Chuyến tàu định mệnh và hành trình 36 năm tìm con gái thất lạc

(Dân trí) - Cách đây 36 năm, trên chuyến tàu định mệnh xảy ra ở ga Si (Nghệ An) bà Ngô Thị Thanh (Thanh Trì, Hà Nội) đã làm thất lạc người con gái mới hơn 3 tuổi… Suốt ngần ấy năm, người mẹ này luôn sống trong sự đau khổ, dằn vặt và nuôi hy vọng về việc đoàn tụ với người con ruột thịt.

Chuyến tàu định mệnh và hành trình 36 năm tìm con gái thất lạc

Chuyến tàu định mệnh

Câu chuyện xúc động này xảy ra trong gia đình bà Ngô Thị Thanh (64 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội). Cách đây 36 năm, trong một phút bất cẩn bà Thanh đã làm thất lạc người con gái đầu lòng khi đó mới hơn 3 tuổi. Từ đó đến nay, gia đình bà đã thực hiện rất nhiều cuộc tìm kiếm nhưng thông tin về người con gái vẫn “bặt vô âm tín”.

Chia sẻ với PV Dân trí, bà Thanh nghẹn ngào cho biết, 36 năm qua chưa đêm nào bà ngủ một giấc trọn vẹn. Cứ nhắm mắt lại là hình ảnh người con gái với khuôn mặt bầu bĩnh, đôi mắt tròn xoe gọi tên mẹ lại khiến bà đau đớn đến quặn thắt trong lòng. “Mỗi lần nghe thấy tiếng tàu chạy là nước mắt tôi lại chảy tràn ra, tôi chỉ ước được quay lại thời điểm đó để có thể thay đổi mọi thứ.

Suốt 36 năm qua gia đình bà Thanh chưa khi nào thôi dằn vặt, nguôi nỗi day dứt vì để thất lạc người con của mình.
Suốt 36 năm qua gia đình bà Thanh chưa khi nào thôi dằn vặt, nguôi nỗi day dứt vì để thất lạc người con của mình.

Nếu được nuôi trong vòng tay bố mẹ, hiện giờ con gái tôi đã 39 tuổi và đã có một gia đình hạnh phúc, con cái đuề huề. Không biết hiện giờ con gái tôi sống thế nào, có đủ ăn, đủ mặc hay không?”, bà Thanh xúc động nói.

Theo đó, bà Thanh quê gốc ở Thanh Trì, Hà Nội còn chồng là ông Đoàn Xuân Út quê ở huyện Đô Lương, Nghệ An. Năm 1981, trong một lần về quê chồng, trên chuyến tàu định mệnh trở ra Hà Nội, bà đã làm thất lạc người con gái đầu lòng là chị Đoàn Thị Thu Hiền. Bà Thanh kể, vào buổi chiều ngày 9/12 (âm lịch) tại ga Si (Nghệ An) bà vừa bế người con trai 11 tháng tuổi, vừa dắt theo con gái hơn 3 tuổi ngồi đợi tàu.

Bà Thanh nghẹn ngào cho biết, cứ mỗi lần nghe thấy tiếng còi tàu nước mắt bà lại chảy tràn, đau buốt trong lòng.
Bà Thanh nghẹn ngào cho biết, cứ mỗi lần nghe thấy tiếng còi tàu nước mắt bà lại chảy tràn, đau buốt trong lòng.

Cùng đi chuyến tàu ra Hà Nội với bà, có cô gái tầm 28 tuổi, đã tới làm quen và nói chuyện với bà Thanh cả buổi chiều. Lợi dụng lúc tàu đến, người này ngỏ lời bế hộ bé gái lên tàu. “Lúc đó, con trai tôi viêm phế quản nặng, vừa tháo bình oxy ở bệnh viện, khóc ngằn ngặt trên tay mẹ còn con gái thì ngủ lay lắt. Không thể cùng bế được cả hai con lên tàu, tôi đồng ý nhờ cô ấy bế giúp. Bản thân tôi lúc đó cũng không hề mảy may nghi ngờ, bởi người phụ nữ ấy trông rất hiền lành, thật thà”, bà Thanh xúc động nhớ lại.

Bà Thanh kể tiếp, thời buổi khi ấy rất khó khăn, nhà ga không có đèn nên trời tối như mực. Hàng đoàn người chen chúc, xếp hàng chờ đợi lên tàu. Bà Thanh một tay bế con trai, một tay xách đồ đi sau người phụ nữ kia. Không may, lúc bị xô đẩy, bà đánh rơi túi đồ nên phải cúi xuống nhặt, lúc ngẩng lên thì đã không thấy con gái đâu.

“Tôi đinh ninh người phụ nữ kia đã bế giúp con lên số ghế của mình. Tuy nhiên khi lên đến tàu tìm mãi cũng không thấy con đâu. Tôi chết lặng, nước mắt trào ra, miệng không nói lên lời. Mọi người xung quanh thấy thế đã cùng nhân viên nhà ga hỗ trợ tôi tìm kiếm. Tuy nhiên, dù đã kiểm tra rất kỹ các toa tàu mà vẫn không tìm thấy bóng dáng người phụ nữ kia đâu”, bà Thanh kể.

Tấm ảnh 2 mẹ con bà Thanh chụp khi chị Hiền còn nhỏ được gia đình phục chế lại. Đây cũng là manh mối duy nhất bà Thanh hy vọng có thể tìm lại được con.
Tấm ảnh 2 mẹ con bà Thanh chụp khi chị Hiền còn nhỏ được gia đình phục chế lại. Đây cũng là manh mối duy nhất bà Thanh hy vọng có thể tìm lại được con.

36 năm vẫn chưa ngừng tìm kiếm con gái thất lạc

Do sức khỏe của người con trai yếu nên bà Thanh buộc phải theo tàu trở ra Hà Nội trong đêm. Ngay ngày hôm sau, ông Đoàn Xuân Út, chồng bà Thanh lập tức xin nghỉ làm trở vào Nghệ An, tìm con gái. Khi đang lang thang, hỏi thông tin về người con thất lạc, ông Út được một nhóm trẻ nhỏ khoảng 11-12 tuổi ở gần ga Si cho biết, vào buổi chiều hôm trước, có một ông già bế cháu gái đi qua đây.

Điều lạ là, cháu bé liên tục giãy giụa, khóc lóc đòi đi về phía đường tàu với mẹ. Khi ông Út hỏi kỹ về hình dáng đứa trẻ thì những thông tin như: bé mặc quần áo nâu, tóc ngang vai… hoàn toàn trùng khớp với con gái ông ở thời điểm mất tích. “Các em bé nói vì bé khóc quá nhiều và dãy dụa nên ông già đã dừng lại dỗ cháu và mua 1 tấm mía 500 đồng nhưng cháu không cầm và một mực đòi đi về với mẹ.

Sau đó người đàn ông này đã đặt cháu lên chiếc xe bò chở gạch đi về phía xã Diễn Hạnh (Diễn Châu). Tôi lập tức đi về phía đó nhưng không có thêm manh mối nào khác...”, ông Út kể.

Nỗi đau, sự dằn vặt vì mất con khiến chưa đêm nào bà Thanh được ngủ một giấc trọn vẹn.
Nỗi đau, sự dằn vặt vì mất con khiến chưa đêm nào bà Thanh được ngủ một giấc trọn vẹn.

Suốt nhiều tháng sau đó, người đàn ông nay đã đeo biển trước ngực, đạp xe khắp các ngõ ngách, thôn xóm ở Nghệ An. Cứ nghe đâu có thông tin về người con gái mất tích là ông Út lại vội vã lên đường tìm kiếm. Tuy nhiên càng hy vọng bao nhiêu thì khi trở về lại càng thất vọng bấy nhiêu. Thậm chí, gia đình ông đã trình báo và nhờ sự giúp đỡ của chính quyền các xã lân cận như công an tỉnh Nghệ An, công an huyện Diễn Châu, Đô Lương… nhưng thông tin về người con gái mất tích vẫn “bặt vô âm tín”.

Ông Út nghẹn ngào kể, đáng lẽ hôm đó ông sẽ đi cùng vợ con nhưng do việc đột xuất ông đành phải trở ra Hà Nội bằng ô tô. Ông không thể ngờ, chuyến tàu định mệnh ở ga Si đã khiến ông lạc mất người con ruột thịt. “Năm tháng trôi qua, đã gần 40 năm rồi, con gái đầu lòng tuột khỏi vòng tay che chở của bố, mẹ, đang lưu lạc phương nào; sướng, khổ ra làm sao... vẫn là nỗi đau day dứt, đeo đẳng lương tâm vợ, chồng chúng tôi. Chẳng bao giờ nguôi được”, ông Út nói.

Hình ảnh chị Đoàn Thị Thu Hiền khi còn nhỏ
Hình ảnh chị Đoàn Thị Thu Hiền khi còn nhỏ

Người đàn ông này cho biết thêm, thời điểm con gái ông mất tích, bé mặc một chiếc quần màu nâu, áo lót nỉ. Con mặt tròn, tóc đen, da trắng và rất bụ bẫm, đặc biệt trong mắt có một nốt ruồi đen. Dù mới hơn 3 tuổi nhưng con đã nói, hát và có thể đọc rõ họ tên của bố mẹ và các thành viên trong gia đình.

“Thời gian đã quá lâu, lúc con bị thất lạc cũng còn quá nhỏ tuổi tuy nhiên chúng tôi vẫn hy vọng phép màu xảy ra để gia đình được đoàn tụ. Tôi hy vọng, trong trí nhớ của mình, con vẫn lưu giữ, hình dung về cuộc sống của mình bên bố mẹ khi xưa. Từ đó, có thể tìm lại nguồn cội của mình. Chỉ mong con đọc được thông tin trên báo chí hoặc có ai có địa chỉ thông tin vụ việc có thể kết nối giúp gia đình” , ông Út nghẹn ngào nói.

Hiện tại, vợ chồng ông Út sống cùng người con trai thứ 2 (em trai chị Hiền) tại thôn Tựu Liệt, xã Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội. Suốt gần 40 năm qua, các thành viên trong gia đình ông chưa khi nào ngừng tìm kiếm người con gái mất tích năm xưa. Ông Út thậm chí đã tìm đến chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” để kết nối, tìm dữ liệu song đến giờ vẫn chưa có bất cứ manh mối nào.

Nếu bạn đọc có bất kỳ thông tin nào về vụ việc này muốn cung cấp, xin vui lòng gọi điện thoại về đường dây nóng của Báo Dân trí, số 0973.567.567 hoặc gửi email về địa chỉ dantri@dantri.com.vn.

Xin trân trọng cảm ơn!

Hà Trang

Ảnh, Video: Toàn Vũ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm