Cô gái Nhật phá vỡ "truyền thống", kể về chuyện bị hãm hiếp
Nữ nhà báo cho biết mình đã bị cưỡng hiếp khi đang bất tỉnh trong khách sạn ở Tokyo.
Mùa xuân năm 2015, một trong những nhà báo truyền hình nổi tiếng nhất Nhật Bản đã mời cô Shiori Ito đi uống rượu. Khóa thực tập của Ito - nữ nhà báo trẻ - tại một cơ quan tin tức ở Tokyo sắp kết thúc. Và cô tiếp tục đăng ký khóa thực tập khác cũng trong kênh truyền hình của người đàn ông nổi tiếng.
Họ gặp nhau tại quán bar ở trung tâm Tokyo và sau đó đi ăn tối. Điều cuối cùng Ito nhớ là cô cảm thấy chóng mặt và xin phép vào phòng vệ sinh, nơi cô ngất lịm, Ito kể với cảnh sát.
Vào cuối đêm hôm đó, nữ nhà báo cho biết mình bị người đàn ông đưa về phòng khách sạn và cưỡng hiếp trong khi cô bất tỉnh, New York Times đưa tin.
Ito nói rằng khi tỉnh dậy, cô phát hiện mình đang nằm bên dưới người đàn ông nổi tiếng trên giường khách sạn, trần truồng và đau đớn.
Người đàn ông đó chính là Noriyuki Yamaguchi, lúc đó đang là Giám đốc Văn phòng về Washington tại Hệ thống Phát thanh Truyền hình Tokyo (Tokyo Broadcasting System). Đồng thời, ông ta cũng là người viết tiểu sử cho Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Yamaguchi bác bỏ toàn bộ cáo buộc của Ito. Và sau hai tháng điều tra, các công tố viên hủy vụ án.
Thấy vậy, nữ nhà báo trẻ quyết định làm một việc mà phụ nữ Nhật Bản gần như không bao giờ làm: Lên tiếng.
Trong một cuộc họp báo vào tháng 5.2017 và trong cuốn sách xuất bản tháng 10.2017, Ito nói cảnh sát đã lấy được video từ camera an ninh của khách sạn, cho thấy Yamaguchi đỡ Ito đang bất tỉnh đi qua sảnh khách sạn.
Cảnh sát cũng đã phỏng vấn người lái xe taxi chở Ito và Yamaguchi đêm hôm đó và lái xe xác nhận Ito bị ngất. Các nhà điều tra nói với Ito rằng họ sẽ bắt giữ Yamaguchi nhưng đột nhiên từ bỏ vụ án, Ito cho biết.
Ở những nơi khác trên thế giới, cáo buộc của Ito có thể gây ra làn sóng phẫn nộ. Nhưng ở Nhật Bản, những cáo buộc này chỉ thu hút sự chú ý nhỏ.
Câu chuyện của Ito là một ví dụ điển hình về việc bạo lực tình dục vẫn là đề tài bị né tránh ở Nhật, nơi ít phụ nữ báo cảnh sát mình bị hãm hiếp và những cáo buộc của họ hiếm khi dẫn tới bắt giữ hoặc truy tố.
Trên giấy tờ chính thức, Nhật Bản có tỉ lệ tấn công tình dục tương đối thấp. Trong khảo sát do Văn phòng Nội các Nhật thực hiện năm 2014, chỉ 1/15 phụ nữ cho biết từng bị hãm hiếp trong đời. Tỉ lệ này ở Mỹ là 1/5.
Theo các học giả, so với phụ nữ phương Tây, phụ nữ Nhật Bản ít khi coi quan hệ tình dục không đồng thuận là hãm hiếp. Luật hãm hiếp của Nhật thậm chí còn không đề cập đến sự đồng thuận trong quan hệ tình dục. Cụm từ “date rape” (các vụ hãm hiếp do người quen) về cơ bản là khái niệm nước ngoài và giáo dục về bạo lực tình dục rất sơ sài.
Thay vào đó, hãm hiếp thường được miêu tả trong truyện tranh manga và ấn phẩm khiêu dâm như một hành động thỏa mãn nhu cầu tình dục.
Theo số liệu của Nội các Nhật, trong số những phụ nữ cho biết mình bị hãm hiếp, hơn 2/3 nói rằng họ chưa bao giờ kể với ai về điều này, ngay cả bạn bè hay người thân. Chỉ gần 4% nói rằng họ báo cảnh sát. Ngược lại, ở Mỹ, khoảng 1/3 số vụ cưỡng hiếp được báo cảnh sát, theo Cục Thống kê Tư pháp.
"Định kiến với phụ nữ là vấn đề sâu sắc và trầm trọng, và mọi người không coi những ảnh hưởng gây ra bởi tội phạm tình dục là nghiêm trọng", Tomoe Yatagawa, giảng viên về luật giới tính ở Đại học Waseda, nói.
Ito, 28 tuổi, đã nộp đơn kiện Yamaguchi. Cô đồng ý thảo luận chi tiết vụ kiện của mình để làm nổi bật thách thức mà phụ nữ Nhật Bản phải chịu đựng khi bị bạo lực tình dục.
Ito nói: "Tôi biết nếu tôi không lên tiếng thì quan niệm khủng khiếp về tấn công tình dục sẽ không bao giờ thay đổi”.
Yamaguchi, 51 tuổi, phủ nhận cáo buộc hãm hiếp. "Không có cuộc tấn công tình dục nào", ông nói. "Đêm đó không có hoạt động phạm pháp nào”.
Theo Trà My
Dân Việt