây dựng. Tôi ra đi để lại tất cả. Có lúc tôi cũng trách mình không đủ dũng cảm, không đủ bản lĩnh chịu khổ sở để ở lại với mẹ, với chồng và làm mẹ hiểu. Nhưng cũng chính thời gian sống này đã thôi thúc tôi phải có cách nhìn khác về cách đối xử với con dâu.

Tôi tự nhủ, phải bản lĩnh để nhận biết con mình thật sự là người thế nào qua cách con sống và ứng xử. Tôi nguyện là, bất cứ điều gì tôi cũng sẽ nghe bằng hai tai. Tin tưởng một cách thông minh và hoài nghi một cách lành mạnh để cuộc sống gia đình tôi luôn được hạnh phúc, để chính con trai tôi được thấy sự bình yên, sự yên ổn trong ngôi nhà của chúng tôi. Để con dâu tôi được thấy ngôi nhà mà tôi đã xây dựng lên chính là ngôi nhà của con, lúc đó tự khắc con sẽ phải có trách nhiệm gìn giữ và xây dựng cho nó đẹp đẽ và hạnh phúc hơn.

Theo VietnamNet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm