Chuyện tình khó tin của ông già mù đánh đàn bên dòng sông Hậu

Với một miếng ván cũ kỹ và xấu xí kèm theo 2 sợi dây kim loại, người đàn ông lớn tuổi khuyết tật đã tự nuôi sống mình trong hàng chục năm qua...

Đàn có người nghe là quí lắm rồi

Buổi trưa. Trời nắng gắt. Chúng tôi gặp ông trên chuyến phà vượt sông Hậu từ bờ Cần Thơ sang phía TX Bình Minh (Vĩnh Long). Chuyến phà trưa vắng khách. Ai nấy đều hướng mắt nhìn vào bờ mong cho phà nhanh cập bến.

Bỗng tiếng đàn lảnh lót vang lên. Những điệu nhạc của một bài hát trầm buồn vang vọng làm nhiều người bừng tỉnh. Âm thanh từ chiếc đàn đã khiến cho ai chưa nhìn thấy chắc chắn phải nghĩ ngay đó là tiếng của đàn Mandoline.

Ông Liêm và người bạn đời chưa một lần thấy mặt
Ông Liêm và người bạn đời chưa một lần thấy mặt

Trong góc phà, một người đàn ông lớn tuổi đang ôm một cây đàn kỳ dị tấu lên một bản nhạc xa xưa. Cây đàn, không đó chỉ là một miếng ván mỏng. Dài chưa được 1m, rộng chừng 20cm, hai đầu đóng đinh nhô lên. Dây đàn buộc vào đầu đinh kéo từ dưới lên trên ngang qua một thau nhôm úp màu trắng. Đơn giản như thế thôi nhưng trong tay người đàn ông này cây đàn trở nên huyền hoặc. Những nốt nhạc vang lên. Ông đàn không sót một bản nhạc nào...

Những người khác trên phà lắng nghe tiếng đàn của ông. Có người đến bên ông bỏ vào chiếc ca treo trên đầu đàn một vài ngàn đồng lẻ. Phà vẫn cứ lướt sóng. Ông vẫn cứ đàn. Lần này ông chuyển sang cổ nhạc. Xề, xang, xê, cống, líu... Ông dùng phím đàn gõ vào thau nhôm. Một tiếng "cộc" khô khan vang lên thay cho nhịp song lang để chấm dứt 6 câu...

Những người khách trên phà bị ông thu hút. Họ nhìn ông. Nhìn đôi tay điêu luyên. Nhìn đôi mắt không tròng đờ đẫn. Ông bị mù. Trước mắt ông là một màn đen. Thế nhưng ông vẫn hăng say vẫn miệt mài như con tằm nhả tơ...

Ông Liêm với cây đàn độc đáo
Ông Liêm với cây đàn độc đáo

Một cô gái ăn mặc sang trọng đến gần nói nhỏ vào tai ông : "bác đờn cho con nghe bài những đồi hoa sim đi". Ông gật đầu ngưng đàn để chuyển sang bản nhạc được yêu cầu.

Những nốt nhạc đầu tiên của bản nhạc cất lên, cô gái đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Hay quá. Tiếng đàn như ru hồn người khiến, bấc giác cô cất lên tiếng hát : " những đồi hoa sim ôi những đồi hoa sim tím chiều hoang biền biệt..." Người đàn chợt trào dâng cảm xúc. Người hát trong một lúc nào đó bất chợt thấy hứng khởi hòa vào điệu nhạc...

Phà đã gần cập bến. Bài hát cũng vưà kết thúc. Cô gái vội lấy tờ giấy 50.000đ bỏ vào ca và nói vào tai ông, có dịp nào con trở lại bác đàn cho con hát nhen...

Chuẩn bị xuống phà
Chuẩn bị xuống phà

Mọi người đã rời phà. Khách qua sông cũng đã xuống phà. Phà lại đầy và tiếp tục sang sông. Ông bắt đầu đàn...

Không còn ở trên phà nhưng hình ảnh của ông già mù làm cho chúng tôi ray rứt. Có thể do ông mù nên ông hờ hững với những đồng bạc khách bỏ vào ca cho ông. Nhưng - một người bán hàng ở đây cho biết - ông không thiết tha nhiều đến tiền bạc. Ai có cho hay không, với ông không cần thiết bằng một lời khen tặng.

Chị bán hàng cho biết thêm, có lần ông ông tâm sự, mình đàn có người nghe là quí lắm rồi. Đúng vậy. Trên thế gian này tìm một kẻ tri âm một người tri kỷ hiểu mình hiểu cả tiếng đàn không phải là dễ. Bởi vậy, có người khen, có người hỏi thăm đến ông là niềm vui mặc dù ông không hề biết người đó là ai.

Men theo con đường, trục lộ chính dẫn vào bến bắc Cần Thơ của một thuở xa xăm, chúng tôi đến nơi ông ở trọ và ngồi chờ ông trở về để hỏi thăm đôi điều...

Nghệ sĩ trong lòng du khách

Chúng tôi tìm đến khu nhà trọ để tìm hiểu về ông. Nhiều người dân ở đây đã bày tỏ lòng cảm thương một người tài hoa nhưng kém may mắn. Cũng như chúng tôi đã chứng kiến trên phà, bà con cho biết thêm, ông chỉ đàn và say sưa với cây đàn.

Phà vừa tách bến, tiếng đàn vang lên
Phà vừa tách bến, tiếng đàn vang lên

Ông chưa hề mở miệng than van để kêu gọi sự thương hại của bất cứ ai. Những đồng tiền bỏ vào trong ca không có ý nghĩa là bố thí mà là một sự trả công, sự đền đáp lại cho ông đã bỏ công sức lao động cực nhọc. Nhiều cũng được, ít cũng chẳng sao...

Ông tên Trương Thanh Liêm, 64 tuổi. Ông không phải là người sinh trưởng ở vùng này. Quê ông ở tận Cà Mau nhưng đã sống ở đây hàng chục năm nay.

Bác tài xe ôm dừng trước nhà trọ. Ông đã về. Ông xuống xe bước vào. Chúng tôi đưa ông ngồi vào ghế và cuộc trò chuyện bắt đầu...

" Thuở bé tôi sinh ra cũng bình thường như bao đứa trẻ khác. Lên 3 tuổi, sau một cơn bạo bệnh, 2 con mắt tôi mù hẳn. Tôi trở thành gánh nặng của gia đình. Năm tôi 19 tuổi cả 2 ông bà song thân lần lượt qua đời, tôi mất nơi nương tựa trở thành đứa bơ vơ...

Cha mẹ chết, tôi phải tự bương chải. Làm gì được khi đôi mắt không còn nhìn thấy. Cũng may, trước đó, những lúc rảnh rỗi, tôi mở radio nghe những bản nhạc phát trên đài phát thanh. Tôi ghi nhớ từng bài hát rôi tìm mượn một cây guitar để tập đàn. Tôi luyện được ngón đàn và tập được khá nhiều bài cho đến khi cha mẹ qua đời tôi dùng khả năng này ra bến tàu Cà Mau đờn ca kiếm sống.

Được 3 năm, vào một đêm nọ tôi đang ngủ kẻ bất lương đã lẻn vào lấy trộm cây guitar và móc sạch tiền trong túi tôi. Thế là trắng tay. Tôi chán nản bỏ quê lên vùng này (P. Thành Phước, TX Bình Minh, Vĩnh Long) tiếp tục mưu sinh. Lần này tôi không còn đủ tiền để mua đàn guitar. Tôi vào một trại mộc, mua một tấm ván rồi mày mò đóng đinh lên 2 đầu. Dùng dây thắng xe đạp, tôi kéo thành 2 sợi dây đàn vắt chúng nằm trên chiếc thau nhôm. Thế là tôi có cây đàn..."

Nói đến đây ông Liêm dừng lại. Rút trong túi một điếu thuốc, ông châm, rít một hơi dài sảng khoái. Uống một ngụm cà phê, ông nói tiếp.

Cuộc sống như thế kéo dài cho đến năm ngoài 40 tuổi, một người phụ nữ yêu tiếng đàn yêu cả người cầm đàn đã cùng tôi gá nghĩa. Chúng tôi sống với nhau hơn 20 năm nay, chăm lo cuộc sống của nhau...

Câu chuyện bị ngắt quãng, chị chủ nhà trọ cho biết khu vực này khi chưa có cầu Cần Thơ ngày đêm tấp nập. Nơi đây là đường xuống bắc (phà) nên lúc nào cũng đông đúc. Ông Liêm đi đàn kiếm ăn cũng khá. Sau đó, bến phà ngưng hoạt động. Thu nhập giảm sút. Cũng may, nhu cầu của người dân 2 bên bờ sông Hậu cần qua lại và cũng để những người buôn gánh bán bưng, lao động nghèo rút ngắn đoạn đường nên chính quyền cho phép mở bến đò ngang. Nhờ vậy, hàng ngày ông Liêm lên phà và vợ ông đi theo. Ông đàn, bà bán vé số. Cuộc sống hai người cũng đắp đỗi qua ngày...

Không lê lết tấm thân tàn để mọi người thương hại, không mở miệng kêu van nài nỉ để kiếm đồng tiền bố thí, ông Liêm với cây đàn độc đáo do ông tự chế đã nhiều năm nay ngẩng cao đầu tự hào sống bằng sức lao động của mình.

Nếu gọi ông là một nghệ sĩ với nhiều sáng tạo hiếm có không phải là quá đáng. Ông xứng đáng được vinh danh "nghệ sĩ trong lòng du khách".

Theo Vietnamnet